Quy hoạch sông Hồng sẽ không còn là quy hoạch treo

(khoahocdoisong.vn) - Sông Hồng qua rất nhiều lần quy hoạch vẫn chưa thể thành hiện thực, theo KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là bởi thiếu cơ sở pháp lý về phòng chống lũ và bảo vệ đê điều, chưa đưa ra được kịch bản hai bờ sông Hồng là trục cảnh quan chính chứ không phải là nơi xây nhà cao tầng san sát để “nhét” người vào.
KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

May mà những lần quy hoạch sông Hồng trước chưa thành công

Thưa ông, đã có rất nhiều lần người ta đặt vấn đề quy hoạch hai bờ sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội, song đều chưa đi đến đâu, dù đã có những bản quy hoạch chi tiết. Lý do vì sao vậy ạ?

Đúng là đã có rất nhiều đề xuất quy hoạch sông Hồng nhưng chưa thành công. Tôi cho rằng đó là cái may. May mà những lần quy hoạch đó chưa thành công. Chứ nếu thực hiện rồi đến giờ chúng ta tha hồ mệt mỏi vì đi “dọn” và sửa lại những sai lầm đó.

Tôi còn nhớ vào năm 2005, phía Hàn Quốc có đề xuất giúp Việt Nam quy hoạch sông Hồng theo chương trình hợp tác của hai nước, với mong muốn tạo ra một kỳ tích sông Hàn thứ hai. Khi đó còn làm thứ trưởng Bộ Xây dựng, tôi đã tiếp nhiều đoàn chuyên gia Hàn Quốc để trao đổi và sau đó bản quy hoạch đã được công bố cho người dân xem. Quy hoạch này đưa ra xây rất nhiều nhà cao tầng hai bên sông nhằm mục đích bảo đảm chỗ ở cho người dân Thủ đô. Khi ấy Hà Nội chưa mở rộng địa giới hành chính, quỹ đất hẹp, chỉ có 921km2.

Điều bất cập là quy hoạch này chưa nêu ra bất kỳ khả năng nào ứng phó với biến đổi khí hậu, dòng chảy. Việc xây nhà cao tầng san sát hai bên sông Hồng khiến nhiều chuyên gia lo lắng sẽ chắn gió lành thổi vào đô thị… Vì nhiều lý do mà quy hoạch này không được duyệt. Sau đó, có nhiều quy hoạch tương tự khác nhưng cũng vướng các vấn đề này nên chưa thành công.

Điểm khác biệt của quy hoạch sông Hồng lần này của Hà Nội là gì thưa ông?

Năm 2008, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính với 3.344km2. Lúc này, chắc chắn bản quy hoạch sông Hồng của Hàn Quốc không còn phù hợp nữa bởi quỹ đất nhà ở đã rất dồi dào. Đến năm 2011 thì quy hoạch chung Thủ đô được Thủ tướng phê duyệt đặt ra tiêu chí Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh và hiện đại trong đó có 7% diện tích là cây xanh, 30% diện tích là đô thị. Nếu thực hiện quy hoạch sông Hồng theo các kịch bản đề xuất trước đó thì “chết”.

Quy hoạch sông Hồng lần này đưa sông Hồng là trục cảnh quan quan trọng nhất của Thủ đô. Giải phóng mặt bằng, thực hiện làm 2 tuyến đường mỗi tuyến 6 làn xe dọc hai bờ sông Hồng. Cùng với đó là các hạng mục công viên, cây xanh, khu vui chơi giải trí, phát triển du lịch. Về vấn đề dòng chảy, tháng 2/2016, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và bảo vệ đê điều của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện quy hoạch lần này. Đặc biệt sẽ không có các công trình nhà cao tầng, mà đây là trục cảnh quan, cây xanh, mặt nước, phù hợp với yêu cầu phát triển của Thủ đô.

Quy hoạch sông Hồng kỳ vọng đem lại diện mạo mới cho Thủ đô.

Quy hoạch sông Hồng kỳ vọng đem lại diện mạo mới cho Thủ đô.

Không để doanh nghiệp làm quy hoạch

Trong bản quy hoạch lần này, cá nhân ông với vai trò đại diện cho Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị có tham gia góp ý?

Tôi rất mừng là Hà Nội rất coi trọng tiếng nói các nhà khoa học. Mới đây nhất tôi đã gửi bản góp ý quy hoạch đến Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ. Vào tháng 6 tới, sau những góp ý, chỉnh sửa, Hà Nội sẽ trình duyệt quy hoạch lên Thủ tướng. Tôi cũng đặt vấn đề vì sao Hà Nội không để các doanh nghiệp làm quy hoạch, bởi để làm quy hoạch cần số tiền rất lớn, và rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng làm ngay. Nhưng người bỏ tiền ra làm quy hoạch thì sẽ phát triển theo lợi ích của họ chứ không vì lợi ích chung. Với yêu cầu sông Hồng là trục cảnh quan chính của Hà Nội, Viện Quy hoạch Hà Nội đã thực hiện quy hoạch sông Hồng dựa trên các tư vấn của giới khoa học, chuyên gia… nên quy hoạch này có tầm nhìn, bền vững, đưa ra đúng thời điểm.

Làm thế nào để bản quy hoạch sông Hồng lần này thoát số phận “treo” như nhiều bản quy hoạch trước đó?

Tôi cho rằng cần có cơ chế đặc thù đặc biệt để thực hiện quy hoạch, vì đó là bộ mặt của cả nước. Quy hoạch lần này sẽ kết nối 12 cây cầu từ cầu Mễ Sở đến cầu Hồng Hà, kết nối với các đường vành đai, đường xuyên tâm, các khu chức năng quan trọng. Tính toán cụ thể từ đê xuống bãi sông sẽ làm gì, các bãi bồi sẽ làm công trình gì, công viên cây xanh, vui chơi giải trí, phát triển du lịch thế nào. Các phương án di dân thế nào để đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và tạo diện mạo cảnh quan đẹp. Dọc hai bờ sông sẽ làm đại lộ, số người dân phải giải tỏa sẽ rất lớn, thực hiện các khu tái định cư thế nào. Đây là quy hoạch tạo ra bộ mặt kiến trúc đô thị, cần phải làm bởi đó cũng là đoạn xấu nhất, khó nhất của Hà Nội hiện nay trong quy hoạch phát triển đô thị.

Sẽ có rất nhiều người dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch?

Dự kiến sẽ có hơn 2,3 vạn dân phải chuyển chỗ ở. Lâu nay chúng ta cứ bó tay với nạn lấn chiếm, giữ đất. Chúng ta để cho tình trạng nhếch nhác, dân ở tự phát quá lâu rồi, khiến bộ mặt đô thị của Hà Nội nhìn từ phía sông Hồng trông rất xấu xí. Trong khi đó ở những thành phố có sông chảy qua, bao giờ con sông cũng làm nên điểm nhấn đô thị, thành điểm đến nổi tiếng tên thế giới. Lần này phải làm quy hoạch thật tốt thì sông Hồng mới thực sự là con sông của đô thị, làm nên diện mạo đô thị. 

.. KTS Trần Ngọc Chính cho rằng chỉ 5 năm nữa, diện mạo hai bờ sông Hồng sẽ khác.

KTS Trần Ngọc Chính cho rằng chỉ 5 năm nữa, diện mạo hai bờ sông Hồng sẽ khác.

Đất ven sông sẽ là đất vàng

Khi quy hoạch, làm thế nào để tận dụng được quỹ đất ven sông, đem lại giá trị mà không làm hỏng cảnh quan thưa ông?

Sau khi Nhà nước làm hạ tầng, đền bù giải tỏa xong, tuyến đường giao thông hoàn thiện, kết nối tốt… thì chắc chắn đất hai bên sông sẽ là đất vàng. Các dự án ven sông sau quy hoạch phải là dự án kim cương. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư lúc đó sẽ phải trả tiền cho Nhà nước để phát triển dịch vụ ven sông. Đến lúc đấy, không sợ không có tiền. Số tiền đầu tư quy hoạch là rất lớn, nhưng không đáng lo, thậm chí nếu làm tốt thì Nhà nước không phải bỏ tiền ra. 

Thực tế khi quy hoạch sông Hồng mới đang được bàn luận thì giá đất ven sông Hồng đã tăng chóng mặt, ông có lời khuyên nào cho các nhà đầu tư?

Quy hoạch tạo ra sốt đất là chuyện bình thường không chỉ ở Hà Nội. Thành phố Hà Nội phải quản lý chặt chẽ vấn đề này bằng các giải pháp cụ thể, ví dụ như khi công bố quy hoạch thì sẽ đóng băng các giao dịch bất động sản ven sông… Bản thân nhà đầu tư cũng sẽ rất rủi ro bởi đền bù của Nhà nước đã có khung giá sẵn, trong khi giao dịch tự do của thị trường thì giá lại vô cùng. Hơn nữa, đây mới là quy hoạch phân khu, sau đó mới là quy hoạch chi tiết rồi đi vào từng dự án cụ thể, là một khoảng thời gian khá dài. Việc đầu tư “chôn” tiền để đón quy hoạch ẩn chứa nhiều rủi ro.

Theo ông làm thế nào để tránh tình trạng “bẻ quy hoạch”, xây dựng trái phép các công trình để trục lợi?

Ngày xưa quy hoạch còn mù mờ, nên nhiều khi điều chỉnh quy hoạch cũng không người dân nào biết. Nhưng giờ quy hoạch được công khai, bất cứ công trình nào sai quy hoạch cũng sẽ bị người dân, báo chí lên tiếng ngay, nên không lo chuyện bẻ quy hoạch, phá quy hoạch như trước đây nữa.

Theo ông, bao lâu nữa chúng ta sẽ có diện mạo thành phố ven sông Hồng như mong muốn?

Tôi cho là chỉ trong vòng 5 năm nữa sẽ có những đổi thay chóng mặt. Tôi làm về quy hoạch mà còn không nghĩ rằng người ta lại xây dựng nhanh đến như thế. Chỉ trong vòng 5 - 10 năm mà đã khác hẳn, đâu đâu cũng nhà cao tầng mọc lên san sát, đô thị ngày càng hiện đại, văn minh không kém gì các nước phát triển. Do vậy, với quyết tâm của chính quyền Hà Nội, việc quy hoạch sông Hồng sẽ không có gì là khó khăn, thậm chí thực hiện sẽ rất nhanh.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Theo dự thảo đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng vừa được UBND TP Hà Nội trình lên Thường trực Thành ủy, quy hoạch được lập ra thành 5 phân khu R1, R2, R3, R4, R5, trên đoạn sông dài 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở. Diện tích bao phủ khoảng 11.000ha, thuộc địa bàn 13 quận, huyện. Dân số ước tính theo quy hoạch là 280.000 - 320.000 người.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã giao UBND TP Hà Nội khẩn trương làm việc, xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng để hoàn thiện đồ án, sớm trình lên Ban Thường vụ Thành ủy để phê duyệt trong tháng 6.

Theo KH&ĐS
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Trong gần 65 năm qua, với đội ngũ phóng viên và cộng tác viên đông đảo là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, Khoa học và Đời sống đã có nhiều bài viết ấn tượng, làm nên thương hiệu, tên tuổi của tờ báo khoa học hàng đầu.
back to top