Quy hoạch điện VII điều chỉnh: Nguy cơ thiếu điện vì 75% số dự án chậm tiến độ

(khoahocdoisong.vn) - Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2016 - 2030, có tổng cộng 116 dự án nguồn điện đưa vào vận hành (chưa gồm các nguồn năng lượng tái tạo chưa ghi rõ tên hoặc chưa lập dự án). Trong đó có 43 dự án thủy điện, 57 nhiệt điện, 11 năng lượng tái tạo...

Nguy cơ thiếu điện

Theo báo cáo tình hình thực hiện các dự án thuộc Quy hoạch điện VII điều chỉnh, dự báo sản lượng điện thương phẩm đến năm 2020 theo các phương án cơ sở là 235 tỷ kWh, theo phương án cao là 245 tỷ kWh. Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2016-2020 của các phương án tương ứng là 10,34%năm và 11,26%/năm.

Bộ Công Thương cho biết, trong các năm 2019-2020, dự kiến đưa vào vận hành khoảng 6.900 MW. Trong đó, các nhà máy nhiệt điện than là 2.488MW, các nhà máy nhiệt điện (trên 30MW) là 592MW. Còn lại là các dự án năng lượng tái tạo (NLTT) với tổng công suất phát điện khoảng 3.800MW. Trong đó, công suất phát của các dự án điện mặt trời khoảng 2.500MW, điện gió 350MW.

Theo đánh giá, hệ thống phát điện có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng điện toàn quốc. Nhưng để đạt khả năng này, nguồn nhiệt điện chạy dầu cần phải huy động với sản lượng tương ứng khoảng 1,7 tỷ kWh vào năm 2019, và 5,2 tỷ kWh năm 2020. Trong trường hợp các tổ máy phát điện không đáp ứng nhu cầu về độ tin cậy vận hành hoặc không đảm bảo đủ nhiên liệu (than, khí) cho phát điện, cả nước có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện vào năm 2020.

Dự báo, tới giai đoạn 2021 - 2025, dù đã phải huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu, nhưng hệ thống điện sẽ không đáp ứng được nhu cầu phụ tải. Nguy sơ sẽ xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam, khi mức thiếu hụt tăng từ 3,7 tỷ kWh (năm 2021) lên gần 10 tỷ kWh (năm 2022). Bộ Công thương cảnh báo, mức thiếu hụt sẽ cao nhất vào năm 2023, với khoảng 12 tỷ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỷ kWh năm 2024 và 3,5 tỷ năm 2025.

Cũng theo Bộ Công Thương, tổng công suất các nguồn điện có khả năng đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2030 dự kiến khoảng 80.500MW – thấp hơn so với dự kiến Quy hoạch điện VII điều chỉnh khoảng hơn 15.200MW. Trong đó, chủ yếu thiếu hụt trong các năm từ 2018 – 2022 (với tổng công suất trên 17.000MW), nhiều dự án nguồn điện giai đoạn này bị chậm sang giai đoạn 2026 - 2030, hầu hết là dự án nhiệt điện tại miền Nam.

Từ đây, dẫn tới tình trạng hệ thống điện đang từ chỗ có dự phòng về nguồn điện 20 - 30% trong các năm 2015 - 2016, thì đến năm 2018-2019 hầu như không còn dự phòng, và sang giai đoạn 2021 - 2025 sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cấp điện.

Dự kiến tổng công suất các nguồn điện có khả năng vào vận hành giai đoạn 2021-2030 khoảng 64.200MW – thấp hơn 10.000MW so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh (72.202MW).

75% số dự án chậm, hoặc chưa xác định tiến độ

Bộ Công Thương xác định, nguyên nhân chính dẫn tới việc thiếu điện tại miền Nam tăng cao so với các tính toán trước đây là do tiến độ các dự án khí lô B, Cá Voi Xanh đều chậm so kế hoạch từ 9 tháng đến 1 năm. Do các dự án nhiệt điện Kiên Giang 1 & 2 không đáp ứng nhu cầu tiến độ hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025, thậm chí lùi sau năm 2030. Và do dự án Ô Môn III lùi tiến độ đến năm 2025.

Đặc biệt, theo Bộ Công Thương, trong trường hợp dự án nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 không đáp ứng tiến độ hoàn thành năm 2023, tình trạng thiếu điện tại miền Nam sẽ trầm trọng hơn vào các năm 2024 - 2025.

Quy hoạch điện VII điều chỉnh xác định, tổng công suất các nguồn điện dự phòng đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016 - 2020 trên toàn hệ thống là 21.650MW. Trong đó, các nguồn điện do EVN đầu tư là 7.185MW (chiếm 33,2%), còn lại là do các doanh nghiệp khác đầu tư.

Hiện các dự án nguồn điện được thực hiện theo 3 hình thức đầu tư. Gồm các dự án do các tập đoàn nhà nước EVN, PVN, TKV là, chủ đầu tư, các dự án đầu tư theo hình thức BOT, và các dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Đáng chú ý, Bộ Công Thương xác định, tổng hợp tình hình tiến độ thực hiện 62 dự án có công suất lớn trên 200MW thì 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ so với tiến độ nêu trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Điển hình, là các dự án do EVN thực hiện. Tập đoàn này thực hiện 23 dự án với tổng công suất 14.809MW (giai đoạn 2016 - 2020 là 12 dự án, giai đoạn 2021 - 2030 là 11 dự án). Trong số này, 13 dự án chậm/lùi tiến độ.

Đơn cử, trong 8 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng của EVN, dự án Thủy điện Sông Bung 2 chậm 1,5 năm. Trong 4 dự án đang xây dựng, dự kiến đạt tiến độ 3 dự án, chậm tiến độ gồm các dự án thuỷ điện Đa Nhim MR chậm 6 tháng. Đối với 11 dự án đang được EVN thực hiện thủ tục đầu tư, dự kiến đúng tiến độ phát điện 2 dự án, còn 7 dự án chậm (gồm 4 dự án lùi tiến độ và 3 dự án chậm tiến độ từ 2 tới 3 năm). Bên cạnh đó, có 2 dự án chưa xác định tiến độ do đang trình Quốc hội địa điểm thực hiện. Đó là dự án nhiệt điện Tân Phước I và II.

Về tình hình thực hiện các dự án khác, cũng như những vấn đề vướng mắc liên quan tới quy hoạch, vốn đầu tư, chúng tôi sẽ thông tin ở bài tới.

Được biết, ngày 20/12/2017, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực và nghe báo cáo kiểm điểm tình hình thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Theo đó, Phó Thủ tướng nhận xét, một số dự án có tiến độ rất chậm và còn tồn tại vướng mắc như các dự án nhiệt điện Long Phú I, Sông Hậu I, Thái Bình II. Đồng thời nhiều dự án nguồn điện đầu tư theo hình thức BOT cũng gặp vướng mắc trong quá trình đàm phán bộ Hợp đồng BOT hoặc trong giai đoạn thu xếp vốn, đóng tài chính...

Do đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo EVN tập trung hoàn thành đúng tiến độ các dự án nguồn nhiệt điện, nhất là khu vực miền Nam. Đảm bảo tiến độ đầu tư xây dựng các công trình lưới điện đồng bộ, đáp ứng yêu cầu truyền tải công suất các nhà máy điện vào hệ thống điện quốc gia nhất là các công trình có ý nghĩa quan trọng về cấp điện cho miền Nam giai đoạn tới.

Nhưng một năm rưỡi sau chỉ đạo này, xem ra nguy cơ thiếu điện vẫn cận kề, và nguyên nhân thì vẫn do các dự án phát điện không đạt tiến độ.

Theo Đời sống
Giá mít Thái tăng mạnh

Giá mít Thái tăng mạnh

Giá mít Thái tại một số tỉnh như Tiền Giang, Bến Tre… lên hơn 30.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với trước đó.
Bưởi da xanh giảm giá

Bưởi da xanh giảm giá

Từ sau Tết Nguyên đán 2024, giá bưởi da xanh tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL liên tục giảm. Hiện giá nông sản này ở mức rất thấp.
back to top