Quy định giấy phép lái xe có 12 điểm/năm: Chặn “tiêu cực”, nâng ý thức

(khoahocdoisong.vn) - Đề xuất 12 điểm trên giấy phép lái xe là một biện pháp xử lý hành chính, nhằm cảnh báo người tham gia giao thông có ý thức hơn sau mỗi lần vi phạm.

Đề xuất của Chính phủ

Chính phủ vừa đồng ý đưa đề xuất giấy phép lái xe (GPLX) được cấp 12 điểm mỗi năm vào Nghị quyết 123/NQ-CP sau phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật cuối tháng 8. Chính phủ xác định, điểm của GPLX là một biện pháp quản lý hành chính (không phải là một hình thức xử phạt hành chính).

Nếu trong 1 năm mà bị trừ hết điểm thì GPLX sẽ không còn hiệu lực. Tài xế muốn cấp bằng lái mới thì phải học và thi sát hạch trong thời gian ít nhất 6 tháng kể từ ngày GPLX bị coi là không còn hiệu lực.

Còn nếu không trừ hết điểm thì phải cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp hoặc trong 1 năm mà không có vi phạm thì phải được cộng điểm, tức là phải có hình thức cộng lại điểm (hoặc khôi phục điểm) cho GPLX hằng năm.

Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện, bảo đảm đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người dân; dự thảo Luật quy định mang tính nguyên tắc. Chính phủ sẽ quy định cụ thể các hành vi, nhóm hành vi vi phạm trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ bị tước quyền sử dụng GPLX trong nghị định xử phạt vi phạm hành chính có liên quan.

Hiện nay, Bộ Công an đã đề xuất 10 hành vi và nhóm hành vi bị tước GPLX và 28 hành vi và nhóm hành vi bị áp dụng xử phạt vi phạm hành chính và trừ điểm bằng lái, tuy nhiên chưa nêu cụ thể số điểm trừ cho từng hành vi.

Theo giải thích từ Bộ Công an, việc cấp điểm GPLX có ý nghĩa sẽ là biện pháp theo dõi quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe sau khi được cấp GPLX. Bộ này từng cho rằng, thực tế hiện nay sau khi được cấp GPLX, người lái xe gần như không bị ai quản lý, không cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, giám sát…

Như vậy, theo dự thảo, “vòng tròn khép kín” từ sát hạch GPLX, theo dõi việc chấp hành pháp luật sau khi được cấp GPLX (trừ điểm) và thi sát hạch lại (nếu bị trừ hết điểm) đều sẽ do Bộ Công an quản lý.

Dữ liệu về điểm trừ đối với người vi phạm không thể hiện trên bằng lái xe như hình thức bấm lỗ trước đây. Dữ liệu trừ điểm sẽ được cập nhật về hệ thống dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan chức năng ngay sau khi hình thức xử phạt có hiệu lực thi hành.

Khi tài xế vi phạm luật và bị CSGT kiểm tra, lực lượng làm nhiệm vụ có thể tra cứu trực tuyến để nắm thông tin về điểm trừ bằng lái của người vi phạm đó.

Trước đây, hình thức đánh dấu số lần vi phạm pháp luật giao thông đường bộ của lái xe bằng "bấm lỗ" được áp dụng từ năm 2003. Nếu GPLX bị đánh dấu 2 lần vi phạm thì tài xế phải thi lại luật khi đổi giấy phép mới. Nếu bị đánh dấu 3 lần thì GPLX hết giá trị sử dụng, tài xế phải thi lại cả lý thuyết và thực hành. Đến năm 2007, Nghị định 146 được ban hành chính thức bãi bỏ quy định "bấm lỗ" bằng lái xe.

Nâng cao ý thức chấp hành giao thông

Trao đổi với KH&ĐS, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, việc tính điểm đối với GPLX là đề xuất phù hợp xu thế trên thế giới.

Trong bối cảnh đang có nhiều hình thức xử phạt vi phạm hành chính như hiện nay thì việc đề ra một biện pháp quản lý hành chính như đề xuất này sẽ giúp người lái xe nâng cao ý thức, qua đó nâng cao trật tự an toàn giao thông.

Việc lái xe bị trừ điểm khi vi phạm cũng là một lời nhắc nhở, cảnh báo. Bị trừ nhiều điểm trên bằng lái đồng nghĩa với việc tài xế vi phạm nhiều lần và cận kề nguy cơ bị tước GPLX nếu tái phạm.

Đề xuất này được cho là biện pháp văn minh đối với các lái xe khi không tước GPLX ngay như hiện hành mà cho người điều khiển phương tiện giao thông cơ hội chấp hành điều khiển an toàn giao thông tốt hơn.

Ngoài ra, đề xuất về phục hồi điểm cũng là một điểm khuyến khích người lái xe tham gia giao thông không vi phạm để được phục hồi điểm.

“Không vi phạm thì nguy cơ tai nạn giao thông cũng không có. Bản thân người lái xe cũng có ý thức giữ gìn, tuân thủ pháp luật hơn, tham gia giao thông an toàn hơn và giảm hẳn tai nạn giao thông”, ông Khuất Việt Hùng nhận định.

Hơn nữa, theo ông Khuất Việt Hùng, việc ứng dụng công nghệ thông tin, dữ liệu số sẽ giúp cơ quan quản lý có thể truy xuất thông tin về tài xế cũng như số điểm lái xe một cách dễ dàng và minh bạch. Do đó, những “yếu điểm” trong quản lý sai phạm tài xế như giai đoạn 2003 - 2007 sẽ được khắc phục.

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, 8 tháng đầu năm 2020, nhờ cách ly trong dịch Covid-19 nên số vụ tai nạn giao thông và số người chết giảm so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, số vụ tai nạn giao thông giảm 19,07%, số người chết giảm 14,8% - mức sâu nhất trong 10 năm qua.

Tuy nhiên, số vụ vi phạm bị xử lý vẫn hơn 2,5 triệu trường hợp. Phạt tiền hơn 2.229 tỷ đồng, tước hơn 205.000 GPLX hoặc bằng chuyên môn, tạm giữ hơn 403.000 phương tiện.

Đặc biệt, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) vẫn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông do xe đầu kéo, xe container và phương tiện thủy dân sinh tăng cao đột biến. Tình trạng đua xe trái phép có dấu hiệu tái diễn. Số vụ vi phạm về nồng độ cồn vẫn ở mức cao... Nguyên nhân do ý thức của người dân về chấp hành  quy định pháp luật về TTATGT vẫn chưa cao, hệ thống quy định pháp luật còn bộc lộ nhiều bất cập không theo kịp đòi hỏi thực tế…

Theo Đời sống
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
back to top