Quốc hội mặc niệm đồng bào tử vong, cán bộ chiến sĩ hy sinh do COVID-19 tại phiên khai mạc

Đúng 9h ngày 20/10, Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc theo hình thức trực tuyến và được truyền hình trực tiếp.

Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn có những diễn biến phức tạp.

Sau khi làm lễ chào cờ, các vị đại biểu Quốc hội dành một phút mặc niệm đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hy sinh do dịch Covid-19.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đại dịch đã làm hơn 21.000 đồng bào, chiến sĩ tử vong, hi sinh để lại niềm đau thương, mất mát vô cùng to lớn.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội chia sẻ sâu sắc về những tổn thất, mất mát mà nhân dân đã phải gánh chịu. Đồng thời ghi công, tôn vinh đồng bào, cán bộ chiến sĩ đã quên mình phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước.

Để tri ân và tưởng nhớ đồng bào cán bộ chiến sĩ đã từ trần, hi sinh vì đại dịch COVID-19, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Quốc hội dành 1 phút mặc niệm.

mac-niem-2(1).jpg
Quốc hội dành một phút mặc niệm đồng bào tử vong, cán bộ chiến sĩ hy sinh do COVID-19.

Sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các đại biểu nghe Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến năm 2022 (trong đó có công tác phòng, chống dịch bệnh).

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024.


Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV được tổ chức theo hình thức họp trực tuyến và họp tập trung, chia thành hai đợt. Đợt một, họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu trong 11 ngày (từ 20/10 đến 30/10). Đại biểu ở địa phương nào sẽ tham dự tại điểm cầu địa phương đó. Đại biểu công tác tại các cơ quan Trung ương (bao gồm cả đoàn Hà Nội) tham dự tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.

Đợt hai, dự kiến họp tập trung tại Nhà Quốc hội 6 ngày (từ 8/11 đến 13/11).

Kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết (theo quy trình tại một kỳ họp), xem xét, cho ý kiến đối với 5 dự án luật.

Cùng với việc cho ý kiến về kế hoạch kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, công tác phòng chống dịch COVID-19, Quốc hội sẽ cho ý kiến công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, các báo cáo kiến nghị của cử tri và nhân dân, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế…

Theo Đời sống
Việc miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên UBND bằng hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín. (Ảnh minh hoạ).

Hà Nội và TPHCM có không quá 5 phó chủ tịch UBND

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký xác thực Văn bản hợp nhất ban hành Nghị định quy định số lượng phó chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND.
back to top