Quảng Ninh: Than thổ phỉ vẫn sống khỏe nhờ đâu?

(khoahocdoisong.vn) - Trường hợp doanh nghiệp biết địa điểm nào có than lộ thiên sẽ xin dự án ở đó. Mục đích không phải để xây dựng, mà để tận dụng khai thác than. Sau khi khai thác xong, doanh nghiệp sẽ từ tìm mọi cách bỏ dự án.

Chính phủ chỉ đạo gỡ chồng lấn

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Kết luận cho biết, thời gian qua TKV đã có nhiều nỗ lực, cố gắng thực hiện các nhiệm vụ trong việc điều tra, đánh giá, thăm dò khai thác và chế biến than đáp ứng phần lớn nhu cầu về than của thị trường Việt Nam, cung ứng than cho các hộ tiêu thụ trong nước và đặc biệt là than cho sản xuất điện đáp ứng yêu cầu an ninh năng lượng quốc gia, ổn định đời sống cho người lao động, mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, từ sau khi thực hiện Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020 có xét triển vọng đến 2030 (Quy hoạch 403 điều chỉnh) đến nay đã xuất hiện nhiều khó khăn, nhất là trong việc thăm dò, khai thác than tại các khu vực chồng lấn với diện tích đất rừng, các dự án đầu tư xây dựng của địa phương làm ảnh hưởng đến cung ứng than và nguy cơ thiếu than trong giai đoạn tới, nhất là giai đoạn 2020 đến năm 2030.

Để tháo gỡ vướng mắc nhằm tạo điều kiện cho TKV thực hiện được kế hoạch đề ra trong những năm tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ TNMT, Công thương, Xây dựng, NNPTNT và các cơ quan liên quan xem xét, nghiên cứu để tháo gỡ khó khăn chồng lấn khu vực than theo Quy hoạch 403 với các quy hoạch trên địa bàn các tỉnh có tài nguyên than và chồng lấn với diện tích đất rừng trong vấn đề triển khai thăm dò, khai thác và chế biến than đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và địa phương.

Bộ TNMT khẩn trương hướng dẫn TKV thực hiện các thủ tục cấp phép thăm dò, giấy phép khai thác, gia hạn giấy phép khai thác rút ngắn thời gian cấp phép, để TKV nhanh chóng triển khai các công việc theo yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia sớm tiếp nhận, thẩm định các báo cáo địa chất để làm cơ sở lập dự án. Trong đó, tập trung rà soát để cấp phép khai thác các dự án mới có công suất khai thác lớn như: mỏ Khe Chàm II&IV, -150m mỏ Mạo Khê,… nhằm sớm huy động sản lượng của các dự án. Gia hạn các giấy phép khai thác đã hết hạn theo Quy hoạch 403 đảm bảo khai thác tối đa trữ lượng than nhằm tránh tổn thất tài nguyên theo Luật Khoáng sản và đảm bảo hoạt động sản xuất liên tục của TKV.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ TNMT, UBND tỉnh Quảng Ninh và TKV đề xuất tháo gỡ các vướng mắc theo Quy hoạch 403, để khai thác hết trữ lượng than còn lại thuộc ranh giới của các mỏ lộ thiên hiện nay, thay vì giới hạn thời gian theo Quy hoạch, nhất là các mỏ lộ thiên khu vực Thành phố Hạ Long - Quảng Ninh như: các dự án khai thác lộ thiên Mỏ than Núi Béo, khai thác lộ thiên Công ty than Hà Lầm, Công ty than Hòn Gai… 

Vấn đề than thổ phỉ

Việc chồng lấn khai thác than hiện đang gây không ít khó khăn cho TKV, khi việc khai thác cần có sự đồng thuận giữa các Bộ và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, nguy cơ lớn nhất của việc chồng lấn ranh giới tại các vùng than là nạn than thổ phỉ, từ đó sinh ra buôn bán than lậu.

Một ví dụ điển hình về khai thác than lậu là vụ khai thác than trái phép của Công ty CP Tập đoàn Hạ Long trên địa bàn huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) bị phát hiện vào cuối năm 2018. Dưới danh nghĩa thực hiện xây dựng nghĩa trang cho xã Quảng La, doanh nghiệp này chỉ thực hiện dự án qua loa, tập trung nguồn lực đã băm nát hàng chục héc ta đất rừng trồng, rừng phòng hộ để khai thác than trái phép.

Lưu ý, công ty này còn thiếu một loạt hồ sơ, thủ tục như đánh giá tác động môi trường (ĐTM), thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thậm chí đất đang còn tranh chấp với chủ rừng… nhưng chính quyền từ UBND xã Quảng La cho đến UBND huyện Hoành Bồ vẫn mặc cho công ty này tiến hành khai thác than. Không nhưng thế, huyện Hoành Bồ còn nhiều lần gửi công văn xin UBND tỉnh mở rộng thêm diện tích khu bốc xúc đất vì phát lộ than.

Đến năm 2016, sau 2 lần bị đình chỉ vì cố tình khai thác than trái phép, công ty đã đào bới hơn 30 ha đất rừng. Số than phát lộ bị thu hồi gần 10.000 tấn. Ngoài dự án tại Quảng La, doanh nghiệp này còn thực hiện 7 dự án khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong đó có 2 dự án được giao tới hàng ngành héc ta đất và đều phát lộ than.

Đầu tháng 12.2018, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có công văn kiểm tra xử lý nghiêm những dự án "núp bóng" để khai thác than trái phép trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Nhưng thực tế, nhiều tỉnh thành lân cận Quảng Ninh cũng có tình trạng khai thác than trái phép “núp bóng” lợi dụng việc san lấp mặt bằng các công trình xây dựng, công trình giao thông. 

Đáng chú ý, các doanh nghiệp này thường đã được cấp phép xây dựng, nhưng thực tế là đào than, sau đó báo cáo khi san lấp mặt bằng thấy than lộ thiên và tiến hành khai thác, mà ít gặp sự ngăn cản của chính quyền địa phương.

Nhiều trường hợp, doanh nghiệp chủ động khảo sát và xin dự án tại địa điểm có than lộ thiên để xin đầu tư dự án ở đó. Mục đích không phải để xây dựng, mà để tận dụng khai thác than. Để “qua mặt” cơ quan chức năng, những doanh nghiệp này hoàn thành mọi thủ tục cần thiết theo pháp luật để được cấp giấy phép đầu tư xây dựng. Sau khi tận dụng, khai thác hết than trên diện tích dự án, họ tìm lí do để từ bỏ dự án.

Thực tế là, năm nào Chính phủ cũng có chỉ đạo, chỉ thị yêu cầu các Bộ, ban, ngành, địa phương phối hợp “chặt chẽ”, có phương án, kế hoạch nâng cao hiệu quả khai thác than của TKV, và xử lý tận gốc nạn than thổ phỉ, than lậu. Nhưng đến nay, TKV vẫn hoạt động hiệu quả thấp, và nạn khai thác than trái phép, than lậu vẫn "sống khỏe", nhờ hình thức ngày càng tinh vi, biến tướng, đặc biệt là có dấu hiệu được "lách luật" bằng cho phép của chính quyền.

Theo Đời sống
back to top