Quan trọng nhất là tâm an

Quan trọng nhất là tâm an, đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Tùy (Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội), từ khi lên chùa, nghe giảng kinh Phật, chị thấy tĩnh tâm, cuộc sống an nhiên hơn.

Chị Nguyễn Thị Tùy (Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội).

Tìm ra lối thoát cho cuộc đời mình

58 tuổi, nghỉ hưu được 3 năm, nhưng trước đó, khi vẫn còn đang công tác tại sân bay Nội Bài, chị đã rất quan tâm tới đạo Phật.

Rồi nhờ cơ duyên, gặp được thầy, ngộ ra được nhiều điều, chị gia nhập đạo tràng Pháp Hoa. Từ đấy cuộc sống của chị có nhiều thay đổi.

Chị Tùy chia sẻ, chị vốn là người năng động nhưng trước đây mỗi khi có việc gì bức xúc là rất dễ nổi xung. Lúc có chuyện buồn cũng chỉ biết làm thơ, viết ra rồi cất đi…

Giờ làm chủ được cái tâm của mình, biết mọi việc đều có căn nguyên của nó, mình có sốt ruột, có bực bội cũng không giải quyết được mà chỉ khổ cái thân mình.

Biết chấp nhận, tức là để mọi thứ thuận theo tự nhiên, mọi khúc mắc đến rồi sẽ đi. Hiểu được như thế, nghĩ như thế sẽ như tìm ra lối thoát cho cuộc đời mình.

Thực ra thì cuộc sống vẫn như vậy thôi, vẫn có nhiều điều khiến ta phải bực bội, nhưng chính cái cách ta nhìn nhận cuộc đời thay đổi khiến mọi thứ nhẹ nhàng hơn.

Ngay cả khi người thân trong gia đình có làm cho mình bực thì cũng xác định đấy là nghiệp của mình và mình phải trả nghiệp cho xong. Sợ nhất là không chịu chấp nhận, cứ chấp nhặt từ chuyện nhỏ làm cho mọi việc trở nên nặng nề.

Ngay như việc trông cháu chẳng hạn, nhiều người phải trông cháu thì thấy bức bối, cứ như bị trói chân trói tay, đến mức không chịu nổi.

Tất nhiên là chăm con mọn thì vất vả rồi. Như chị sáng nào cũng phải qua nhà con ở gần đấy để trông cháu, chiều mới về. Muốn đi chơi với bạn bè, muốn lên chùa…lại phải đợi con bố trí xem có nghỉ được không. Chị vẫn nói vui, cứ như lúc còn đang đi làm, con cho nghỉ mới được nghỉ.

Biết là không thoải mái, nhưng chị cũng không lấy đó làm điều gì nặng nề, mà chỉ xác định là mình phải giúp con lúc nó đang khó khăn.

Một đời sống chỉ cần như thế

Tuy bận thế, nhưng chị cũng vẫn luôn phải sắp xếp để tham gia các chuyến đi. Thích nhất là các chuyến đi với đạo tràng, được đi với các thầy, không chỉ được chiêm bái mà còn được nghe giảng giải về các thánh tích nhà Phật. Chị đã có chuyến đi 21 ngày tới Ấn Độ.

Mới đây là đi Myanmar chiêm bái tượng Phật, thăm các tu viện, tìm hiểu nếp sống của người dân. Ấn tượng nhất với chị là người dân ở đây không giàu, nhưng họ rất thiện tâm, sống cuộc sống vô cùng an nhiên. Làm được 10 đồng thì dành ra 2 đồng để cúng vào chùa.

Đất của họ tốt nhưng chỉ trồng cấy một vụ thôi, không phải họ lười mà là để cho đất nghỉ. Người ta còn kể về ngôi chùa dát vàng, khi có bão, những lá vàng rơi ra, dân lại nhặt mang trả cho chùa.

Rồi sang Bhutan cũng vậy, người dân rất hiền hòa, điềm đạm, không ồn ào, xô bồ, sống gần gũi với thiên nhiên. Cứ đi, cứ tìm hiểu về văn hóa, lối sống của mỗi dân tộc, để nhận ra rằng, một đời sống chỉ cần như thế, bình yên và thanh thản.

Nghe kể về sự ngộ ra khiến con người ta thay đổi cách nhìn nhận cuộc sống, thay đổi cách sống, khiến cho mọi cái trở nên nhẹ nhàng hơn, rất hay, rất hấp dẫn. Nhưng để có được sự ngộ ra như thế không hề đơn giản. Phải có cơ duyên. Rồi sau đó phải có quyết tâm và nghị lực để sống theo những gì mà mình cho là phải ấy.

Ngoài trông cháu, việc quan trọng nhất với chị Tùy bây giờ là hàng ngày đọc kinh, niệm Phật, giữ cho tâm an, cho đầu óc thanh thản.

Chị chia sẻ, ở tuổi này ăn uống rất đơn giản. Sáng có khi chị chỉ ăn bát cơm với tương. Trưa ăn cơm, còn bữa tối chỉ chị ăn rau, cứ duy trì thế mười mấy năm nay và chị thấy khỏe, không bị tăng cân.

Tập thì cũng chỉ mấy động tác đơn giản quay đầu, vặn người… Điều quan trọng nhất là phải làm chủ cái tâm của mình, có thế mới không bị stress, không bi quan, không khổ.

Bảo Anh

Theo Đời sống
"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố của J&T Express cho thấy, thói quen mua sắm trực tuyến của người Việt phát triển mạnh mẽ trong dịch và duy trì khá bền vững sau đó. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không chỉ ở các thành phố lớn mà đang "bùng nổ" ở nông thôn.
back to top