Quan sát Trăng dự đoán thời tiết

(khoahocdoisong.vn) - Bất cứ khi nào thấy có ngôi sao sáng đứng cạnh Mặt trăng thì đồng nghĩa trời chuẩn bị có mưa giông. Kinh nghiệm dân gian này có thể được lý giải bằng khoa học.

Theo ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam, rất hiếm khi chúng ta quan sát được cùng lúc nhiều thiên thể trên bầu trời, nhất là ở các thành phố đông dân cư, trừ khi thời tiết đẹp, không mây mù. Tuy vậy mấy hôm nay, nếu ai để ý quan sát bầu trời đêm sẽ thấy có một ngôi sao rất sáng mọc gần Mặt trăng sáng vằng vặc. Vào nửa đêm thì việc quan sát sẽ càng thấy rõ ràng hơn. Theo kinh nghiệm dân gian, vào những đêm trăng sáng mà có một ngôi sao cũng rất sáng nằm rất gần Mặt Trăng thì chỉ một vài hôm sau chắc chắn sẽ có mưa to.

Điều này có thể được lý giải rằng vào thời điểm trăng tròn hoặc gần tròn, ánh sáng của nó mạnh tới nỗi lấn át mọi thiên thể xung quanh. Gần như không thể nhìn thấy các sao hoặc hành tinh ở gần khu vực đĩa sáng của Mặt Trăng. Nếu trời có một lớp mây mỏng hoặc không khí có độ ẩm cao thì các sao gần đó càng khó quan sát. Vậy thì khi mà ngược lại, có một hoặc một vài sao (trường hợp này thì là Sao Mộc) ở khá gần Trăng tròn mà có thể nhìn thấy sáng như vậy (ngay cả với không khí cực ô nhiễm của Hà Nội), thì có nghĩa là trời hoàn toàn không mây và độ ẩm không khí là cực thấp. Ánh sáng từ Mặt Trăng cũng như từ thiên thể còn lại rất ít va chạm với các hạt băng và nước trong khí quyển nên rất ít khúc xạ và tán xạ xảy ra, khiến cho người ở mặt đất có thể thấy rõ cả hai cùng lúc.

Thông thường thì trời ít mây thì sẽ khó có mưa. Nhưng nếu trời quá oi và nóng, việc đó nhanh chóng gây ra chênh lệch áp suất trong khí quyển. Sự phát sinh nhanh của chênh lệch áp suất là nguyên nhân sẽ dẫn tới những cơn giông và có thể cả mưa lớn. Vậy sự thật sẽ diễn ra ra sao, chúng ta chỉ còn cách đối chiếu với thực tại, xem trong một vài ngày mới có mưa hay không để biết kinh nghiệm này có đúng không.

Đăng Khoa

Theo Đời sống
back to top