Quan điểm lạ: Nhật Bản phát triển tiêm kích tàng hình do áp lực từ phía Trung Quốc

(khoahocdoisong.vn) - Ngày 07/11, SCMP cho biết: các nhà phân tích nhận định, những bước tiến quân sự của Trung Quốc thúc đẩy Nhật Bản chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên trong nước, động thái được cho là sẽ gây thêm bất ổn trong khu vực.

Dự án FX mới là một phần của chương trình nâng cấp lực lượng máy bay chiến đấu già cỗi của Nhật Bản khi quốc gia láng giềng Trung Quốc trở nên mạnh hơn và có những động thái cứng rắn hơn.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản xác nhận trong một tuyên bố tuần trước, Mitsubishi Heavy Industries được chọn là nhà thầu chính để phát triển máy bay chiến đấu tàng hình, sẽ được ra mắt vào những năm 2030.

Theo tạp chí Popular Mechanics, máy bay tàng hình mới của Nhật sử dụng công nghệ và kỹ thuật know-how hàng không vũ trụ Mỹ, nhằm thay thế F-2 – phiên bản máy bay phối hợp với Mỹ phát triển, sẽ loại biên vào năm 2035.

Dự án đến thời điểm này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu phát triển thiết kế. Bộ Quốc phòng Nhật đang đề xuất 58,7 tỷ yên (560,9 triệu USD) trong ngân sách năm 2021 để hoàn thiện loại máy bay này.

Nguyên mẫu đầu tiên, Mitsubishi X-2 Shinshin cất cánh lần thứ nhất năm 2016, ứng dụng một phần công nghệ máy bay chiến đấu tàng hình trong thử nghiệm. Nguyên mẫu X-2 nhỏ hơn và nhẹ hơn J-20 - máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của Trung Quốc mới được đưa vào sử dụng với số lượng nhỏ, do nguyên nhân từ các vấn đề khó khăn trong phát triển động cơ phản lực của Trung Quốc.

Tiêm kích tàng hình mới X-2 sẽ thay thế F-2, sẽ được loại biên vào năm 2035

Không quân Nhật Bản vẫn chưa quyết định phát triển máy bay chiến đấu đa nhiệm hay tiêm kích chiếm ưu thế trên không. Jon Grevatt, nhà phân tích ngành công nghiệp quốc phòng châu Á - Thái Bình Dương tại Jane's, cho biết nhiều khả năng Nhật sẽ phát triển máy bay chiến đấu đa năng.

Ông nói: “Tiêm kích tàng hình đa nhiệm có thể hoạt động như một máy bay tiêm kích trên không và cường kích tấn công mặt đất, ưu thế tàng hình cho phép máy bay thực hiện các hoạt động khác như trinh sát và giám sát”. Theo Grevatt, tính năng quan trọng nhất sẽ là tàng hình.

“Tàng hình sẽ là một ưu tiên rất quan trọng đối với Nhật Bản… và lý do là vì Trung Quốc - mà Nhật Bản coi là đối thủ lớn nhất đã nâng cao năng lực công nghệ rất nhanh trong 15 năm qua về cảm biến, radar và các công nghệ trinh sát, giám sát khác”.

Ông nhấn mạnh: “Bất kỳ máy bay chiến đấu mới nào mà Nhật Bản phát triển phải có khả năng tránh bị phát hiện bởi hệ thống giám sát không gian. Ưu tiên hiện nay Trung Quốc là phát hiện kịp thời những máy bay chiến đấu”.

Theo các nhà phân tích, việc hiện đại hóa nhanh chóng quân đội của Trung Quốc đã khiến Nhật Bản phải thúc đẩy việc phát triển máy bay chiến đấu của riêng mình.

Grevatt giải thích: “Trong vài năm tới, Trung Quốc sẽ đưa vào khai thác sử dụng rộng rãi J-20, tiêm kích tàng hình chiếm ưu thế trên không thực sự. “J-20 sẽ mang lại sự tự tin và lợi thế cho Trung Quốc và là mối đe dọa cho Nhật Bản, đây chính là động lực để Nhật Bản phát triển máy bay tàng hình của riêng mình”.

Michael Raska, phó giáo sư Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cũng khẳng định, áp lực sự phát triển quân sự từ Trung Quốc thúc đẩy Nhật Bản quyết liệt hơn với chương trình máy bay chiến đấu nội địa.

“Thách thức quân sự của Trung Quốc đặt ra tình huống khó khăn cho các đồng minh của Mỹ ở Đông Á. Nhật Bản phải đối mặt với hậu quả cuộc cạnh tranh chiến lược toàn cầu Trung-Mỹ. Tokyo phải tính toán vị thế tiềm năng của mình trong tương lai, gia tăng sự tích cực và phân bổ nguồn lực quốc phòng hỗ trợ chiến lược quân sự tương lai của Mỹ và thực hiện những chiến dịch liên kết phối hợp với Mỹ trong khu vực” - Raska nói.

Quan điểm này được Bradley Bowman, giám đốc cao cấp của Trung tâm Quyền lực Quân sự và Chính trị tại Quỹ Bảo vệ các nền Dân chủ, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, ủng hộ.

Bowman cho biết, Nhật Bản tin tưởng chắc chắn phải tăng cường năng lực không quân vũ trụ quốc phòng trước mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc.

Ông nói: “Hành vi cứng rắn của Bắc Kinh là chất xúc tác chính cho việc Nhật Bản thúc đẩy tăng cường năng lực quốc phòng … Mỹ và Nhật Bản đang tham gia vào một cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, xoay quanh cấp độ đổi mới công nghệ quốc phòng,” ông nói. “Việc Nhật Bản tăng cường nghiên cứu và phát triển quốc phòng là vì lợi ích của cả Washington và Tokyo.”

“Không có chiến lược hiệu quả nào đối phó với Trung Quốc trong những thập kỷ tới mà không nằm trong mối quan hệ đối tác quốc phòng cực kỳ chặt chẽ giữa Mỹ và Nhật Bản”.

Theo TGO
Lính thủy Đánh bộ Mỹ và bộ binh Nhật Bản diễn tập chiến đấu trên các xe đổ bộ ACV

Lính thủy Đánh bộ Mỹ và bộ binh Nhật Bản diễn tập chiến đấu trên các xe đổ bộ ACV

Lính thủy Đánh bộ Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản (JGSDF) tiến hành cuộc diễn tập chung cơ động đường thủy trên các xe chiến đấu đổ bộ của Mỹ (ACV) và xe đổ bộ tấn công Nhật Bản (AAV) Iron Fist 2022 tại White Beach, Căn cứ Lính thủy đánh bộ (MCB) Trại Pendleton, California, ngày 1-2/2.
back to top