Quan chức có dám thề không tham nhũng?

Vì sao chỉ có cán bộ thôn thề không tham nhũng? Theo nguồn gốc của lễ hội thì tất cả các quan lại đều phải thề. Phải chăng, quan chức không dám thề không tham nhũng?

LS Lê Đức Tiết, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chia sẻ: “Năm ngoái tôi có tham dự lễ hội Minh thề. Tôi thấy lạ là vì sao chỉ có cán bộ thôn thề không tham nhũng, còn cán bộ cấp xã, huyện, tỉnh thì không. Trong khi theo nguồn gốc của lễ hội thì tất cả các quan lại đều phải thề. Vậy thì tôi đặt câu hỏi, liệu quan chức có dám thề không tham nhũng?”.

Ông Lê Đức Tiết.

Chỉ có cán bộ thôn thề

Lễ hội Minh thề (thề không tham nhũng) làng Hòa Liễu (Thuận Thiên, Kiến Thụy, Hải Phòng) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 1/3 (tức ngày 14 tháng Giêng âm lịch). Trong nhiều năm tổ chức lễ hội, chỉ có trưởng và phó thôn thề không tham nhũng. Có người cho rằng, nếu chỉ có cán bộ thôn thề thì điều này không nhiều ý nghĩa lắm trong phòng chống tham nhũng, ông nghĩ sao?

Năm ngoái tôi có tham dự lễ hội Minh thề này ở Hải Phòng, Tôi có đặt câu hỏi rằng vì sao các cán bộ xã, huyện, tỉnh cũng tham dự ở đó lại không tham gia thề thì nhận được câu trả lời rằng đây là lễ hội của thôn, nên chỉ người trong thôn thề. Nhưng tôi tìm hiểu thì bản chất lễ hội Minh thề không phải vậy. Ngày nay người ta đang làm sai so với bản chất ban đầu của lễ hội.

Cụ thể ra sao thưa ông?

Theo các nhà sử học, dựa trên thư tịch cổ và vật chứng hiện sưu tầm được thì Hội Minh thệ do bà Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn – vợ Mạc Đăng Dung, Thái tổ triều Mạc, lập ra từ năm 1527. Hàng năm, cứ đến rằm tháng giêng, các quan lại trong triều tụ họp về đây để làm lễ Minh thề. Tính phổ biến của lễ hội Minh thề rộng hẹp đến đâu thì đến nay chưa tìm thấy cứ liệu nào nói đến. Lễ hội Minh thề được khôi phục lại từ năm 1993. Có điều khác xưa là tham gia hội thề ngày nay chỉ có các chức sắc cấp thôn, một số ít quan chức cấp huyện, cấp xã về tham dự nhưng không tham gia thề.

Nghĩa là việc “cắt gọn” đi lễ hội là cắt đi thành phần tham gia thề, vì sao thế?

Người tham dự lễ hội thì vẫn rất đông. Như năm ngoái tôi dự thì thấy có đầy đủ cán bộ tỉnh, huyện, xã, chỉ có điều họ không thề nữa và coi đó là phong tục của thôn. Chắc có lẽ vì cán bộ giờ đông quá, hoặc có lẽ là vì tôi cho rằng nhiều người họ sợ.

Nếu vậy thì lễ hội này đâu còn ý nghĩa?

Ở góc độ nào đó nó vẫn rất quan trọng chứ. Người dân ở đây là địa phương duy nhất không có khiếu kiện về đất đai, sống rất đoàn kết. Nếu địa phương nào cũng làm được như vậy thì có phải là quá tốt không?

Thề thì “há miệng mắc quai”

Ông đã từng tham dự lễ hội, ông thấy sao về không khí thề không tham nhũng này?

Tại lễ hội này có bài Hịch Minh thề với câu “Ai dùng của công vào việc riêng, xin thần linh đả tử”. Còn người dân thì thề trung thực, ngay thằng. Tôi cho rằng đây là một lễ hội vô cùng ý nghĩa, thiết thực. Nếu nhân rộng lễ hội ra được các địa phương khác thì tốt quá.

Liệu có cách nào đó vận động, hay quy định bắt buộc cán bộ phải đến đây thề?

Trong tình hình tham nhũng phức tạp như hiện nay thì tôi cho rằng rất khó. Tham ô tham nhũng, lấy của công làm của riêng… nhiều, phổ biến như thế thì liệu ai dám thề không tham nhũng? Thề thì hóa ra “há miệng mắc quai” nên rất ít người dám thề. Nếu cán bộ nào cũng không tham nhũng, không xâm hại của công, thì đất nước sẽ phát triển biết bao nhiêu.

Thực tế, cán bộ thực thi công vụ theo pháp luật chứ không phải theo lời thế với thần linh, vậy thì việc thề sẽ chẳng có ý nghĩa nếu họ vẫn cứ cố ý tham nhũng?

Đúng là như thế, nhưng khi thề thì ít nhất người ta cũng thấy được sự can đảm, dám khẳng định mình trong sạch. Còn bảo nó chỉ là hình thức thì cũng đúng, vì cuối cùng thì chính người cán bộ ấy mới quyết định việc có tham nhũng hay không. Tôi vẫn luôn đóng góp ý kiến rằng phải đưa khẩu hiệu “Không có chỗ cho người tham nhũng trong bộ máy chính quyền” treo ở các cơ quan, công sở. Dù nó chỉ là khẩu hiệu nhưng tôi tin sẽ có tác dụng nhất định.

Nhưng chống tham nhũng mà chỉ hình thức thì khó có hiệu quả?

Từ hình thức đó mới đi vào thực tế. Tôi thấy lạ là trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì chỉ đưa ra các vấn đề điện, đường, trường, trạm mà không có các nội dung như tham nhũng, khiếu kiện, tham ô, bòn rút của công… Chống tham nhũng phải làm đến cùng, trên mọi mặt trận thì mới hiệu quả được.

Cán bộ hãy dũng cảm để thề

Có lẽ nhiều người dân muốn cán bộ thề, nhưng cán bộ thì không nhiều người muốn điều này. Giả sử quy định cán bộ phải thề thì sao thưa ông?

Đối với việc cán bộ có thề hay không thề trong lễ hội Minh thề đang có hai luồng ý kiến khác nhau. Đông đảo nhân dân thì muốn, còn không ít cán bộ lãnh đạo địa phương lại không muốn có quy định cán bộ phải thề trong lễ hội. Do đó đến nay, lễ hội Minh thề vẫn chỉ bó gọn trong quy mô làng. Chính người chủ lễ cũng chia sẻ trên báo chí rằng cả chục năm nay vẫn chỉ có ông ấy là người đứng lên thề, hy vọng là có cán bộ khác sẽ thay ông đọc lời thề.

Thề trong sạch, làm việc chính trực, công mình, không tham ô tham nhũng, chẳng lẽ khó thế?

Sẽ là rất khó trong điều kiện tham nhũng hoành hành như hiện nay. Cán bộ muốn thề phải rất dũng cảm, và cũng phải có quy định cụ thể chứ một người cũng không tự đứng lên để thề được. Đây có thể nói là một lễ hội ý nghĩa, là “đặc sản” tinh thần, cần phải phát huy. Những lễ hội như kéo nhau, dẫm đạp lên nhau để xin ấn ở đền Trần nhằm thăng quan tiến chức, hay cướp lễ, cướp phết… cần phải lên án, loại bỏ.

Nhưng cán bộ mà thề thì cũng chẳng được gì?

Cán bộ mà thề không tham nhũng chẳng những không mất gì mà sẽ có thêm động lực, một cam kết thiêng liêng để giữ mình không sa vào tội lỗi và chiếm được lòng tin của người dân. Điều này chỉ có lợi mà thôi. Nếu ở lễ hội Minh thề, các cán bộ nô nức đổ về để thề, giống như người ta dẫm đạp nhau xin ấn đền Trần thì vui biết bao nhiêu. Và nếu lễ hội này được nâng tầm lên cấp quốc gia, tổ chức long trọng để cả nước đổ về, thì đáng mừng biết bao.

Xin cảm ơn ông!

Tại Lễ hội Minh thề, vào ngày chính hội, dân làng dựng một đài thề trước cửa chùa Hòa Liễu. Chiếc mũ cổ của thành hoàng làng được đặt ở vị trí cao nhất trên đài thề. Các lãnh đạo địa phương và người dân dự lễ ngồi theo thứ tự phía dưới. Theo quy định, chủ lễ phải là bậc cao niên, gia đình hạnh phúc, con cháu thảo hiền, chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật. Sau lễ dâng hương, dâng rượu, dâng nước… lễ tuyên thệ bắt đầu. Một con dao thiêng bọc vải hồng điều được trao cho chủ lễ.

Chủ lễ dùng con dao này vẽ một vòng tròn tượng trưng trước đài thề và cắm dao vào chính giữa vòng tròn ấy rồi dùng con dao thiêng này cắt tiết gà. Tiết gà được pha với rượu chia đều cho mỗi người một chén nhỏ như thể hiện sự đồng tâm của cả cộng đồng. Trong khói hương nghi ngút, những lời thề với thần linh, với tổ tiên âm vang cả một góc trời. Mọi người cùng hô vang lời thề: “Ai dùng của công xây dựng việc công xin thần linh ủng hộ, ngược lại người lấy của công về làm của tư, xin thần linh đả tử…. làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt”.

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top