Quá nhiều cán bộ được “bế đặt vào ghế”

Thử hỏi nếu là con dân thì bao giờ vào được cơ quan đó chứ nói gì đến việc leo lên đến vị trí này, vị trí nọ! Giờ có quá nhiều cán bộ thuộc diện “túm tóc lôi lên” hay “bế đặt vào ghế””, ông Nguyễn Sỹ Cương Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội chia sẻ.

Ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội.

Cán bộ “bế đặt vào ghế”

Vụ việc Lê Phước Hoài Bảo và vụ bố nhiệm “thần tốc” GĐ Sở Công Thương Hậu Giang, ông Huỳnh Thanh Phong lại một lần nữa làm dư luận dấy lên những nghi ngại về việc “gia đình trị”, “cả họ làm quan”… Suy nghĩ của ông như thế nào về vấn đề này?

Đây là một thực trạng có thật, diễn ra trong một thời gian dài gây bức xúc trong xã hội. Những trường hợp mới phát giác gần đây là điển hình nhưng chỉ là nhỏ lẻ, chứ thực tế còn rất nhiều ở tất cả các cấp từ T.Ư đến địa phương.

Cứ thử tìm hiểu kỹ ở các địa phương mà xem, con em ông tỉnh thì giữ vị trí chủ chốt ở các sở ban ngành của tỉnh hay vị trí chủ chốt ở huyện, con ông huyện thì giữ những vị trí chủ chủ chốt ở các phòng ban của huyện hay vị trí chủ chốt ở các xã. Nhiều, nhiều lắm!

Tức là những nghi ngại của dư luận hoàn toàn có cơ sở, thưa ông?

Tình trạng mà cứ khuyết vị trí nào trong bộ máy, nhất là những chỗ quyền nhiều, bổng lộc nhiều, thay vì tìm người tài, người có năng lực thì lại tìm người nhà rồi cất nhắc đề bạt rất nhanh. Chưa kể lợi dụng quy trình (tuyển dụng, bổ nhiệm) làm một cách hình thức để hợp lý hóa các vị trí đó.

Điều đáng nói là các trường hợp người nhà đó thì đa số không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn và cũng không có quá trình, kinh nghiệm nên không lãnh đạo được cơ quan, tổ chức đó.

Người ta sẽ thường hợp lý hóa quy trình bổ nhiệm như thế nào, thưa ông?

Họ cứ giải thích là không can thiệp hay có ý kiến gì, nào là khách quan minh bạch, rồi do cơ quan tổ chức tự đề xuất. Vâng, đúng là nhiều khi ông ấy chẳng cần nói gì nhưng chỉ có tín hiệu thôi là cấp dưới phải “bắt sóng” rồi, thậm chí chẳng cần phát tín hiệu gì cả.

Nhưng thử hỏi nếu không phải là con, em ông ấy mà là con dân thì bao giờ vào được cơ quan đó chứ nói gì đến việc leo lên đến vị trí này, vị trí nọ. Giờ có quá nhiều cán bộ thuộc diện “túm tóc lôi lên” hay “bế đặt vào ghế” nên thiếu kinh nghiệm, không có bản lĩnh để đảm đương công việc được giao.

“Đúng quy trình” có thể do… “bảo kê”

Mới đây, trả lời báo chí, ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói rằng việc trước đây ông từng trả lời báo chí vụ bổ nhiệm giám đốc sở (ông Lê Phước Hoài Bảo) “đúng quy trình” là do “văn nói”, dẫn tới “gây hiểu lầm”. Mà với trường hợp ngay cả thanh tra, kiểm tra thì BNV cũng chỉ là về các điều kiện, tiêu chuẩn quy trình theo luật định, ví dụ từ phó giám đốc lên giám đốc sở, không thể như kiểm tra của Đảng, lần lại toàn bộ quá trình phát triển của một con người, xem có sinh hoạt đảng đầy đủ không, quá trình thảo luận ở cấp ủy về nhân sự, quy hoạch thế nào… Ý kiến của ông thế nào?

Công tác cán bộ nói chung, bổ nhiệm cán bộ nói riêng được phân cấp khá triệt để, BNV chỉ làm chính sách và hậu kiểm nhằm bảo đảm cho công tác cán bộ được thực hiện đúng theo quy định chung. BNV không thể kiểm soát hay làm thay được.

Điều quan trọng là khi có sai phạm xảy ra thì vai trò quản lý nhà nước của BNV mang tính quyết định. Trong vụ việc Lê Phước Hoài Bảo và phát ngôn của Thứ trưởng BNV tôi cho là có vấn đề.

Có vấn đề như thế nào, thưa ông?

Cứ cho là BNV căn cứ vào báo cáo của tỉnh Quảng Nam để xem xét nhưng vấn đề đặt ra là nếu tỉnh làm sai và rồi không báo cáo trung thực mà BNV chỉ căn cứ vào đó để kết luận là ko đúng. Lẽ ra BNV nên cử đoàn thanh tra hay kiểm tra, xác minh rồi hẵng tuyên bố là đúng quy trình hay không thì mới làm tròn trách nhiệm.

Rất tiếc là họ đã không làm như vậy. Còn khi thanh tra hay kiểm tra thì phải làm đầy đủ xem có đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn và có làm đúng quy trình thủ tục không, kể cả thủ tục các cấp ủy đảng tiến hành chứ sao lại không thể làm được.

Vậy theo ông lý do vì sao? Dư luận có quyền nghi ngờ về sự minh bạch ở đây không?

Dư luận hoàn toàn có lý khi cho rằng phát ngôn “đúng quy trình” của TT Trần Anh Tuấn là do năng lực yếu hay do “bảo kê” vì nó hoàn toàn trái với kết luận của UBKTT.Ư. Tôi cho rằng ở đây còn một vấn đề cần làm rõ nữa là ý thức trách nhiệm của Lãnh đạo BNV.

Trở lại với vụ việc bổ nhiệm Lê Phước Hoài Bảo, đúng hay sai thì vai trò của thanh tra, kiểm tra của chính địa phương mang tính thực chất hơn nếu làm thật sự nghiêm túc và không bị tác động.

Thanh tra toàn diện công tác bổ nhiệm cán bộ

Có ý kiến cho rằng, những “hạt giống” sinh trưởng trong môi trường tốt, có nguồn gen tốt thì cũng có thể có những phẩm chất vượt trội, “con ông cháu cha” không hẳn xấu, vẫn có người thực sự có tài. Và việc cha nâng đỡ con, “cha truyền con nối” cũng là lẽ thường tình, không chỉ ở nước ta. Có khi nào dư luận đã đang quá khe không, thưa ông?

Việc “nối dõi tông đường” thời nào, quốc gia nào cũng có. Không phủ nhận là con nhà quan thường được thừa hưởng tố chất tốt của dòng dõi và có điều kiện học hành tốt hơn… Nhưng không phải ai cũng có thể thành tài. Và dù có tài thì từ tài năng đó đến thực tiễn cũng có khoảng cách.

Như tôi đã nói, lâu nay người ta lợi dụng quy trình quá nhiều, coi đó là cái để thao túng quyền lực và khi có chuyện xảy ra thì dùng quy trình để biện minh, rũ bỏ trách nhiệm.

Còn việc nâng đỡ, tạo điều kiện khi một cách trong sáng, tức là không vụ lợi thì việc đó không xấu. Và nếu thực hiện đúng và thực chất quy trình cán bộ thì hoàn toàn có thể tạo ra những cán bộ trẻ, có năng lực và bản lĩnh.

Một quy trình mà khiến người ta có thể “lợi dụng quá nhiều”, thì phải chăng, quy trình đó có vấn đề?

Quy trình vẫn chỉ là quy trình và quy trình không có lỗi. Lỗi hay không là do người thực hiện. Nếu thực hiện đúng và thực chất thì có cán bộ tốt, đằng này toàn lợi dụng quy trình, thực hiện theo quy trình nhưng hình thức, lấy quy trình để lấp liếm cái sai, khi bị phát hiện thì lấy quy trình để bao biện, thậm chí rũ bỏ trách nhiệm. 

Theo ông, có cách nào để kiểm soát được tình trạng này?

Theo tôi, cần thực hiện đúng và thực chất quy trình bổ nhiệm cán bộ là yêu cầu bắt buộc nhưng sự khách quan, công tâm, trong sáng của người đứng đầu đảng, chính quyền mang tính quyết định và chẳng văn bản nào có thể quy định hết. 

Nếu người đứng đầu mà không gạt bỏ vụ lợi của bản thân và gia đình, không vì cái chung vì sự phát triển của xã hội trong công tác cán bộ thì không bao giờ có cán bộ tốt.

Cùng với đó, kiểm soát tốt sự thao túng quyền lực cùng với phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng sẽ giúp kiểm soát tình trạng tiêu cực trong bổ nhiệm cán bộ.

Như ông nói là hiện có quá nhiều cán bộ được “bế đặt vào ghế”. Vậy có cần làm một cuộc thanh tra toàn bộ đối với các trường hợp bổ nhiệm người nhà không?

Theo tôi nên tiến hành thanh tra toàn diện công tác tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ, công chức giai đoạn 5 năm qua để phát hiện, xử lý sai phạm và có biện pháp chấn chỉnh chung.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Nam buông lỏng lãnh đạo, để UBND tỉnh và cơ quan chức năng tuyển dụng công chức, xét tuyển viên chức không qua thi tuyển; có sự ưu ái với con của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Cụ thể, ông Lê Phước Thanh bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo (con trai) giữ nhiều chức vụ trong khi không đủ tiêu chuẩn, vi phạm quy trình. Ông Bảo được tỉnh cử đi học thạc sĩ tại nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước không đúng quy định. Sự việc chưa lắng xuống thì dư luận lại tiếp tục “dậy sóng” với thông tin ông Huỳnh Thanh Phong (SN 1982), Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang là con trai của nguyên Bí thư Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc đã được bổ nhiệm rất “bất thường” cùng quan lộ “thần tốc”.

Mai Loan (thực hiện)

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Trong gần 65 năm qua, với đội ngũ phóng viên và cộng tác viên đông đảo là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, Khoa học và Đời sống đã có nhiều bài viết ấn tượng, làm nên thương hiệu, tên tuổi của tờ báo khoa học hàng đầu.
back to top