Quả lê trị bệnh đường hô hấp

(khoahocdoisong.vn) - Theo Đông y, lê có vị ngọt, hơi chua, tính mát có tác dụng bồi dưỡng sức khỏe, nhuận táo, thanh nhiệt, hóa đờm, có thể trị bệnh nhiệt do khát, ho nóng, ung thư thực quản, táo bón...

Quả lê có tác dụng chữa bệnh cao, trong sách Lý Chân Bản thảo cương mục ghi: Nhuận phế mát tim, thanh viêm hạ hỏa, giải độc. Bản thảo cầu nguyên ghi: Nước lê nấu cháo trị cam nhiệt ở trẻ em và phong nhiệt hôn táo. Bản thảo kinh lưu nói: Lê có thể nhuận phế thanh viêm, hạ hỏa trừ nhiệt, những người đau, mạch yếu nóng, muốn giảm đau thì ăn lê, có thể chuyển từ nặng sang nhẹ.

Y học hiện đại cho rằng, lê có tác dụng hạ huyết áp, thanh nhiệt trấn tĩnh. Những người bị cao huyết áp, đau tim, hoa mắt chóng mặt, ù tai tim đập nhanh, ăn nhiều lê rất có hiệu quả. Lê chứa một lượng đường phong phú và nhiều loại vitamin, có tác dụng bảo vệ gan và trợ giúp tiêu hóa, vì vậy đối với những người bị viêm gan, xơ gan, lê có thể làm thực phẩm phụ trợ cho việc chữa trị.

Dưới đây là những cách dùng quả lê để chữa  bệnh về hô hấp:

 Bối lê hầm phổi lợn: Phổi lợn 250g, xuyên bối mẫu 10g, lê 2 quả, đường phèn 30g. Lê gọt bỏ vỏ ngoài, thái thành miếng, phổi lợn thái miếng mỏng rửa sạch.  Lấy phổi lợn, lê, xuyên bối mẫu cho vào nồi cho đường phèn vừa đủ, nước lạnh, để lửa nhỏ nấu đến khi phổi lợn chín thì có thể ăn.

Có tác dụng đối với những người ho khan ít đờm, đại tiện táo và lao phổi, âm hư triều nhiệt, họng khô, ho khan, khạc máu. Còn có thể trị các chứng bệnh suy lao hen suyễn, thổ huyết, khạc máu, liệt phổi, phế ung, phụ nữ ung thư vú, mụn độc và chữa nấc.

Gạo nếp đồ với lê: Gạo nếp 300g, lê tươi 2 quả nặng khoảng 250g, bột đậu 100g, đường trắng 150g, mật ong 50g, thanh mai, sơn tra, bột lọc mỗi thứ 15g, đường di quế hoa 2g, mỡ lợn chín 10g

Gạo nếp vo sạch, ngâm nước lạnh 30 phút, vớt ra, vẩy khô nước, cho mật ong, đường trắng vào trộn đều. Lê rửa sạch, gọt vỏ bỏ hạt, thái thành miếng mỏng. Cho mỡ lợn chín vào dưới một cái bát to, xếp lê dọc theo đáy bát và xung quanh bát.

Gạo nếp đổ lên trên lê, tầng ở giữa cho nhân bột đậu, dùng gạo nếp phủ lên, sau đó cho thêm khoảng 50ml nước sôi, đun to lửa hấp trong vòng 1 tiếng. Cho 200ml nước lạnh vào trong nồi, cho đường trắng 100g, đường di quế hoa, đun to lửa cho sôi, cho bột lọc vào quấy đều rồi đổ ra đĩa, cho sơn tra, thanh mai lên trên là được.

Tác dụng: Thanh phế trừ nhiệt, khai vị sinh nước bọt.

Nước thu lê củ sen: Lê 500g, củ sen trắng 500g. Rửa sạch lê, gọt vỏ, bỏ hạt, củ sen cắt đốt, đập nát rồi dùng miếng vải lọc lấy nước. Uống thay trà. Tác dụng: Thanh nhiệt hóa đờm, nhuận phế ngưng ho. Có thể bổ trợ trong việc trị bệnh hen suyễn, phát nhiệt, họng khô rát.

 Xuyên bối lê: Lê 2 quả, xuyên bối mẫu 4g, đường phèn 70g, bột đậu 10g. Lê rửa sạch, gọt vỏ, bỏ hạt, cắt thành miếng. Xuyên bối rửa sạch, lê đựng vào bát hấp, cho bối mẫu, đường phèn và thêm 50ml nước sôi, dùng khăn bông ướt bịt miệng bát, cho vào nồi hấp 2 tiếng rồi lấy ra, bày lê ra đĩa, nước vẫn để trong nồi, cho thêm 1 ít nước lạnh rồi cho bột đậu ướt vào quấy, tưới lên trên ăn.

Tác dụng: Thanh nhiệt hóa đờm, phù hợp với người bị viêm phổi do phong nhiệt tắc phế.

 Nước mã thầy, củ sen, lê tươi: Lê 1000g gọt vỏ, bỏ hạt, mã thầy 500g bỏ vỏ, củ sen tươi 500g cắt đốt hoặc mạch đông tươi 50g, đập dập hoặc nấu nhừ, lấy miếng vải sạch lọc lấy nước, uống lạnh hoặc ấm, ngày uống nhiều lần.

Tác dụng: Thanh phế do hỏa nhiệt, phù hợp với người bị ngoại cảm, nhiệt, mồm khát, họng khô rát.

Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam)

Theo Đời sống
back to top