Quả độc, lạ, thường không ngon

(khoahocdoisong.vn) - Sau nhãn tím, sầu riêng đỏ, vú sữa vàng, na hoàng hậu… mới đây, một nông dân miền Tây tiếp tục trồng thành công dưa hấu tím tí hon. Theo các chuyên gia, những loại quả độc đáo, thường thu hút trí tò mò, còn chất lượng thì không ngon bằng quả thông thường.

Dưa hấu tí hon

Một nông dân ở tỉnh Đồng Tháp trồng được loại dưa hấu tí hon màu tím rất lạ mắt. Loại dưa này có vẻ bề ngoài đẹp, vỏ mỏng, dinh dưỡng rất cao và mùi hương đặc biệt nên rất được nhiều người tìm mua. Người trồng thành công giống dưa này là ông Trần Văn Tiếp, ngụ ở ấp khánh Hòa (xã Tân Khánh Đông, TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, ông đã trồng thành công loại dưa Pepino (còn được gọi là dưa hấu tí hon) màu tím.

Vài năm trước đây, loại dưa này được ông mua giống từ Thái Lan. Khi về trồng thử nghiệm, ban đầu ông trồng thất bại vì loại này rất kén đất và không hợp với khí hậu ở miền Tây. Dưa hấu tím có giá là 300.000 đồng/kg (loại 3-5 trái/kg).

Nghệ nhân Võ Trung Thành, chủ nhiệm Câu lạc bộ khuyến nông ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, người chuyên nghiên cứu trái cây tạo hình như bưởi hồ lô, dưa hấu vuông… cho biết, gần đây, những giống cây lạ về hình thức xuất hiện khá nhiều ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như nhãn tím, vú sữa vàng, sầu riêng đỏ, sung mỹ, nho Nhật…

Bản thân ông cũng thử tìm hiểu để nếu các loại trái cây này cho chất lượng cao thì ông sẽ tính đến nhân giống. Tuy nhiên qua việc ăn thử đa phần những trái cây này thì ông thấy những quả này lạ, nhưng không ngon bằng quả truyền thống.

“Năm ngoái ở Hậu Giang có rộ lên trồng giống vú sữa vàng Đài Loan. Cây giống được bán với giá 1 triệu đồng/cây. Tôi định mua về trồng thử xem thế nào thì nhiều người nói rằng loại vú sữa này ăn không ngon bằng vú sữa Lò Rèn, chỉ hình thức thì có vẻ lạ thôi. Bản thân tôi cũng đã từng ăn nhãn tím thì thấy nó cũng bình thường, không có gì đặc sắc nên cũng không trồng thử.

Nhiều khi người ta đồn thổi, ăn thử vì tò mò là chính chứ không phải vì chất lượng của chúng vượt trội. Hay như tôi cũng trồng thử giống na hoàng hậu, quả to hơn nhiều na Tây Ninh nhưng chất lượng thì lại kém xa. Từ đó tôi rút ra kết luận những giống cây ăn quả đặc sản ở Việt Nam vẫn là những giống có chất lượng cao nhất, cần bảo tồn”, ông Võ Trung Thành cho biết.

Quả ngon do giống

Ông Võ Trung Thành cho biết, ngoài giống cây trồng thì các yếu tố chăm sóc, điều kiện sinh trưởng, phát triển của cây… sẽ quyết định cho ra trái đạt chất lượng cao hay thấp. Trong đó, yếu tố giống cây trồng và sự phù hợp của chúng với điều kiện khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng là quan trọng nhất. Một giống cây trồng đặc sản, nhiều ưu điểm, nhưng trồng không đúng đất, không phù hợp thời tiết, thì cũng khó mà cho chất lượng tốt được.

Do đó, việc phát triển các giống cây trồng đặc sản tại nơi cây trồng phù hợp nhất là quan trọng nhất để tạo ra các loại trái cây đạt chất lượng cao, thơm ngon nhất.

Dù không thể đánh giá một cách chủ quan là tất cả hoa quả “độc, dị” có giá đắt đỏ đều mang chất lượng không tương xứng, nhưng để so sánh với hoa quả trong nước, cả về giá tiền và chất lượng, thì chắc chắn rằng chỉ nên ăn cho biết chứ khó kỳ vọng ngon vượt trội. Các loại trái cây này được tiêu thụ mạnh đa phần vì khách hàng tò mò. Và thực tế, cũng có thể có những loại quả chất lượng cao, ngon và rất đắt do được làm ra bằng một quy trình được kiểm soát chặt chẽ, các chỉ số dinh dưỡng của sản phẩm cũng được thiết lập.

“Để làm ra quả ngon, người nông dân phải đầu tư nhiều vào khâu chăm sóc, tìm hiểu các nguyên lý của cây chứ không phải là cứ sử dụng nhiều phân bón hay chất kích thích là cho quả ngon. Do đó, quả ngon thường đi đôi với giá cao. Quả lạ thường đi cùng giá cao, bởi việc nhân giống, vận chuyển, lai tạo chúng để phù hợp với thổ nhưỡng cũng mất công như vậy”, ông Võ Trung Thành cho biết.

Theo ông Võ Trung Thành, trong công nghệ lai tạo, được đặc điểm này thì thường phải đánh đổi đặc điểm kia. Nếu ưu tiên về gen màu sắc hay gen khối lượng, thì lại phải đánh đổi một gen nào đó về chất lượng.

Theo Đời sống
back to top