Quả dễ hỏng khi bao bằng túi nilon

Việc bọc quả bằng túi nilon dễ tạo ra hiệu ứng nhà kính đối với quả. Nhiệt độ bên trong túi bao nilon sẽ rất nóng làm quả chậm phát triển, thậm chí héo, rụng vì nóng và thiếu sự trao đổi chất, không khí với môi trường bên ngoài.

Quả giảm chất lượng vì bao túi

Những ngày qua, tin đồn các nhà vườn ở Đồng Tháp và Tiền Giang sử dụng TBT xoài có in chữ “Taiwan” xuất xứ từ Đài Loan nhiễm chất độc hại khiến không ít nhà vườn hoang mang khi đang vào chính vụ khiến giá thành giảm đáng kể.

Các cơ quan chức năng đã vào cuộc khẳng định thông tin túi bao trái nhiễm hóa chất độc hại là tin đồn thất thiệt, không có căn cứ và hoàn toàn sai sự thật. Chất lượng các loại túi bao trái này được kiểm tra, đảm bảo chất lượng và hoàn toàn không có hóa chất độc hại.

Tuy nhiên, việc sử dụng túi bao trái nào có ảnh hưởng đến chất lượng quả. TS Nguyễn Mạnh Khải, khoa Công nghệ Sau thu hoạch, Học viện Nông nghiệp cho biết, kỹ thuật bao trái là một tiến bộ giúp trái không bị tổn thương phần vỏ, giảm tỷ lệ bệnh, giảm sự tác động của côn trùng và chim, tránh tình trạng côn trùng tiêm, chích, xâm nhập, cải thiện màu sắc vỏ trái, hạn chế trái bị nám do nắng.

Tuy nhiên sử dụng bao không thích hợp sẽ làm quả phát triển chậm, tốn công sức và tiền bạc đầu tư. Hiện có nhiều loại bao gói khác nhau, tuy nhiên ở những vùng có điều kiện xử lý côn trùng tốt thì không cần phải sử dụng bao gói.

“Những vùng có thời tiết nắng nóng như mấy ngày này ở miền Bắc và miền Trung, sử dụng màng bao gói cho quả bằng túi nilon như thường thấy ở các nhà vườn sẽ khiến oxy không xâm nhập được khiến quả không sinh trưởng tốt.

Trời nắng nóng quá có thể gây nên hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ bên trong túi sẽ tăng cao khiến quả không thể sinh trưởng bình thường được, dễ dẫn đến héo, rụng”, TS Nguyễn Mạnh Khải cho biết.

“Kỹ thuật bao trái là một tiến bộ giúp trái không bị tổn thương phần vỏ, giảm tỷ lệ bệnh, giảm sự tác động của côn trùng và chim, cải thiện màu sắc vỏ trái, hạn chế trái bị nám do nắng và hạn chế lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây, làm cho trái an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng. Đây cũng là một quy trình bắt buộc khi muốn nhập khẩu trái cây vào các nước”.

TS Nguyễn Mạnh Khải

Nên dùng bao giấy

Theo TS Nguyễn Mạnh Khải thì chất lượng bao gói phù hợp sẽ làm quả phát triển tốt. Để làm được như thế thì phải dựa trên từng loại quả mà chọn loại bao phù hợp, tùy thuộc vào kích thước, chất liệu của bao gói… Cần phải làm sao để không khí được lưu thông đảm bảo sự phát triển.

Sử dụng không đúng bao gói sẽ làm khí etylen phát triển dẫn đến quả nhanh chín dù vẫn còn non. Ở Thái Lan người ta thậm chí còn sử dụng giấy báo để che nắng cho quả ở phía có ánh nắng mặt trời để quả phát triển tốt và cho chất lượng cao nhất.

Để đảm bảo chất lượng quả, các nhà vườn cần chọn các loại túi được sản xuất có nguồn gốc, công bố chất lượng và được cấp phép của ngành chức năng để bao bọc trái cây.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều chủng loại túi để bao trái, từ việc sản xuất công nghiệp đến sản xuất thủ công, từ dạng túi bằng vải đến dạng túi bằng giấy, đủ loại kích cở, màu sắc…

Loại túi giấy có phủ một lớp dầu hỏa để chống thấm, chống sâu bệnh và bảo vệ trái xoài trước những tác động tiêu cực của thời tiết bên trong có một lớp màu đen là xơ bột gỗ lá để tăng tính cản quang cho trái cũng là loại bao túi được nhà vườn sử dụng phổ biến hiện nay.

 “Tốt nhất là nên sử dụng bao giấy để bảo vệ quả. Hiện thị trường có một số loại giấy được gia công chế tạo để côn trùng không thể xâm nhập được nhưng oxy, cacbonnic vẫn lưu thông để trái phát triển.

Thậm chí một số loại giấy để làm túi bao quả còn được xử lý trước để đảm bảo quả phát triển tốt, có mã đẹp mà vẫn an toàn khi sử dụng. Do thị trường có nhiều loại túi khác nhau, nên phải lưu ý loại bao túi ảnh hưởng đến sự phát triển của quả thì không nên sử dụng mà tìm các loại bao túi khác.

Nên chú ý đến loại bao túi nilon được sử dụng phổ biến hiện nay để tránh quả bị hỏng, rụng, làm giảm chất lượng”, TS Nguyễn Mạnh Khải chia sẻ.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top