Quả bom từ những hồ đập cũ, xuống cấp

(khoahocdoisong.vn) - Một lần nữa, các nhà khoa học tái khẳng định, bên cạnh những lợi ích, các hồ đập tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro, nhất là những hồ đập đã cũ, tuổi thọ dài, xuống cấp, quản lý lỏng lẻo... Chúng giống như những “quả bom” treo lơ lửng.

Xuống cấp, mất an toàn

Tại hội thảo “Đánh giá an toàn hồ đập ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam” do Liên hiệp các Hội KH&KT Việt (Liên hiệp Hội VN) tổ chức ngày 12/12, TS Phan Tùng Mậu, Phó chủ tịch Liên hiệp Hội VN cho biết, hiện nay trên cả nước có gần 7.000 hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang hoạt động nhưng thời gian xây dựng, quy mô của chúng là khác nhau, có hồ đã trên 50 tuổi. Vừa qua, Liên hiệp Hội VN đã có cuộc khảo sát hồ đập tại Thanh Hóa, Hòa Bình. Kết quả cho thấy, các hồ nhỏ hầu như đã xây dựng rất lâu tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Đồng quan điểm, TS Đào Trọng Tứ, Phó Chủ tịch Hội Tưới tiêu Việt Nam cho biết, Việt Nam bắt đầu xây dựng các hồ chứa từ những năm 50 của thế kỷ 20 sau đó ngày càng gia tăng rất nhanh. Có thể nói tất cả các dòng sông lớn nhỏ của đất nước (trừ các vùng đồng bằng ven biển) đều có từ một cho đến nhiều hồ đập chắn ngang sông.

Vẫn theo vị chuyên gia này, hiện gần 7.000 hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang hoạt động, đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn các hồ thủy lợi vừa và nhỏ đã được xây dựng từ nhiều năm trước, trong điều kiện thiếu kinh phí, số liệu tính toán, kinh nghiệm thiết kế, kỹ thuật thi công hạn chế, đặc 

biệt đa số hồ chứa nhỏ được thi công bằng thủ công, nhiều đập, hồ chứa nước không phù hợp với điều kiện mưa, lũ cực đoan hiện nay.

Mặt khác, lực lượng quản lý, vận hành đập, hồ chứa thủy lợi còn mỏng, không bảo đảm năng lực chuyên môn, nhất là hồ nhỏ thiếu kinh phí tu sửa, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên nên nhiều hồ đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn và đe dọa tính mạng người dân và tài sản vùng hạ du.

TS Nguyễn Trọng Tứ thống kê rất nhiều công trình đã được xây dựng từ 30-40 thậm chí trên 60 năm trước. Nhiều công trình xuống cấp. Các hồ chứa có tuổi thọ 45 - 60 năm được xây dựng từ giai đoạn 1960 ÷ 1975  có dung tích trữ nước từ 10 ÷ 50 triệu m3 như: Đại Lải (Vĩnh Phúc-30 triệu m3); Suối Hai (Hà Nội-47 triệu m3); đặc biệt hồ Cấm Sơn (Lạng Sơn) có dung tích 248 triệu m3 với chiều cao đập đất 40m (đập đất cao nhất lúc bấy giờ)...

Ngoài ra, hiện nay có hàng ngàn hồ chứa lớn nhỏ có tuổi thọ từ 20 - 45 năm được xây trong giai đoạn sau 1975 ÷  2000, trong đó có nhiều hồ chứa nước lớn như: Núi Cốc (Thái Nguyên-175 triệu m3); Kè Gỗ (Hà Tĩnh-345triệu m3); Yên Lập (Quảng Ninh- 127 triệu m3)…

GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam ví dụ thêm: Qua thực tế tiếp xúc ở hai công 

trình Hoà Bình và Cửa Đạt (Thanh Hóa) mới đây cho thấy, việc bảo đảm an toàn cho bản thân công trình và cho hạ lưu đối với thuỷ điện Hoà Bình là đạt yêu cầu. Riêng đối với công trình đầu mối Cửa Đạt, mức độ an toàn là đáng lo ngại, bởi những thiết bị đo các thông số như lún, thấm, chuyển vị … cũng như các thiết bị kết nối thông tin để vận hành hồ chứa đã không hoạt động ngay từ lúc bàn giao…

TS Đào Trọng Tứ: Những bài học vỡ đập trên thế giới cũng như ở Việt Nam, và gần đây nhất là vụ vỡ đập Xe Pian-Xe Nam Noy của Lào là bài học lớn cho Việt Nam-một nước có rất nhiều hồ đập và nhiều hồ đập trong tình trạng xuống cấp, mất an toàn.

Cần lên kịch bản xấu

TS Đào Trọng Tứ cho biết dù được thiết kế, thi công với tiêu chuẩn nghiêm ngặt, nhưng là những công trình nhân tạo, theo thời gian, trước những biến động thiên nhiên, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu, việc nhìn nhận vấn đề an toàn đập các hồ chứa thủy lợi và thủy điện luôn được đặt lên hàng đầu.

Theo TS Đào Trọng Tứ để đảm bảo an toàn, thứ nhất cần kiểm tra các đập, hồ chứa nước có quy mô lớn, các đập có nguy cơ mất an toàn, chủ động xây dựng phương án ứng phó trong mọi tình huống, bảo đảm an toàn cho đập và vùng hạ du.

Thứ hai, cần rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước…

Thứ ba, cần xây dựng kịch bản vỡ đập và lập bản đồ ngập lụt ở hạ lưu khi có sự cố vỡ đập để chủ động phương án di dân…

GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, để bảo đảm tiêu chí an toàn công trình đầu mối của hồ chứa, đối với đập đất cần nghiên cứu những vấn đề như xói ngầm thân đập và nền đập, trượt mái đập, đập tràn bị hư hỏng. Trong những sự cố trên thì nền đập và xói ngầm là khó phát hiện.

Theo Đời sống
back to top