PMI tháng 4 thấp kỷ lục, báo động xấu cho ngành sản xuất Việt Nam

(khoahocdoisong.vn) - Chỉ số Quản lý thu mua (Purchasing Managers’ Index – PMI) ngành sản xuất Việt Nam giảm kỷ lục xuống 32,7 điểm trong tháng 4/2020, thấp hơn nhiều so với 41,9 điểm trong tháng 3/2020, báo hiệu “sức khỏe” ngành sản xuất Việt Nam đang tiếp tục yếu vì dịch Covid-19.

Dữ liệu PMI tháng 4 đã chỉ ra mức độ suy thoái trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đang gia tăng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đây là chỉ số thấp nhất trong hơn 9 năm thu thập dữ liệu, khảo sát của ISH Markit.

Sụt giảm kỷ lục đã được nhìn thấy trong sản lượng, đơn đặt hàng mới, mức tồn kho, sản xuất, giao hàng từ nhà cung ứng bị đình trệ, gián đoạn chuỗi cung ứng và môi trường lao động giảm sút.

Theo khảo sát của ISH Markit, tâm lý kinh doanh đang trở nên tiêu cực, mức độ lạc quan trong sản xuất cũng giảm về mức đáy mới. Chỉ số PMI của Việt Nam liên tiếp giảm từ 49,0 điểm trong tháng 2 xuống 41,9 điểm trong tháng 3, sang tháng 4 thì chỉ số này chỉ đạt 32,7 điểm cho thấy sự suy giảm hằng tháng kỷ lục về chỉ số đo lường “sức khỏe” kinh tế của ngành sản xuất. Về cơ bản, PMI phải trên 50 điểm mới tương ứng với sự mở rộng hoạt động sản xuất so với kỳ trước.

Trong 4 tháng vừa qua, các điều kiện kinh doanh đang dần trở nên xấu hơn. Ngành sản xuất Việt Nam đang bắt đầu “ngấm đòn” bởi tác động của Covid-19 khi không còn nhận thêm được các đơn đặt hàng mới. Nghiêm trọng hơn, nhiều đơn hàng đã đặt cũng bị hủy trong tháng này và nhiều nhà sản xuất không có việc phải ngưng hoạt động.

Dữ liệu báo cáo PMI được thu thập bằng cách sử dụng các cuộc khảo sát hằng tháng, gửi đến các giám đốc điều hành mua hàng tại khoảng 300 công ty. Trong đó, hai phần số trả lời cho biết sản lượng sản xuất giảm vào thời điểm cuối quý 1 và tiếp tục giảm mạnh trong tháng 4/2020. Suy giảm mạnh được ghi nhận ở tất cả ba lĩnh vực là hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa trung gian và hàng hóa đầu tư cơ bản.

Số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh do Covid-19, thêm những khó khăn trong việc nhập khẩu, tình trạng thiếu nguyên liệu và các vấn đề giao thông, vận chuyển cũng khiến cho thời gian giao hàng theo hợp đồng của nhà cung cấp bị trì hoãn. Nhiều công ty phải cắt giảm số lượng lớn nhân viên.

Bình luận về kết quả khảo sát mới đây, Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit, nói: “Không có gì ngạc nhiên khi đại dịch Covid-19 đã có ảnh hưởng nghiêm trọng lên lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. Vấn đề then chốt hiện tại là sẽ mất bao lâu để cộng đồng quốc tế có thể kiểm soát đại dịch. Khi điều này xảy ra, các nhà sản xuất dự báo sản lượng sẽ tăng trở lại".

Theo Đời sống
back to top