PMI tháng 3 tăng, kinh doanh cải thiện mức tốt nhất trong 27 tháng

(khoahocdoisong.vn) - Theo số liệu mới công bố của IHS Markit, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3 của Việt Nam đã tăng lên 53,6 điểm so với 51,6 điểm trong tháng 2. PMI tăng cho thấy sức khỏe của lĩnh vực sản xuất đang cải thiện mạnh mẽ.

Theo IHS, trong tháng 3, các điều kiện kinh doanh đã cải thiện thành mức tốt nhất trong 27 tháng. Các dấu hiệu cải thiện nhu cầu khách hàng và thành công trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19 đã giúp hỗ trợ tăng số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng trong tháng 3. Số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng tháng thứ bảy liên tiếp, với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 7/2019. Trong một số trường hợp, khách hàng đã tăng quy mô đơn hàng trong tháng. Cũng có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu quốc tế đã cải thiện, từ đó số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài đã tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2018.

Theo đó, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng vào cuối quý 1. Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và xuất khẩu đều tăng đáng kể dẫn đến việc làm và hoạt động mua hàng tăng mạnh hơn. Đáng chú ý, niềm tin kinh doanh tăng thành mức cao của 20 tháng. Song, sự gián đoạn của chuỗi cung ứng tiếp tục ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất và làm tăng áp lực lạm phát. Chi phí đầu vào tăng nhanh nhất trong ba năm và giá cả đầu ra tăng nhanh nhất trong bốn năm.

Trong khi đó, sản xuất tăng nhanh hơn tháng 2, với tốc độ tăng đạt mức cao của 20 tháng, trong đó lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng dẫn đầu. Số lượng đơn đặt hàng mới và yêu cầu sản xuất tăng đã khuyến khích các nhà sản xuất tăng số lượng nhân viên và hoạt động mua hàng trong tháng 3.

Bên cạnh đó, những khó khăn trong việc mua nguyên vật liệu vẫn hiện hữu, khi mà thời gian giao hàng của nhà cung cấp tiếp tục bị kéo dài. Những vấn đề liên quan đến nhập khẩu hàng, tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu và thiếu container chở hàng đã góp phần làm kéo dài thời gian giao hàng. Tồn kho thành phẩm cũng tăng do nguyên nhân kết hợp của sản lượng tăng và những vấn đề liên quan đến chuyển hàng. Tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu, thường do đại dịch Covid-19, khiến chi phí đầu vào tăng mạnh nhanh hơn trong tháng 3.

Đặc biệt, giá thép tăng và chi phí nhập các mặt hàng từ Trung Quốc cũng tăng ở mức tăng nhanh nhất trong ba năm. Trong khi đó, giá cả đầu ra đã tăng mạnh trong hơn bốn năm khi các nhà sản xuất đã chuyển bớt gánh nặng chi phí sang cho khách hàng. Tâm lý kinh doanh đạt mức cao nhất kể từ tháng 7/2019 với gần một nửa số người trả lời khảo sát lạc quan về triển vọng sản lượng.

Theo Theo KH&ĐS
back to top