Phương pháp xem mạch để chẩn đoán bệnh

(khoahocdoisong.vn) -Xem mạch là một việc làm khoa học và tinh tế của Đông y. Việc xem mạch là để người thầy thuốc quyết đoán bệnh thuộc âm chứng hay dương chứng, hàn chứng hay nhiệt chứng, hư chứng hay thực chứng, bệnh đang ở phần biểu hay đã vào lý.

Kinh mạch là gì? Kinh mạch là đường mạch, còn gọi là huyết mạch, hình thành một hệ thống để vận chuyển khí và huyết dịch tuần hoàn trong cơ thể. Sự vận hành đó phải thông qua “tiên đạo” mới hoàn thành được. Phàm chỗ nào có kinh mạch thì chỗ đó có khí, huyết đến. Kinh mạch không chỉ là đường lưu thông của huyết dịch mà còn liên quan chặt chẽ đến hơi thở, một lần thở ra, một lần hít vào gọi là “Nhất tức” một nhịp thở. Kinh mạch làm nhiệm vụ vận chuyển khí huyết đi nuôi cơ thể nên phải đập liên tục, nhưng đập được liên tục là nhờ mạch chỉ. Mạch khí là một loại cơ năng của kinh mạch, nó nhờ sự cung cầu của thận khí. Thận khí là do tiên thiên và hậu thiên cấu thành. Vị khí thường phối hợp với dinh khí và vệ khí mà hình thành nhịp đập của mạch, ta gọi là “mạch khí”.

Tính chất của mạch khí thuộc về âm khí trong dương, vì khí thuộc dương, song mạch lại thuộc âm, mà khí lại tồn tại trong kinh mạch cho nên nó không phải là dương khí đơn thuần mà có một phần âm khí trong đó. Dinh khí và vệ khí được sinh ra do một phần khí của tỳ vị. Dinh khí tồn tại trong huyết dịch, cho nên dinh khí và âm huyết cùng tồn tại và vận hành trong kinh mạch. Vệ khí là dương khí ở bên ngoài kinh mạch, cho nên sự tác dụng của âm dương, trong ngoài là để duy trì sự hoạt động của mạch khí.

Mạch thốn khẩu

 Trong cơ thể có 12 kinh mạch, mỗi kinh mạch đều có vị trí để xem nhịp đập của kinh mạch.Mạch thốn khẩu là một kinh mạch quan trọng nhất. Nhưng tại sao chỉ xem mạch ở bộ vị của thốn khẩu? Vì thốn khẩu thuộc phủ thái âm phế kinh. Thủ thái âm phế kinh là kinh mạch thuộc tạng phế, phía trên từ cổ họng nối liền với phế là con đường chủ yếu hít thở không khí từ ngoài vào. Dinh khí, vệ khí và khí trời đều hội tụ ở phế (phế chủ khí). Vì vậy mà bộ vị thốn khẩu nơi kinh mạch của phế đi qua đều phản ánh sự bình thường hay sự suy yếu của tạng khí các kinh mạch.

Bộ vị này dài nhất, gồm một thốn chín phân mà ta thường gọi là đồng thân thốn (một thốn bằng một đốt giữa của ngón tay giữa) đó gọi là một thốn để làm thước đo cho mọi chiều dài của các kinh mạch trên toàn cơ thể con người. Còn khẩu có nghĩa là cái cửa ra vào của mạch khí, cho nên mới gọi là “thốn khẩu”. Ta thường gọi một lần thở ra, một lần hít vào của người bình thường là “một tấc”. Các sách xưa nói rằng, một ngày đêm (24 giờ) người bình thường thở ra hít vào một vạn ba ngàn năm trăm nhịp, huyết dịch đi trong đường kinh mạch một nhịp thở đi được sáu thốn. Như vậy huyết dịch chu du trong cơ thể của người một ngày đêm đi với độ dài khoảng tám trăm mười trượng (trượng là một loại thước đo ngày xưa). Ngày nay có máy đo chính xác thì một ngày đêm của người bình thường hô hấp khoảng hai vạn bốn ngàn, đến hai vạn sáu ngàn nhịp, một nhịp thở mạch đập bốn lần, nên về cơ bản những con số nói trên vẫn phù hợp với nhau.

TTND.BS cao cấp Nguyễn Xuân Hướng

Nguyên chủ tịch Trung ương hội Đông y Việt Nam

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top