Phương pháp tổng thể trị đau khớp khi chuyển mùa

(khoahocdoisong.vn) - Thời tiết thay đổi, nhiều người, đặc biệt là phụ nữ và người có tuổi, cảm thấy buồn mỏi, đau nhức ở các khớp. Việc điều trị nên thực hiện nhiều phương pháp kết hợp.

Theo y học cổ truyền, thời tiết thay đổi là điều kiện rất thuận lợi để các yếu tố gây bệnh (được gọi là tà khí) như phong, hàn, thử, thấp...xâm nhập và cơ thể, lưu đọng lại ở các khớp xương khiến kinh lạc bị trở trệ, khí huyết kém lưu thông mà phát sinh chứng đau mỏi…

Thuốc uống: Dùng 1 trong các bài sau:

- Cỏ xước 15g, xấu hổ 15g, ý dĩ 15g, thổ phục linh 20g, kê huyết đằng 15g, cam thảo 6g, quế chi 12g, độc hoạt 10g, rễ đinh lăng 15g, vỏ quýt 8g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

- Độc hoạt 10g, cốt khí củ 15g, cốt toái bổ 15g, dây đau xương 15g, cỏ xước 15g, cam thảo dây 6g, tỳ giải 12g, thiên niên kiện 8g, vỏ quýt 8g, hà thủ ô 12g, rễ đinh lăng 12g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

- Thổ phục linh 15g, uy linh tiên 12g, độc hoạt 8g, ngũ gia bì 15g, ké đầu ngựa 12g, hoàng kỳ 12g, xuyên khung 8g, cẩu tích 15g, cam thảo 6g, sinh khương 3 lát, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Thuốc bóp:

-  Khương hoạt 15g, độc hoạt 15g, quế chi 15g, tần giao 15g, đương quy 15g, dây đau xương 15g, nhũ hương 15g, một dược 15g, mộc hương 15g, tang chi 15g, tất cả tán vụn đem ngâm với 1500 ml rượu cao độ trong bình kín, sau 7 ngày thì dùng được.

- Hồng hoa 60, đào nhân 6g, nhũ hương 6g, đương quy 12g, sinh nam tinh 12g, sinh bán hạ 12g, sinh xuyên ô 9g, khương hoạt 9g, độc hoạt 9g, bạch giới tử 3g, băng phiến 3g, tế tân 4,5g, tạo giác 4,5g, tất cả tán vụn đem ngâm với 1000 ml rượu cao độ trong bình kín, sau 7 ngày thì dùng được.

- Đương quy 12g, độc hoạt 12g, khương hoạt 12g, thiên niên kiện 10g, hồng hoa 8g, tô mộc 12g, nhục quế 8g, tần giao 12g, huyết giác 12g, ngải diệp 6g, mộc qua 10g, tất cả tán vụn đem ngâm với 1000ml rượu cao độ trong bình kín, sau 7 ngày thì dùng được. Cả ba loại rượu xoa bóp này chỉ được dùng ngoài, không được uống.

Thuốc chườm

- Dùng ngải cứu tươi một nắm to, cắt đoạn dài chừng 2cm, muối ăn 1 bát đem rang cho đến khi hết tiếng nổ thì bỏ ngải cứu vào, đảo nhanh tay rồi đổ ra khăn ba lớp, bọc lại đem chườm vào các khớp đau mỏi, mỗi ngày 1 đến 2 lần. Cũng có thể dùng lá ngải đặt lên tấm gang hoặc viên gạch đã được nung nóng rồi dùng hơi thuốc xông các khớp hoặc nấu lấy nước ngâm rửa cùng với một vài thứ lá như xương sông, cỏ xước, lá lốt...

Trà thuốc

- Rễ cỏ xước 30g, kê huyết đằng 30g, hai vị tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 30 phút có thể dùng được, uống thay trà trong ngày.

- Sinh địa 50g, khương hoạt 30g, độc hoạt 30g, kê huyết đằng 40g, đương quy 30g, thiên ma 20g, ngưu tất 20g, tỳ giải 20g, tất cả sấy khô, tán vụn, mỗi ngày lấy 20-30g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 30 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

- Dâm dương hoắc 30g, uy linh tiên 30g, xuyên khung 30g, nhục quế 30g, kế đầu ngựa 30g, tất cả sấy khô, tán vụn, mỗi ngày lấy 20-30g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 30 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

BS Khánh Hiển  (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top