Phương án tiêm vaccine, xét nghiệm ở TP.HCM sau ngày 23/8

TP.HCM sẽ tổng lực thực hiện giãn cách, xét nghiệm theo kế hoạch. Về tiến độ tiêm vaccine, thành phố đặt mục tiêu đến 15/9, ít nhất 70% người dân được tiêm mũi 1 và 15% tiêm mũi 2.

Từ 0h ngày 23/8 đến hết ngày 6/9, TP.HCM quyết định tăng cường, nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo phương châm "ai ở đâu ở yên đó".

Tại họp báo chiều 21/8, Zing đặt câu hỏi về việc TP.HCM sẽ xét nghiệm và tiêm vaccine thế nào trong 15 ngày siết chặt giãn cách sắp tới.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết thành phố sẽ tổng lực thực hiện giãn cách, cố gắng xét nghiệm theo Kế hoạch 2716 mà thành phố đã ban hành.

Người dân có thể tự lấy mẫu tại nhà

Theo ông Nam, thành phố đang củng cố lại để thực hiện theo kế hoạch của UBND TP.HCM. Địa điểm tổ chức lấy mẫu phải phù hợp, có thể tổ chức tại nhà hoặc địa điểm thuận lợi. Nếu người dân có thể tự lấy mẫu thì nhân viên y tế cung cấp thiết bị để người dân tự làm, sau đó thu lại mẫu.

Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, trung tâm y tế nhận và chuyển mẫu vào các thời điểm 11h, 18h và 23h trong ngày, theo sự điều phối của Trung tâm Điều phối xét nghiệm.

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết Bộ Y tế đã bàn giao 10 xe xét nghiệm lưu động cho thành phố vào chiều 20/8. Các xe này sẽ được đưa đến khu vực, bệnh viện ở xa trung tâm, tránh tình trạng phải vận chuyển mẫu đến khu trung tâm, ví dụ như Củ Chi, Hóc Môn, TP Thủ Đức, quận 12, Cần Giờ, cũng như Nhà Bè.

TP.HCM to chuc tiem vaccine,  xet nghiem nhu the nao sau ngay 23/8? anh 1

TP.HCM tổ chức xét nghiệm hai lần trong 14 ngày để đánh giá mức độ vùng, thu hẹp phạm vi phong tỏa. Ảnh: Duy Hiệu.

Đối với việc xét nghiệm cộng đồng, tại các vùng bình thường mới (xanh và cận xanh) ngành y tế sẽ lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp rRT-PCR mẫu gộp (10) đại diện hộ gia đình tại các tổ dân phố, tổ nhân dân thuộc "vùng xanh" và "cận xanh", tần suất 2 lần, cách nhau 7 ngày.

Khu vực được xem là "vùng xanh" dựa vào tiêu chí xét nghiệm và các điều kiện: Không có trường hợp dương tính sau 2 lần xét nghiệm hoặc có F0 nhưng nồng độ virus thấp, ít lây lan; tỷ lệ tiêm chủng đạt 50% đối với nhóm người trên 18 tuổi; có khả năng đảm bảo thực hiện giãn cách trong cộng đồng.

Tại các vùng nguy cơ - "vùng vàng", ngành y tế thực hiện xét nghiệm theo nguyên tắc "ngẫu nhiên, có trọng điểm" bằng phương pháp rRT-PCR mẫu gộp (5) đại diện hộ gia đình, từng bước tiến đến xét nghiệm đại diện toàn bộ các hộ gia đình để chuyển "vùng vàng" thành "vùng xanh".

Riêng các khu phong tỏa, ngành y tế tổ chức xét nghiệm để thu gọn phạm vi, biến khu phong tỏa thành điểm phong tỏa. Thực hiện xét nghiệm gộp mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên theo hộ gia đình. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, sẽ giải gộp bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên và hướng dẫn cách ly, chăm sóc, xét nghiệm và điều trị theo quy định.

Trường hợp âm tính có thể gỡ phong tỏa nếu đủ điều kiện và tiếp tục theo dõi thực hiện xét nghiệm lại khi phát hiện ca nghi nhiễm nCoV. Đối với các khu vực vẫn tiếp tục phong tỏa sẽ tổ chức xét nghiệm lại sau 5-7 ngày để tiếp tục thu hẹp thành điểm phong tỏa, tiến tới gỡ phong tỏa khi đủ điều kiện.

Với nơi ngoài khu vực phong tỏa, cơ quan y tế thực hiện xét nghiệm rRT-PCR mẫu đơn người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm nCoV. Tùy điều kiện thực tế, thực hiện giám sát ngẫu nhiên ở địa bàn dân cư có nhiều yếu tố lây nhiễm theo phương pháp rRT-PCR mẫu gộp hộ gia đình hoặc xét nghiệm nhanh.

140.000 người trên 65 tuổi chưa được tiêm vaccine

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết qua thống kê của các địa phương và bệnh viện, TP.HCM có hơn 650.000 người trên 65 tuổi. Thành phố đã tiêm cho 517.318 người thuộc nhóm này và còn khoảng 140.000 người chưa tiêm. Các quận, huyện đang tích cực để tiêm hết.

Đến chiều 20/8, thành phố có 148.000 người tiêm mũi 2. Đối với công tác tiêm chủng nói chung, tính đến chiều 20/8, TP đã tiêm hơn 5,2 triệu mũi. Nếu tính số lượng người trên 18 tuổi là 7 triệu thì TP.HCM đã đạt 75%. Tuy nhiên, nếu tính cả những trường hợp tạm trú thì tỷ lệ này chỉ trên 50%.

Ông Nam cho biết mục tiêu là tất cả người sống trên địa bàn thành phố đều tiếp cận được vaccine. Thành phố đang tăng tốc để đạt mục tiêu đến 15/9, tối thiểu 70% người dân được tiêm mũi 1 và 15% người dân được tiêm mũi 2.

TP.HCM hiện có 8 quận, huyện cơ bản hoàn thành mục tiêu bao phủ vaccine mũi 1 cho 80% người dân trên 18 tuổi, gồm quận 1, Phú Nhuận, huyện Cần Giờ, quận 11, quận 5, quận 6, quận 7 và TP Thủ Đức.

TP.HCM to chuc tiem vaccine,  xet nghiem nhu the nao sau ngay 23/8? anh 2

TP.HCM đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng 140.000 người trên 65 tuổi còn lại trong thời gian siết chặt giãn cách. Ảnh: Quỳnh Danh.

Các quận, huyện có tiến độ chậm nhất hiện nay là Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Tân Phú, Nhà Bè với tỷ lệ bao phủ mũi 1 dưới 50%.

Theo Bộ Y tế, TP.HCM đang là địa phương được phân bổ vaccine nhiều nhất với hơn 5,5 triệu liều (bao gồm cả số lượng vaccine phân bổ cho các viện, bệnh viện, đơn vị Trung ương trên địa bàn). Thành phố đã tiêm hết 96,19% số vaccine Covid-19 được phân bổ.

Tỷ lệ phân bổ vaccine đối với dân số từ 18 tuổi trở lên đạt 39,48%. Hiện, 4 loại vaccine được tiêm chủng tại TP là AstraZeneca, Moderna, Pfizer và Vero Cell. Tất cả đều đến từ nguồn của Bộ Y tế cấp và phê duyệt, kiểm định chất lượng.

Thống kê từ Sở Y tế TP.HCM cho thấy đến 16h ngày 20/8, hơn 5,29 triệu người dân từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm vaccine Covid-19. Trong đó, 177.018 người tiêm đủ 2 mũi. Tất cả đều an toàn.

Theo zingnews.vn
Sơ cấp cứu đúng cách cứu sống trẻ bị chó tấn công

Sơ cứu đúng cách khi trẻ bị chó cắn

Chó cắn là một trong những tai nạn phổ biến, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Nếu không được xử lý vết thương đúng cách và tiêm huyết thanh, vắc xin dại kịp thời, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Bí ẩn "tam giác quỷ" Alaska

Bí ẩn "tam giác quỷ" Alaska

Gây nên hàng loạt vụ mất tích của hàng chục nghìn người mà không để lại dấu vết nào, vùng tam giác Alaska còn bí ẩn và đáng sợ hơn tam giác quỷ Bermuda.
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
back to top