Phùng Khắc Khoan- trạng của dân- kỳ 3: Tài đi sứ

i sứ trong giai đoạn tình hình bang giao giữa nhà Lê và nhà Minh đang cực kỳ căng thẳng, Phùng Khắc Khoan đã thể hiện bản lĩnh và tài năng của một trí thức, khiến vua quan nhà Minh cũng như sứ thần các nước phải khâm phục.

Dâng người vàng không cúi đầu

Một kì tích ngoại giao trong lần đi sứ này của Phùng là dâng mẫu người vàng không cúi đầu. Tục là, nhà Minh bắt triều Mạc phải dâng người vàng cao 1 thước 2 tấc, nặng 10 cân ta với dáng cúi đầu vẻ như thần phục hay chịu tội. Phùng Khắc Khoan đem theo cống vật và người vàng nhưng đầu không cúi mà nhìn thẳng.

Bộ Lễ nhà Minh gây khó dễ, không cho sứ bộ vào chầu vua. Phùng Khắc Khoan cãi: “Nhà Mạc cướp ngôi danh nghĩa là nghịch, nhà Lê khôi phục lại danh nghĩa là thuận. Nhà Mạc dâng người vàng cúi đầu thay mình đã là may mắn. Nay lại bắt nhà Lê theo lệ nhà Mạc thì chính làm việc nghịch đó”. Trước tài biện bác của Phùng Khắc Khoan, nhà Minh đành phải chấp nhận.

Việc phong vương tuy chưa đạt được, (vua Minh chỉ phong cho vua Lê chức Đồng Thống), song là một thắng lợi vì từ đây, vua quan nhà Minh phải coi nhà Lê chính thống, không còn danh nghĩa gì để giúp quân Mạc và ông đã làm cho triều Minh phải trọng vọng, các quan lại trong triều phải nể phục sứ thần Đại Việt.

Sứ thần Triều Tiên là Lý Chi Phong đã miêu tả trong sách “ Hậu chí” rằng: Sứ thần họ Phùng tên là Khắc Khoan, tự hiệu là Nghi Trai, tuổi ngoại 70, hình dáng lạ lùng, răng nhuộm đen, tóc vận thành búi, áo dài, ống tay rộng. Khăn đội trên đầu thì lấy cả khổ vải đen trùm lên đầu như dáng khăn ông sư, để một nửa rủ về đằng sau xuống quá vai. Ông họ Phùng, người tuy đã già, sức còn khoẻ, thường đọc sách, viết sách luôn luôn”.

Bàn về việc đi sứ, Lê Quý Đôn viết: Phùng Khắc Khoan phụng mệnh đi sứ, tuổi đã ngoài 70, không những biện bạch, quang minh chính đại, đạo đạt được mệnh lệnh của vua, làm mạnh mẽ được thể chế trong nước, đến như 30 vần thơ dâng mừng khánh tiết và hơn 10 vần thơ đáp lại Chánh phó sứ  nước Triều Tiên, Nhật Bản tài tứ chứa chan, cách điệu tươi đẹp y như lúc trẻ tuổi. Như thế chả phải là được linh khí núi sông giúp đỡ đấy ư ?”

Còn chúa Trịnh Tùng rất kính trọng gọi ông là “Phùng tiên sinh” mà không gọi tên và người trong nước đều gọi ông là Trạng Nguyên.

Phùng Khắc Khoan có phải là em Nguyễn Bỉnh Khiêm?

Mộ phần Phùng Khắc Khoan tại Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội

Tương truyền ông là em cùng mẹ khác cha với Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Số là, bà Nhữ Thị Thục mẹ Nguyễn Bỉnh Khiêm, con gái Hộ bộ Thượng thư Nhữ Văn Lân, là bậc nữ lưu tài hoa vào bậc nhất trốn kinh kỳ thời bấy giờ. Bà giỏi văn chương và lý số, có ước vọng lấy chồng làm vua hoặc có con làm vua.

Nhưng do bất bình với ông Nguyễn Văn Định, cha của Nguyễn Bỉnh Khiêm, bà đã bỏ đi, sau đó bà Thục lấy một người họ Phùng và sinh ra Phùng Khắc Khoan, tức trạng Bùng.

Sau chính Phùng Khắc Khoan trở thành học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm (về vấn đề này các nhà nghiên cứu đã có rất nhiều ý kiến bàn cãi và cho đến nay, các ý kiến đều cho rằng đây chỉ là giai thoại.

Một trong những điểm cơ bản làm cơ sở cho kết luận này là khảo sát năm sinh của hai vị tiên tổ. Nếu cho rằng Phùng Khắc Khoan là em Nguyễn Bỉnh Khiêm thì khó chấp nhận được vì Phùng kém Nguyễn tới 37 tuổi. Vậy khi sinh Phùng, bà mẹ này phải có số tuổi là 37 cộng với tuổi sinh đẻ của người phụ nữ Việt Nam: Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), Phùng Khắc Khoan (1528-1613).

Ghi nhận công đức của Phùng Khắc Khoan, dân Phùng Xá đã lập đền thờ ông làm thành hoàng; Hà Nội có phố và Thành phố Hồ Chí Minh có đường Phùng Khắc Khoan.

          TS Nguyễn Thành Hữu

Theo Đời sống
back to top