Phục linh, hay còn gọi là bạch phục linh có tên khoa học Poria cocos Wolf họ nấm lỗ Polyporaceae. Phục linh là loại nấm có thể quả lớn, kí sinh hoặc hoại sinh trên rễ cây thông. Nấm mang hình khối to nhỏ, không đều, có thể nặng tới 5kg. Loại nhỏ to bằng nắm tay. Mặt ngoài vỏ phục linh màu nâu đen, xù xì, mặt cắt bên trong lổn nhổn chứa các khuẩn ty, bào tử, cuống đảm tử.
Phục linh được chia thành 3 loại chính: Phục linh bì - Vỏ ngoài của “củ” phục linh; Xích phục linh - Lớp thứ hai sau phần vỏ, màu nâu hồng hoặc nâu nhạt. Bạch phục linh - Là phần bên trong, màu trắng.
Các thành phần hoạt chất chính có trong phục linh là β – pachyman – một polysacharid có tính kháng ung thư mạnh, các hợp chất triterpene (acid pachymic), ergosterol, cholin, histidine…
Theo Đông y, phục linh có vị ngọt nhạt, tính bình, có tác dụng lợi thủy, thẩm thấp, kiện tỳ, bổ tỳ vị, đại tiện phân lỏng, dưỡng tâm, an thần. Phục linh được dùng để chữa bệnh trong nhiều trường hợp. Mỗi bộ phận của bạch linh đều có tác dụng rất riêng biệt.
Xích phục linh có tác dụng hành thủy, lợi thấp nhiệt. Phục linh bì tác dụng thiên về lợi tiểu, chống phù. Bạch phục linh ngoài lợi thủy trừ thấp còn có tác dụng bổ tỳ, chữa bụng đầy trướng, tiêu chảy, tỳ hư, kém ăn, thuốc bổ toàn thân chữa suy nhược, hoa mắt, di mộng tinh, an thần, chữa hồi hộp, mất ngủ, tinh thần suy nhược. Vì vậy, phục linh dùng tốt trong các trường hợp kém ăn, khó tiêu hóa trong nhiều chứng bệnh, trong đó có chứng táo bón lâu ngày, táo bón chảy máu.
Trong điều trị về viêm cầu thận cấp, phù nhẹ dùng bài Ngủ bì ẩm gia giảm: Tang bạch bì 16g, Trần bì 12g, Sinh khương bì 12g, đại phúc bì 16g, Phục linh bì 16g. Gia giảm: Địa cốt bì 12g, Trư linh 12g, Bạch truật 12g, Trạch tả 12g, Kim ngân hoa 20g.
BS Dư Quang Châu (Chủ tịch Chi hội Giáo dục Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng TCLT)