Phục hồi kinh tế thời Covid-19: Thừa tiền, nhưng "nghẹn" vì... chính sách

(khoahocdoisong.vn) - Để ứng phó với cú sốc từ đại dịch Covid-19, nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được ban hành, với kỳ vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ này đang có vấn đề về tiến độ, hiệu quả chưa cao.

Không như kỳ vọng

Tại hội thảo "Dịch Covid-19: Ảnh hưởng và triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam" diễn ra gần đây, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế T.Ư nhận định, các gói chính sách kinh tế hiện nay của Chính phủ là khá toàn diện, nhưng đang vấp phải một số vấn đề bất cập về rào cản thủ tục, điều kiện. Khiến cho tiến độ thực hiện bị chậm trễ, làm mất đi tính kịp thời và hiệu quả.

Ông Tú Anh cho biết, đã 3 tháng qua, gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng cho người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc vẫn chưa giải ngân được một đồng nào. Khả năng cao gói cho vay này sẽ bị trả lại NHNN theo quy định.

Với gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, tính đến hết tháng 6 cũng mới chỉ giải ngân được 18,2%. Trong đó, số lao động nghỉ việc không lương được nhận hỗ trợ chiếm khoảng 1,6%. Số cá thể, hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm được hỗ trợ chiếm 0,9%. Tỷ lệ người lao động bị chấm dứt hợp đồng nhưng chưa đủ điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ này là 3,3%.

Có thể thấy rằng, Chính phủ đã tiên lượng, nắm bắt được tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc đánh giá chưa chính xác nên các chính sách đưa ra cũng chưa mang lại kết quả như kỳ vọng.

Đối với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Nghị quyết 84 mới được ban hành ngày 29/5. Đây là Nghị quyết rất toàn diện về hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Nếu các giải pháp trong Nghị quyết được thực hiện tốt, sẽ tác động rất lớn tới cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ - những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch.

"Nhưng theo thống kê tính đến đầu tháng 7, vẫn còn nhiều tỉnh, cơ quan đặc biệt là cơ quan cấp Trung ương chưa có kế hoạch hành động để thực hiện Nghị quyết này" - ông Tú Anh quan ngại.

Về dư địa để ban hành thêm chính sách hỗ trợ, ông Tú Anh cho rằng, Việt Nam hiện nay có thể dựa vào dòng vốn của Nhà nước đã tích luỹ được từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn lực này cho đến nay lại không được tốt.

Qua nửa đầu năm, đầu tư công mới giải ngân được 25% so với kế hoạch đề ra. Nguồn vốn đầu tư công chiếm khoảng 10,7% tổng giá trị GDP. Hệ luỵ từ việc chậm giải ngân vốn đầu tư công được ví như “nút thắt cổ chai” đối với nền kinh tế hiện nay, khi mà nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất, kích thích nền kinh tế hồi phục là phải ưu tiên hàng đầu.

“Chúng ta có chính sách, nhưng chưa hiệu quả, có thể do cú hích của Covid-19 quá mạnh, đỡ được như thế là tốt lắm rồi. Song, tôi nghĩ Nhà nước cần có những giải pháp hợp lý hơn, đó là đầu tư công nên tập trung vào phát triển cộng đồng, tạo thêm việc làm. Như vậy sẽ tốt hơn nhiều so với việc “đưa tiền” cho người dân” - ông Tú Anh nói.

Thiếu đồng bộ 

Đồng tình với quan điểm của ông Tú Anh, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, chính sách hỗ trợ kinh tế là phải ưu tiên bảo vệ việc làm, hỗ trợ người lao động.

Chính phủ không những phải hành động nhanh, mà cần có sự phối hợp tốt hơn nữa giữa các cơ quan với nhau, giữa Chính quyền Trung ương với địa phương và tương tác giữa Nhà nước với dân.

“Thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước là một căn bệnh trầm kha của Việt Nam lâu nay. Thậm chí, Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, Nghị định Chính phủ, Thông tư đưa ra nhưng khi thực hiện nhiều khi bị méo mó và kém hiệu quả do thiếu sự đồng bộ” - bà Chi Lan nhận xét.

Theo chuyên gia kinh tế này, các chính sách về hỗ trợ hiện nay không được thực hiện tới nơi tới chốn do thiếu sự phối hợp giữa các địa phương, ban ngành. Riêng chuyện phối hợp trong các thủ tục đã rất “lủng củng”, kéo dài, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Nếu tình trạng “lủng củng” này không được khắc phục thì việc ứng phó với cú sốc kinh tế sẽ rất khó khăn, chưa nói đến phục hồi.

Theo bà Chi Lan, không hiểu tại sao thời điểm cần tăng cường khôi phục du lịch nội địa thì Nhà nước lại tập trung sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng Hàng không, gây tắc nghẽn cục bộ. Trong khi cả mấy tháng trước, tiền có, người có, kế hoạch từ năm trước, sân bay để trống, máy bay “nằm chết” thì không ai sửa? Điều này thể hiện rõ rệt sự thiếu đồng bộ giữa các cơ quan. Hậu quả không chỉ gây lãng phí mà còn gây tổn hại lớn về kinh tế và xã hội, là một trong những nguyên nhân làm thất bại chính sách kinh tế.

Ngoài ra, việc thực hiện các chính sách chưa đảm bảo được tính minh bạch, công khai, chưa phản ánh được đúng tâm tư và nguyện vọng của người dân. Tiến độ chậm trễ, thậm chí không thực hiện được. Cho vay lãi suất thấp nhưng doanh nghiệp cần được cứu lại không đáp ứng đủ điều kiện để tiếp cận.

Kiến nghị về các chính sách phát triển tiếp theo, bà Chi Lan mong muốn Chính phủ quan tâm đến những việc mang tính chất trung hạn và dài hạn hơn nữa. Bên cạnh việc khắc phục tình hình kinh tế trước mắt, Nhà nước cũng cần tính đến những quãng đường xa hơn. Với những ngành có khả năng phục hồi, nên đẩy mạnh hỗ trợ. Với những lĩnh vực khó phục hồi được về trạng thái ban đầu thì cần có giải pháp phù hợp, tránh phục hồi một cách thái quá, để sau này lại dư thừa trong sản xuất, gây lãng phí.

Ngoài ra, cũng cần ưu tiên những ngành gắn liền với số phận của người lao động. Ví dụ như dệt may và giày da, đây là những ngành đang xuất khẩu và sử dụng lao động nhiều nhất, đặc biệt là nhiều lao động nữ. Hầu hết họ là những lao động không có tay nghề cao, khó khăn để tìm công việc khác thay thế. Nếu ngành này bị thu hẹp, thì cần phải tính toán và có những giải pháp phù hợp để hỗ trợ họ.  

Theo Đời sống
Loạn giá vòng tay trầm hương

Loạn giá vòng tay trầm hương

Gỗ trầm hương được cho là nằm trong “Tứ đại hương mộc” của Việt Nam. Nắm bắt được tâm lý và nhu cầu sử dụng ngày càng cao trên thị trường, đã có rất nhiều sản phẩm nhái, hàng kém chất lượng được bày bán tràn lan.
back to top