Phục hồi kinh tế ở TPHCM: Trở ngại vì giá hàng hóa “nhảy múa”

Theo các chuyên gia, quá trình phục hồi kinh tế của TPHCM đứng trước nhiều thách thức do xăng dầu và nhiều mặt hàng tăng giá mạnh.

Người dân cân nhắc chi tiêu

Chị Hồng Luynh (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết, mức chi tiêu của gia đình chị đã tăng hơn 20% trong tháng qua do nhiều mặt hàng tăng giá bán.

Chị Luynh dẫn chứng, trước thời điểm dịch bùng phát, một tô phở ở quán gần nhà chỉ 35.000đ thì nay đã tăng 45.000đ.

Tương tự, bình gas 12kg cũng tăng từ 345.000đ lên 515.000đ. Giá các mặt hàng thực phẩm cũng tăng cao, chi phí tiền chợ tăng 600.000đ mỗi tuần.

“Từ khi giá gas tăng, gia đình tôi chuyển sang dùng bếp điện từ, việc ăn uống ở hàng quán cũng hạn chế để tiết kiệm chi tiêu”, chị Luynh chia sẻ.

Chị Hạnh (có con nhỏ 17 tháng tuổi, ngụ quận 10, TPHCM) khá lo lắng khi hầu hết các loại sữa nhập khẩu cho bé tăng từ 10.000 - 15.000đ mỗi hộp.

“Mình người lớn, ăn uống nhín nhịn cũng không sao chứ con nhỏ không có sữa là không được” - chị Hạnh nói.

Chị cho biết, tổng thu nhập của hai vợ chồng chỉ 12 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng chi tiền thuê nhà 3,5 triệu đồng, tiền gửi bé mỗi tháng hết 4 triệu đồng, tiền sữa hết gần 1,4 triệu đồng, tiền điện nước cũng hết 600.000đ. Số tiền còn lại phải gói ghém để chi tiêu trong tháng.

Chị Nga, chuyên bán thực phẩm ở quận Tân Bình cho biết, giá thực phẩm tươi sống, rau xanh đang tăng 5 - 20%. Đặc biệt, dầu ăn phải liên tục điều chỉnh giá bán.

"Hiện nay, nhiều mặt hàng dầu ăn đã tăng 3.000 - 5.000đ/lít so với hồi tháng 5/2021. Một số đầu mối cung cấp đang báo 2 tuần nữa giá dầu sẽ tăng thêm 1.000 - 2.000đ mỗi lít" - chị Nga cho biết.

Ông Võ Thanh Lộc, Giám đốc Marketing Chuỗi cửa hàng thực phẩm Farmers Market thông tin, các nhà sản xuất, nhập khẩu đã tăng giá hàng hóa từ giữa cuối tháng 10, đầu tháng 11. Cụ thể, giá tăng 5 - 15%, có một số sản phẩm tăng đột biến đến 30%. Do đó, đại diện Farmers Market dự báo giá hàng hoá có thể tăng cao trong thời gian tới, đặc biệt là vào dịp Tết năm nay, khi nhu cầu thị trường tăng cao.

anh-1-5-.jpg

Việc giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng tới giá cả các mặt hàng khác trong thời gian tới.

Tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế

Phân tích rõ hơn về tác động của giá xăng dầu, PGS.TS Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, hiện có 5 ngành chịu ảnh hưởng lớn, tác động nhanh và trực tiếp từ giá xăng dầu tăng.

Cụ thể, các ngành dịch vụ vận chuyển, lưu trữ và bưu chính với 97,2% cơ cấu ngành, dịch vụ lưu trú và ăn uống 94,3%, thủy sản 88,7% trực tiếp, dịch vụ khí đốt, cấp thoát nước và chất thải 88,2% và dịch vụ vận tải, kho bãi 86,8%.

Giá xăng dầu tăng sẽ tác động vào giá thành các sản phẩm, dịch vụ, do xăng dầu là sản phẩm đầu vào quan trọng nhất của các ngành này.

5 nhóm ngành chịu tác động mạnh ở vòng sau, gồm: Sản xuất kim loại chịu tác động gián tiếp tới 95,9%; sản xuất thực phẩm, đồ uống 94%; hóa chất, hóa dược và dược liệu, cao su 91%, sản xuất xe có động cơ 89% và khai khoáng 70,5%.

Đây là những ngành sử dụng sản phẩm đầu vào từ những ngành khác nhiều nên tác động của việc tăng giá xăng sẽ mạnh từ chu kỳ tiếp sau đó.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hồng Nga, Trưởng Bộ phận môn Kinh tế học (Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, xăng dầu là đầu vào quan trọng của nền kinh tế, chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế Việt Nam.

Theo tính toán, giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm cho GDP của nền kinh tế giảm 0,5%.

Giá xăng dầu từ đầu năm 2021 đến nay đã tăng bình quân khoảng 45%, dẫn tới GRDP của TPHCM giảm 2,25%. Đó là chưa tính tới bối cảnh thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.

Mặt khác, chi tiêu của hộ gia đình cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng. Do đó, khi giá xăng dầu tăng cao, các hộ gia đình sẽ thay đổi và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế và tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Đại diện Sở Công Thương TPHCM cho hay, giá xăng dầu trong nước tăng theo biến động trên toàn thế giới và đó là một trong những yếu tố sẽ làm giá hàng hóa tăng theo.

Việc cân nhắc, sử dụng quỹ bình ổn giá như thế nào sẽ do liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định. Tuy nhiên, sở cũng nhìn nhận giá năng lượng là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất nên cần phải được ổn định.

“Sở đang bàn thảo một số giải pháp để đảm bảo bình ổn giá hàng hóa từ nay đến cuối năm. Trong đó, sẽ có kiến nghị với Bộ Công Thương sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để ổn định hoặc giảm giá sản phẩm này từ nay đến cuối năm” - bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM nói.

Theo Đời sống
back to top