Phục hồi du lịch Việt Nam cần định hướng mới, hành động mới

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cho rằng, phục hồi du lịch như mốc năm 2019 là nhiệm vụ và thách thức đối với du lịch Việt Nam trong thời gian tới, đòi hỏi phải có định hướng mới, hành động mới cho phù hợp với tình hình mới.
nguyen-trung-khanh.jpg
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ về xu thế du lịch toàn cầu và các định hướng cơ bản của chương trình khôi phục, phát triển du lịch Việt Nam.

Thách thức đối với ngành du lịch

Ngày 1/4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch và Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch phối hợp tổ chức Diễn đàn Du lịch Việt Nam với chủ đề “Phục hồi du lịch Việt Nam - Định hướng mới, hành động mới”. 

Theo các chuyên gia du lịch tham dự diễn đàn, đại dịch Covid-19 đã làm cho ngành Du lịch cùng nhiều ngành kinh tế khác bị thiệt hại nặng nề trong suốt 2 năm qua. Cũng như việc phục hồi kinh tế xã hội của đất nước sau đại dịch, việc phục hồi cơ sở vật chất kỹ thuật trong ngành Du lịch, phục hồi các sản phẩm, dịch vụ du lịch và nguồn nhân lực trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch đòi hỏi sự nỗ lực, thời gian lâu dài cũng như sự đầu tư lớn của toàn ngành.

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), ngành Du lịch toàn cầu sẽ cần từ 3-4 năm để có thể phục hội lại hoạt động như mốc năm 2019. Đây cũng là nhiệm vụ và thách thức đối với du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

Đại diện cho ngành du lịch, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt kêu gọi các nhà khoa học, các chuyên gia, đặc biệt chú trọng vào các định hướng mới cho Du lịch Việt Nam thời gian tới như các định hướng về chính sách, định hướng về đầu tư, về sản phẩm và thị trường, định hướng về huy động nguồn lực và phát triển nguồn nhân lực. Đây là các điều kiện quan trọng cho việc phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, song song với tìm các giải pháp cốt lõi, lâu dài, phải có giải pháp trước mắt để phục hồi ngành du lịch nhanh nhất trong điều kiện bình thường mới. Đưa ra những kiến nghị, đề xuất cụ thể đối với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, các cơ quan quản lý du lịch các cấp để có thể nhanh chóng hành động, triển khai thực hiện các giải pháp cho việc phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

Thị hiếu du lịch thay đổi

Nhận định về thị trường thế giới, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, năm 2022 có xu hướng tăng lên về nhu cầu sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch xanh, du lịch sinh thái, nhu cầu về du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc sức khỏe.

Đặc biệt, nhu cầu về phục hồi sức khỏe và du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch chữa bệnh sẽ tăng lên trong năm 2022 và những năm tiếp theo do các triệu chứng hậu COVID-19. Theo Global Data, đây là thị trường khách du lịch có tốc độ phục hồi nhanh nhất và có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2022 với số lượng khách du lịch chữa bệnh bằng năm 2019. Một số quốc gia trên thế giới đã nhanh chóng xúc tiến quảng bá ngay các sản phẩm du lịch này.

Về hành vi tiêu dùng của khách du lịch, theo ông Nguyễn Trùng Khánh, xu hướng lựa chọn các điểm đến du lịch an toàn, du lịch xanh, du lịch sinh thái và các điểm nghỉ dưỡng cách biệt tăng lên sau đại dịch. Xu hướng đi du lịch đến các điểm đến gần, đi theo nhóm nhỏ hoặc nhóm gia đình tiếp tục là lựa chọn của nhiều khách du lịch trong năm 2022.

Nghiên cứu của Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới (WTTC) cũng cho thấy, 80% khách du lịch đặt phòng và dịch vụ du lịch trong vòng 2 tuần trước chuyến đi, ngắn hơn nhiều so với trung bình 36 ngày ở thời điểm năm 2019. Xu hướng "staycation" (du lịch gần nhà) được ưa chuộng trong năm 2021 và sẽ tiếp tục phổ biến trong trong năm 2022. Đối với các chuyến đi đến các điểm đến xa, khách có xu hướng lựa chọn ít điểm hơn trong một chuyến đi và thời gian lưu trú cũng dài hơn trong một điểm đến.

staycation-la-gi-5.jpg
Xu hướng "staycation" được ưa chuộng.

Trong bối cảnh COVID-19, nhiều ứng dụng công nghệ được tăng cường triển khai trong kinh doanh và quản lý du lịch.

Thời gian qua, nhiều ứng dụng đã được sử dụng để quảng bá và bán sản phẩm du lịch, tăng trải nghiệm của khách du lịch đối với các sản phẩm, dịch vụ và điểm đến du lịch như công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) giúp khách hàng trải nghiệm các điểm đến trước chuyến du lịch.

Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo (AI), robot, các dịch vụ không chạm cũng được sử dụng triệt để trong việc quản lý và phục vụ khách hàng của doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý du lịch cũng đang tận dụng các ưu thế của công nghệ thông tin để đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý du lịch, tạo ra các ứng dụng di động về du lịch an toàn, về hộ chiếu vaccine điện tử...

Cần có những định hướng mới

Với việc mở cửa du lịch hoàn toàn, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, cần có những định hướng về thị trường, sản phẩm, xúc tiến, quảng bá, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực… một cách cụ thể.

Ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, về thị trường, trước mắt, du lịch Việt Nam cần tập trung khai thác tốt các thị trường truyền thống, các thị trường đã phục hồi kết nối hàng không và khôi phục chính sách visa như trước đại dịch, các thị trường đã cho phép công dân đi du lịch nước ngoài.

Một số thị trường cụ thể tại Đông Bắc Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), chuẩn bị kế hoạch xúc tiến thị trường Trung Quốc khi điều kiện cho phép; thị trường Nga, các thị trường Tây Âu và Bắc Âu đã được miễn visa đơn phương; thị trường Australia, Newzealand và thị trường Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, Bắc Mỹ, Trung Đông và Ấn Độ cũng là các thị trường đã hầu như mở hoàn toàn đối với du lịch quốc tế. Tuy nhiên, việc kết nối đường bay cần thời gian để phục hồi và phát triển.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng định hướng rằng, du lịch Việt Nam có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh như du lịch nghỉ dưỡng biển dài ngày với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đạt tiêu chuẩn quốc tế, du lịch golf, du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc, phục hồi sức khỏe về thể chất và tinh thần sau COVID-19, sử dụng các dược liệu và các liệu pháp điều trị theo y học cổ truyền dân tộc.

Ông Nguyễn Trùng Khánh đề nghị, trong thời gian tới, các địa phương, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý điểm đến tiếp tục đẩy mạnh hoạt động E-marketing để phát huy tối đa hiệu quả cho việc phục hồi và phát triển du lịch. Du lịch cần tích cực chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ để phục hồi du lịch trong bối cảnh đại dịch.

Theo Đời sống
back to top