Phú Yên - trấn biên của sự nghiệp Nam tiến - kỳ 2: Vai trò trọng yếu trong lịch sử

(khoahocdoisong.vn) - Vai trò trọng yếu trong lịch sử của Phú Yên trong 69 năm (1629- 1698) đã góp phần xuất sắc vào sự nghiệp Nam tiến vĩ đại của dân tộc.

Thi hành nhiệm vụ an ninh trên phần lãnh thổ nội thuộc

Đại Nam thực lục thể hiện rõ, trong thời gian 69 năm tồn tại từ năm Kỷ Tỵ (1629) đến năm Mậu Dần (1698- thời điểm thành lập phủ Gia Định với hai huyện Phước Long và Tân Bình có cương vực rất rộng, tương ứng với ngày nay gồm các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, TP HCM và Long An) dinh trấn biên tiến hành hai chiến dịch quan trong vào phần đất phía Nam để khẳng định cuộc Nam tiến.

Chiến dịch lần thứ nhất, Thực lục ghi: "Tháng 6 năm Mậu Tuất (1658) vua Chân Lạp Nạc Ông Chân xâm lấn biên thùy. Dinh trấn biên (Phú Yên) báo lên, chúa Hiền sai phó dinh trấn biên Tôn Thất Yến cùng cai đội Xuân Thắng, tham mưu Minh Lộc đem 3000 quân đến Mỗi Xuy- tên Việt là Hưng Phước (nay thuộc Long Điền tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) đánh phá bắt được Nạc Ông Chân đưa về.

Chúa tha tội và đưa người hộ tống về nước. Khiến làm phiên thần, hàng năm nộp cống". Phó tướng Tôn Thất Yến hành quân vào Mỗi Xuy là thi hành nhiệm vụ an ninh trật tự trên phần lãnh thổ nội thuộc, dầu chưa chính thức đặt thành phủ huyện.

Chiến dịch thứ hai, diễn ra năm Mậu Thân (1668) hai tướng cũ nhà Minh là Trần Thương Xuyên và Dương Ngạn Địch thần phục chúa Nguyễn, được chúa cử vào khai khẩn vùng biên cảnh. Tháng giêng năm Kỷ Mùi (1679) hai tướng nhà Minh bị phó tướng Hoàng Tiến mưu phản. Chúa Ngãi Nguyễn Phúc Trăn cử Mai Vạn Long (tướng trấn biên Phú Yên) làm thống binh vào đánh tan và đóng quân lại đó.

Vai trò trọng yếu trong lịch sử

Tháng hai năm Mậu Dần (1698) chúa Minh Nguyễn Phúc Chu cử Chương cơ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược lập phủ Gia Định.

Trong 69 năm đóng vai trấn biên (1629- 1698), dinh trấn biên Phú Yên đã đóng góp sức người, sức của bảo vệ và xây dựng vùng biên cảnh Mỗi Xuy và cả Đồng Nai- Gia Định, đưa nhiều lưu dân vào khai phá vùng đất mới, hình thành làng mạc góp phần xuất sắc vào sự nghiệp Nam tiến vĩ đại của dân tộc.

Trong thế kỷ XVII-XVIII, phủ Phú Yên còn đảm nhiệm vai trò thống quản vùng đất rộng lớn ở thượng nguyên phía Tây. Với vai trò và chính sách "nhu viễn" các chúa Nguyễn công nhận các tù trưởng Hỏa Xá, Thủy Xá tự trị như một tiểu quốc trong lòng lãnh thổ nước ta. Đó là chính sách tiến bộ, mềm dẻo và khôn ngoan.

Chúa cử sứ thần từ Phú Yên đến thăm hỏi tặng quà cho vua Lửa, vua Nước. Các phái đoàn của hai tù trưởng cũng được đón tiếp ở Phú Yên rồi đưa ra Huế để thần phục cống nộp. Quan hệ đó xảy ra êm thấm và ngày càng chặt chẽ cho đến khi xác lập được các đơn vị hành chính mới trên đất cao nguyên phía Tây (Tây Nguyên) của nước ta.

Từ giữa nửa sau thế kỷ XVIII, phủ Phú Yên có những đóng góp lớn và giữ vị trí trọng yếu trong phong trào Tây Sơn lịch sử.

Theo Đời sống
back to top