Phú Yên - trấn biên của sự nghiệp Nam tiến

(khoahocdoisong.vn) - Phú Yên - trấn biên của sự nghiệp Nam tiến. Do thế đất và nhờ sức người nên Phú Yên dù mới được thành lập đã đảm đương trọng trách vẻ vang trong thế kỷ XVII và XVIII.

Cộng đồng đa tộc

Năm Tân Hợi, chúa Nguyễn Hoàng chính thức thành lập phủ Phú Yên, trực thuộc thừa tuyên Quảng Nam, đơn vị hành chính cấp tỉnh thứ 13 của Đại Việt.

Năm Quý Sửu (1613), chúa Nguyễn Hoàng trối trăng lại cho người con thứ sáu là Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Sãi) dựa vào vùng đất mới từ Hoành Sơn (đèo Ngang) đến Thạch Bi Sơn (núi Đá bia) để xây dựng cơ nghiệp muôn đời, tiếp tục mở rộng cương vực vào phía Nam.

Do được chuẩn bị tốt, Phú Yên ra đời gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa với mấy ngàn cư dân sinh sống yên ổn trong khoảng một trăm thôn xã. Cư dân Phú Yên lúc ra đời là một cộng đồng đa tộc.

Người Việt ở Phú Yên có nguồn gốc từ nhiều nơi khác nhau ở phía Bắc vào. Trong quá trình khai hoang mở đất, dựng làng, họ gắn bó với nhau, bảo vệ và tương trợ lẫn nhau, chung sức và đồng lòng cùng xây dựng quê hương mới. Cư dân bản địa có người Chăm, người Ê Đê.

Thế kỷ XVIII có thêm người Ba Na xuống và người Hoa vào. Người Việt cùng các dân tộc sớm hòa hiếu và hợp tác với nhau. Cuộc sống hòa mục và truyền thống đoàn kết các dân tộc ở Phú Yên sớm được hình thành và thật sự tạo nên một thế đứng vững chãi. Do thế đất và nhờ sức người nên Phú Yên dù mới được thành lập đã đảm đương trọng trách vẻ vang trong thế kỷ XVII và XVIII.

Kết thân với Chân Lạp

Năm Canh Thân (1620), quốc vương Chân Lạp Prea Chey Chettra cầu thân với chúa Sãi, xin cưới công chúa Ngọc Vạn lập làm Hoàng hậu. Chúa Sãi ưng thuận. Sau đó chúa Sãi còn gả công chúa Ngọc Khoa cho Chiêu Thành vương (vùng Bình Thuận ngày nay) để tiện mượn đường đi lại. Hai nàng công chúa Ngọc Vạn, Ngọc Khoa đưa nhiều người Việt về quê chồng. Ngọc Vạn mở xưởng thợ, mở tiệm buôn ở kinh đô Oudong.

Chúa Nguyễn cử quân lính, thuyền chiến giúp người rể quý (vua Chân Lạp) chống lại các cuộc xâm lấn của vua Xiêm. Để trả ơn, vua Chân Lạp cho Chúa Sãi mượn đất Sài Côn (Sài Gòn), xây dựng cảng thị và cho lưu dân người Việt vào lập nghiệp ở Mô Xoài (nay là Bà Rịa).

Chúa Sãi cấp ngưu, canh, điền, khí cho dân, khuyến khích họ khai khẩn làm ăn ở vùng đất mới. Năm Quý Hợi (1623) lập hai đồn thu thuế ở Sài Côn, cử tướng lĩnh đến lập đồn bảo vệ lưu dân.

Năm Kỷ Tỵ (1629), chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên ly khai với Đàng Ngoài, xây dựng xứ Đàng Trong, từ sông Gianh vào đến Phú Yên được thành lập bảy dinh (đơn vị hành chính cấp tỉnh). Phủ Phú Yên được nâng cấp lên trấn biên- có vai trò cực kỳ quan trong trong sự nghiệp Nam tiến của dân tộc. Mặc nhiên các xứ Mô Xoài và Sài Côn trở thành khu vực biên cảnh do trấn biên Phú Yên phụ trách.

Năm Quý Tỵ (1653), Hiền vương Nguyễn Phúc Tần cử Hùng Lộc hầu từ Phú Yên vượt đèo Hổ Dương (đèo Cả) lập phủ Thái Khang (Khánh Hòa ngày nay) và sau đó một thời gian lập phủ Thuận Thành (Ninh Thuận- Bình Thuận ngày nay).

(còn nữa)

Theo Đời sống
back to top