Phù tay do u ác tính cẩn thận mất mạng

(khoahocdoisong.vn) - 90% u ác tính gây hội chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên. Bệnh không chỉ gây phù tay, đau ngực, khó thở, khó nuốt mà cả phù não, hôn mê...và tử vong.

Ứ máu do chèn ép tĩnh mạch chủ trên gây bệnh nhiều nơi

Hội chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên bao gồm các dấu hiệu, triệu chứng gây ra do tĩnh mạch chủ trên (nhận máu tĩnh mạch từ nửa trên cơ thể) bị chèn ép, do đó gây ứ máu ngược lên trên và gây ra các dấu hiệu, triệu chứng sau:

Các dấu hiệu chung: nhức đầu, chóng mặt, ù tai, rối loạn thị giác theo tư thế, khó ngủ làm việc trí óc chóng mệt.

Các biểu hiện trên gương mặt: có màu tím, mới đầu có thể chỉ ở môi, má, tai, tăng lên khi ho và gắng sức. Sau cùng cả nửa người trên trở nên tím ngắt hoặc đỏ tía.

Phù ở nửa trên của cơ thể: phù ở mặt, cổ, lồng ngực, có khi cả hai tay, cổ thường to bạnh, hố thượng đòn đầy (phù kiểu áo choàng).

Mạch máu nửa trên của cơ thể nổi to: tĩnh mạch cổ, tĩnh mạch dưới lưỡi nổi to, rõ; tĩnh mạch bàng hệ phát triển. Các lưới tĩnh mạch nhỏ ở dưới da bình thường không nhìn thấy hoặc không có, bây giờ nở to ra, ngoằn nghèo đỏ, hay tím. Các tĩnh mạch này vẫn nổi to ngay cả khi bệnh nhân đứng hoặc ngồi;

Tuỳ theo vị trí tắc, phù và tuần hoàn bằng hệ có thể có mức độ và hình thái khác nhau:
Tắc ở trên chỗ vào của tĩnh mạch đơn: ứ trệ ở phần trên lồng ngực, cổ, gáy. Máu tĩnh mạch ở vùng đó trở về tĩnh mạch chủ qua tĩnh mạch vú trong, tĩnh mạch sống, đổ vào tĩnh mạch đơn qua các tĩnh mạch liên sườn trên.

Tắc ở dưới chỗ vào của mạch tĩnh mạch đơn: chèn ép hoàn toàn tĩnh mạch chủ trên làm máu tĩnh mạch bị ứ trệ, dồn ngược dòng tĩnh mạch đơn lớn và các nhánh nối của tĩnh mạch ngực – bụng sâu, đổ vào tĩnh mạch chủ dưới. Khám có thể thấy tĩnh mạch bàng hệ nổi lên ở nền lồng ngực.
Tắc ở ngay chỗ vào của tĩnh mạch đơn và tĩnh mạch chủ: ứ trệ tuần hoàn rất nhiều. Tĩnh mạch bàng hệ nổi rõ ở tất cả lồng ngực và phần trên của bụn

90% bệnh do u ác tính

Thời kỳ chưa có kháng sinh thì nhiễm trùng là nguyên nhân chính gây ra hội chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên. Nhưng hiện nay khối u ác tính trở thành nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hội chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên, chiếm 90% các trường hợp. Gần đây, do việc sử dụng các thiết bị can thiệp vào lòng mạch mà tỷ lệ tắc tĩnh mạch chủ trên do huyết khối có xu hướng tăng lên. Ngoài ra, nguyên nhân có thể do các khối u lành tính. 

Khó thở là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân bị phù mặt, căng tức vùng đầu, triệu chứng này tăng lên khi bệnh nhân cúi xuống, hoặc khi nằm. Các triệu chứng khác như: phù tay, ho, đau ngực, nuốt khó. Một số bệnh nhân phù não có đau đầu, lẫn lộn, hôn mê. Khám lâm sàng phát hiện phù mặt, giãn tĩnh mạch vùng cổ, ngực, tay phù, xanh tím...

Chẩn đoán hình ảnh CT scan có giá trị xác định mức độ và sự lan rộng của tắc nghẽn. Chẩn đoán giải phẫu bệnh giúp cho biết nguyên nhân gây tắc nghẽn mạch là lành tính hay ác tính, để có biện pháp điều trị có hiệu quả. Để lấy được mẫu tổ chức, cần phải làm các thủ thuật. Kỹ thuật can thiệp tối thiểu nhất là lấy tế bào đờm, tế bào dịch màng phổi, sinh thiết hạch ngoại vi, sinh thiết tủy có giá trị chẩn đoán bệnh u lymphô không Hodgkin; kỹ thuật can thiệp sâu hơn như nội soi phế quản, soi trung thất, mở ngực, sinh thiết qua da dưới hướng dẫn của CT scan.

Mục tiêu của điều trị là giảm nhẹ triệu chứng và điều trị nguyên nhân gây bệnh. Điều trị nguyên nhân dựa vào loại ung thư, sự lan rộng của bệnh, các yếu tố tiên lượng, loại mô bệnh học, tất cả đều ảnh hưởng tới phương pháp điều trị. Cho tới nay chưa có một hướng dẫn chuẩn nào cho điều trị hội chứng chèn ép tủy trên, tuy nhiên có một số loại được chỉ định đặt stens trước khi xạ trị, hóa trị hoặc phối hợp đa mô thức. Đối với những bệnh nhân trước đây đã được điều trị hiện tái phát hoặc tiến triển có hội chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên, nên đặt stent trước, sau đó điều trị nguyên nhân sau. Đối với những bệnh nhân đã được đặt stents, nên sử dụng thuốc chống đông kéo dài với liều thấp warfarin.

ThS Trần Anh (Bệnh viện K)

Theo Đời sống
back to top