Phụ nữ cần chủ động trước tình trạng già hóa dân số

(khoahocdoisong.vn) - Già hóa dân số khiến nhiều nữ giới cao tuổi không có kế sinh nhai, sống cô đơn làm ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Vì vậy, người phụ nữ cần biết cách chủ động trước già hóa dân số và các mô hình chăm sóc người cao tuổi cần được mở rộng.

Chỉ khoảng 5% người cao tuổi có sức khỏe tốt

Hiện cả nước có hơn 11 triệu người cao tuổi (NCT), chiếm khoảng 11,95% dân số, trong đó có gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, nhóm người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) sẽ khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số.

Theo Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), hiện khoảng 67,2% NCT có tình trạng sức khỏe yếu, rất yếu, chỉ có khoảng 5% sức khỏe tốt. Tỷ lệ NCT nữ yếu cao hơn nam… NCT Việt Nam chủ yếu sống ở nông thôn, là nông dân, làm nông nghiệp, 72,3% sống với con cháu trong khi xu hướng cấu trúc gia đình đang thay đổi. Đời sống vật chất NCT còn nhiều khó khăn với 70% không có tích lũy vật chất, đa số có bệnh cần phải điều trị, trong khi đó hệ thống bảo trợ, an sinh xã hội chưa đủ đáp ứng, chỉ có 30% NCT có lương hưu hoặc trợ cấp từ ngân sách nhà nước.

TS Nguyễn Thị Phương Mai, Khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Công đoàn cho rằng, phụ nữ cao tuổi dễ bị tổn thương hơn do phải đối mặt với sự phân biệt giới tính lớn hơn, có tỷ lệ biết chữ và trình độ học vấn thấp hơn, có tỷ lệ mắc bệnh và khuyết tật cao hơn đồng thời phụ thuộc nhiều hơn về tài chính.

Nữ hóa dân số cao tuổi đặt ra yêu cầu cần có sự quan tâm đặc biệt cho phụ nữ cao tuổi do họ dễ bị tổn thương hơn và khó có cơ hội tiếp cận thị trường lao động để tạo ra thu nhập hơn so với nam giới. Chính vì thế, tạo sinh kế cho người cao tuổi đã khó, tạo sinh kế cho người cao tuổi là phụ nữ còn khó hơn rất nhiều trong bối cảnh hiện nay. Nhiều người cao tuổi là nữ giới sẽ có khoảng thời gian sống cô đơn không có bạn đời để chia sẻ cuộc sống bên cạnh. Điều này dễ ảnh hưởng đến sức khỏe về tinh thần và kéo theo đó là những vấn đề sức khỏe về thể chất.

Theo bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, một trong nhiều nguyên nhân khiến phụ nữ cao tuổi gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, gánh nặng gia đình, sức khỏe kém… là hiện vẫn còn nhiều người có quan niệm chưa đúng về vai trò của phụ nữ cao tuổi, các chính sách, chương trình của nhà nước còn bỏ qua sự tham gia của phụ nữ cao tuổi. Tình trạng bất bình đẳng giới, lạm dụng đối với phụ nữ cao tuổi vẫn còn tồn tại trong xã hội, trong nhiều gia đình và ngay cả trong phụ nữ cao tuổi.

Cụ bà cô đơn cao gấp 5,44 lần so với cụ ông

Theo điều tra, khảo sát của Ủy ban quốc gia về NCT Việt Nam, ngày càng có nhiều người cao tuổi sống góa vợ/góa chồng và tuổi càng cao, phụ nữ đơn thân càng nhiều. Cụ thể, số cụ bà cô đơn cao gấp 5,44 lần so với cụ ông; phụ nữ cao tuổi sống ly hôn, ly thân gấp 2,2 lần so với nam giới. Gần 30% người cao tuổi sống một mình hoặc chỉ sống cùng vợ/chồng cũng là người cao tuổi hoặc cháu dưới 10 tuổi.

Để chủ động với thực trạng già hóa dân số, các chuyên gia nhấn mạnh, phụ nữ hơn hết cần chuẩn bị những hành trang cần thiết ngay từ sớm để tránh bị động khi về già. Bản thân mỗi người cần có ý thức chuẩn bị cho tuổi già của mình từ khi còn trẻ, cả về thu nhập, sức khỏe và đời sống xã hội, không nên trông chờ hoàn toàn vào các chính sách của Nhà nước để đảm bảo cuộc sống tuổi già mà trước tiên phải tự đảm bảo cho chính mình.

Đồng thời, người cao tuổi cũng cần ý thức lúc còn khỏe, nên tiết kiệm một khoản tiền để có thể làm những gì mình muốn, đi những nơi mình thích; khi về già vừa chủ động cho bản thân vừa giúp cho con cháu bớt đi một phần nỗi lo nuôi cha mẹ già. Chuẩn bị một nơi dưỡng già trước khi về già cũng là điều cần thiết. Nếu ở cùng con cháu mà không dung hòa được sự khác biệt giữa hai thế hệ có thể ở riêng hoặc ở trong các mô hình chăm sóc người cao tuổi: chăm sóc tập trung và chăm sóc tại nhà/cộng đồng... Nhà nước cũng cần có các chính sách để mở rộng mô hình chăm sóc người cao tuổi.

Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Công tác dân số trong tình hình mới đã đánh giá, ở Việt Nam, tuổi thọ bình quân của người cao tuổi (NCT) tuy tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước trên thế giới. Nghị quyết đã đề ra mục tiêu, đến năm 2030, tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; 100% NCT có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
back to top