Phù chân do bệnh mạch máu?

(khoahocdoisong.vn) - Trong các bệnh tim mạch, vì lý do nào đó mà tuần hoàn ở hệ tĩnh mạch bị ứ trệ (thường do suy tim bên phải) làm tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch gây hiện tượng nước trong tĩnh mạch ra ngoài gian bào ứ đọng gây phù.

Hỏi: Tôi bị phù chân và đau buốt khi đứng, tối lại đỡ, như vậy có phải bị bệnh mạch máu không? 

Nguyễn Hoàng Ân (Hà Nội)

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc Viện Tim mạch Việt Nam: Có rất nhiều nguyên nhân gây phù. Phù quanh mắt cá chân vào buổi tối là biểu hiện của tình trạng giữ muối nước và thường là dấu hiệu của suy tim bên phải (suy tim bên trái hay gây khó thở chứ không gây phù). Hiện tượng này cũng thường gặp ở những người làm việc tĩnh tại, ngồi một chỗ, hay đứng lâu. Tác dụng của trọng lực cùng với thiếu vận động làm cho dòng máu bị ứ trệ ở hai chân và không trở về được tim. Những người mắc chứng giãn tĩnh mạch chi dưới cũng thường có biểu hiện phù quanh mắt cá.

Nguyên nhân chủ yếu tiếp theo gây phù là bệnh lý về thận. Quả thận bị bệnh không đủ khả năng thải trừ gây tích tụ muối nước ở trong cơ thể gây phù. Phù do thận thường gặp phù cả chân cả mặt và thường vào buổi sáng khi ngủ dậy. Phù cũng có thể là triệu chứng của bệnh lý về gan. Albumin, một chất protein quan trọng do gan sản xuất, có tác dụng giữ nước ở lại trong lòng mạch máu không cho thoát ra các tổ chức xung quanh. Bệnh xơ gan (thường do nghiện rượu), làm giảm khả năng sản xuất albumin của gan, dẫn đến phù do thiếu albumin máu.

Triệu chứng bạn vừa mô tả rất có thể là do bệnh lý mạch máu, nhưng cũng có thể do một loạt các nguyên nhân kể trên. Vì vậy, bạn phải đến khám bác sĩ ngay để tìm ra nguyên nhân, giúp điều trị sớm và đạt hiệu quả nhất.

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top