Phong tục thờ cúng trong gia đình Việt Nam

(khoahocdoisong.vn) - Dân tộc ta từ xưa đến nay vẫn rất tôn trọng lễ giáo. Những lễ nghi trong sinh hoạt về luân lý, xã hội giữa cá nhân, gia đình, làng xóm đã đi sâu vào lẽ sống mọi người, biến thành tục lệ cổ truyền và có phạm vi rất đại chúng, hầu như mọi gia đình Việt Nam đều tôn trọng.

Quan niệm trong thờ cúng

Phong tục thờ cúng tổ tiên đã trở thành một thứ tín ngưỡng thờ cúng, không gia đình nào không có bàn thờ tổ tiên trong nhà. Đó không phải là một tôn giáo mà là do lòng thành kính của người Việt đối với cha mẹ, ông bà, cụ kỵ. Đây là một tín ngưỡng rất quan trọng và không thể thiếu trong phong tục Việt Nam, và là một trong các thành tố tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam.

Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục đã viết: “Xét cái tục phụng sự tổ tiên của ta rất thành kính, ấy cũng là một lòng bất vong bản, ấy cũng là nghĩa cử của người”.

Phong tục thờ cúng tổ tiên bắt nguồn từ niềm tin cho rằng linh hồn của người đã khuất vẫn còn hiện hữu và ảnh hưởng đến đời sống của con cháu. Người Việt cho rằng chết chưa phải là hết, tuy thể xác tiêu tan nhưng linh hồn bất diệt và thường ngự trên bàn thờ để gần gũi, giúp đỡ con cháu, dõi theo những người thân để phù hộ họ khi nguy khó, mừng khi họ gặp may mắn, khuyến khích họ làm những điều lành và cũng quở phạt khi họ làm những điều tội lỗi. Do đó cũng ảnh hưởng đến hành động và cách cư xử của những người còn sống trong gia đình, họ thường tránh làm những việc xấu vì sợ vong hồn cha mẹ buồn, đôi khi muốn quyết định việc gì đó cũng phải cân nhắc xem liệu khi còn sinh tiền thì cha mẹ có đồng ý như thế hay không.

Họ cũng tin rằng dương sao thì âm vậy, khi sống cần những gì thì chết cũng cần những thứ ấy, cho nên dẫn đến tục thờ cúng, với quan niệm thế giới vô hình và hữu hình luôn có sự quan hệ liên lạc và sự thờ cúng chính là môi trường trung gian để hai thế giới này gặp gỡ với nhau.

 Ngoài ra, hình thức thờ cúng tổ tiên còn là biểu hiện của lòng hiếu thảo và nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của tiền nhân, nhớ đến cội nguồn của mình, đồng thời cũng là nền tảng cơ sở cho quan hệ trong mỗi gia đình.

Thông thường trong nhà có các bàn thờ : Bàn thờ Phật, bàn thờ Thần linh và Gia tiên, bàn thờ Ông Địa - Thần Tài, bàn thờ Thiên ngoài trời (thờ những người “khai thiên lập địa” ) còn gọi là thờ 9 phương Trời, 10 phương Phật, ngoài ra tùy gia chủ có thêm các bàn thờ Mẫu , ông Hoàng, bà Chúa, các Cô, các Cậu hay thờ 5 Ông.

Thờ cúng thế nào cho đúng?

Tích xưa có câu: “Một nước không có hai vua, một nhà không thờ hai họ”. Tuy nhiên, để phù hợp với hoàn cảnh con cái ở xa quê, thậm chí nhà không có anh em trai, mà bên đường vợ muốn thờ cúng khi cha mẹ đã khuất thì ta có thể lập thêm bàn thờ riêng cho bên vợ, nhưng không được cùng hướng với bên nhà chồng, và bàn thờ phải thấp hơn, ví dụ 2 – 3 phân là được.

Nhiều gia đình có bát hương Cửu huyền thất tổ  hay những bát hương linh thiêng có thể nối nhịp cầu với vài chục đời.

Người ta thường cúng lễ vào các dịp giỗ, tết, tiết ... Bàn thờ Gia tiên khi cúng thường có các đồ lễ như xôi gà, hoa quả, bánh kẹo, trầu  cau, rượu,  đèn, nến... Có thêm 3 ly trà , 3 ly rượu , 3 ly nước để tượng trưng cho Tam tài :

Thiên :           Có Nhật    -    Nguyệt   -   Tinh tú

Địa    :            Có Thủy    -     Hỏa         -    Phong

Nhân :           Có Tinh     -     Khí           -   Thần

Nếu thắp đủ thì có 9 ngọn nến, 2 ngọn đặt trước tượng trưng cho Nhật - Nguyệt, 7 ngọn để ở hàng sau tượng trưng cho Thất tinh là chòm sao Bắc Đẩu - Quê hương, cội rễ của loài người. Trong các lần cúng nên có sớ để tâu trình.

Lưu ý: Các bát hương có thể dùng keo 2 mặt dán chặt vào bàn thờ để tránh trường hợp khi lau chùi bị động bát hương, khó làm ăn. Chân hương chỉ nên rút bớt sau ngày 23 tháng chạp và hoá cùng tiền giấy vàng, trường hợp bát hương quá nhiều chân có thể tỉa bớt vào ngày rằm. Nên thắp mỗi bát một nén hương lúc bình thường (cắm vào giữa ); Thắp 3 nén hàng ngang khi cầu xin điều gì? Thắp 5 nén hình chữ thập trong các ngày giỗ, tết, tiết.

Nơi thờ thường gọi là gian trung chính giữa nhà với kiểu nhà ngang ở nông thôn. Ở thành phố nhà xây theo kiểu nhà ống, thường được bố trí ở phòng khách hoặc phòng riêng trên lầu. Bàn thờ chính trong nhà đều phải quay ra mặt tiền. Bàn thờ Phật trên cao thường quay ra như ban thờ chính (phía trước tất cả các bàn thờ Gia tiên, Thần linh, Thánh, Phật không được phơi phong, đặt để vật dụng ô uế, không đẹp mắt...). Bàn thờ Thần tài Thổ địa căn cứ dòng khí để đặt đón khí tụ tài. Bàn thờ Ông Táo trong gian bếp hướng nào cũng được. Trong phong thủy kỵ phòng thờ phía sau, phòng ngủ phía trước, hoặc bàn thờ quay lưng ra mặt tiền. Bàn thờ bên vợ nên bố trí quay ngang nhà nhưng phải chọn đặt ở vách âm (vách tĩnh) của căn nhà.

Khi đi chùa nếu mang lộc về không nên mang hoa quả héo. Khi trang trí bàn thờ không dùng cành vàng lá ngọc, biểu hiện sự vàng úa chết chóc. Không cắm hoa bất tử, hoa nhựa trên bàn thờ. 

Khi thờ cúng, đối với gia tiên ta vái 4 vái, tượng trưng cho 4 đời ở trên mình. Đối với Phật, Thần tài, Thổ địa, Thờ 5 Ông, Chúa,  Mẫu, Thờ Tổ… nam 7; nữ 9 vái (hoặc vái đủ theo tuổi của mình). Khi đi lễ ở đình, đền, chùa, miếu mạo vái  3 vái.

Bàn thờ Phật thường được đặt nơi cao nhất trong phòng thờ của gia đình, hướng ra cửa chính, trên bàn thờ có ảnh của vị Phật mà mình muốn thờ. Chính giữa có bát hương hay lư trầm. Bên cạnh có bình hoa và đĩa trái cây, 3 ly nước (hay bình nước), cặp nến hay đèn điện. Tuyệt đối không được đặt đồ lễ mặn và giấy tiền vàng bạc trên bàn thờ Phật. Khi cúng Phật phải dùng đồ chay.

Nếu lập bàn thờ Phật thì không thờ Thần, Thánh nữa vì họ vẫn còn là chúng sinh trong Lục đạo luân hồi, chưa giải thoát tử sinh. Đã quy y Tam Bảo thì trọn đời chỉ một lòng kính hướng Phật, không thờ phụng lễ lạy Thần, Thánh nào cả vì chỉ có Chư Phật mới độ tâm chúng sinh mà thôi.

Chuyên gia phong thủy Trạch Bằng

Theo Đời sống
back to top