Phòng rủi ro từ hố tử thần

(khoahocdoisong.vn) - Một hố tử thần sâu đến 5m vừa xuất hiện tại Chương Mỹ (Hà Nội) khiến 20 hộ dân phải sơ tán. Theo các chuyên gia, người dân sống trong khu vực thường xuyên có hố tử thần phải có các phương án đề phòng rủi ro.

Mỹ Đức, Quốc Oai (Hà Nội) là vùng của hố tử thần

Vào khoảng 16h45 ngày 6/4, trong lúc gia đình ông Đặng Đình Nhâm (ở thôn 2, xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ) đào giếng thì bất ngờ nghe thấy tiếng động lớn, rung lắc mạnh. Sau đó, khu vực đào xuất hiện hố tử thẩn có độ sâu khoảng 5m, và hiện tại đã rộng khoảng 30m2. Cơ quan chức năng đã bố trí hướng di chuyển tắt tránh xa khu vực “hố tử thần” và di dời 20 hộ dân quanh khu vực sụt lún.

TS Trần Tân Văn, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, Chương Mỹ, Mỹ Đức của Hà Nội là những khu vực thường xuất hiện hố tử thần, nhất là những năm gần đây. Sụt lún này không bất thường mà nằm trong khu vực đã cảnh báo.

Ở các vùng đá vôi luôn có những chỗ mà đá vôi chìm dưới lớp đất phủ. Tính chất đặc biệt của đá vôi (và một số loại đá có thành phần vôi, hoặc các loại đá muối) là dễ bị dòng nước hòa tan, rửa lũa, tạo nên hang hốc. Những hang hốc này rộng lớn dần và sập đổ cơ học ngày càng chiếm ưu thế so với hòa tan, rửa lũa, càng làm hang hốc rộng lớn thêm. Quá trình hòa tan, rửa lũa, sau kết hợp với sập đổ cơ học tạo thành hang hốc, gọi chung là quá trình karst.

Các hố sụt karst có vô số ở những vùng đá vôi, đặc biệt hay tạo thành dải những hố sụt tròn, đường kính và độ sâu thay đổi từ một vài mét cho đến một vài chục, thậm chí một vài trăm mét, bên trên các dòng chảy ngầm. Có những hố sụt đã có từ trước nhưng cũng có những hố sụt đang và sẽ được hình thành. Do vậy, phát triển đô thị ở các vùng đá vôi, thí dụ như các thành phố Sơn La, Lai Châu, Lạng Sơn, khu vực rìa Tây Nam Hà Nội (khu vực các huyện Mỹ Đức, Quốc Oai…) luôn có nguy cơ phải đối mặt với các hố sụt karst.

Khắc phục sụt lún nơi có nền đất yếu

TS Trần Tân Văn cho biết, hố tử thần ở các đô thị lớn mặc dù quy mô còn nhỏ, còn nông, thiệt hại chưa lớn lắm nhưng cũng đã đủ làm dư luận quan ngại do xảy ra khá thường xuyên. Đặc biệt, chúng đang dóng lên những hồi chuông cảnh báo rất nghiêm khắc. Ở TPHCM và Hà Nội đang và sẽ có những dự án tầu điện ngầm, sử dụng không gian ngầm lớn hơn và sâu hơn nhiều lần so với việc đào đắp, thi công các hệ thống cống. Nguy cơ sụt lún, sụt sập nền đất do đó sẽ lớn gấp bội.

Để giảm thiểu sự xuất hiện của các hố tử thần, giải pháp là không nên coi nhẹ công tác đào đắp, lắp đặt các hệ thống cống, hệ thống đường ống cấp, thoát nước, đường dây điện, điện thoại cũng như các công trình ngầm khác, mặc dù hiện nay quy mô đào đắp còn nhỏ, còn nông. Trước khi thi công nên có điều tra, khảo sát kỹ bản chất của nền đất, phân loại và trên cơ sở đó có giải pháp thi công thích hợp đối với từng loại đất.

Đối với nền đất yếu cần có giải pháp thi công hợp lý. Giảm thiểu xáo động, duy trì tối đa trạng thái nguyên trạng của đất. Lựa chọn vật liệu san lấp thích hợp. Thí dụ đất yếu đã đào lên tức là đã ở trạng thái bị xáo động, không còn mấy sức bền, dù có đắp đầy trở lại như ban đầu cũng không có khả năng chịu tải, dễ bị lún, sụt, do đó cần thay thế bằng vật liệu khác như cát, đất cứng có tải trọng tương đương với phần đất đã đào đi; Sử dụng lớp vải địa kỹ thuật phân cách lớp đất đắp bên trên với nền đất yếu bên dưới. Nếu buộc phải tái sử dụng lớp đất đã đào lên, nên xem xét giải pháp đóng vào các bao túi may bằng vải địa kỹ thuật.

Một điều đáng nói là kể cả người có chuyên môn sâu cũng không thể biết trước khi nào xuất hiện hố tử thần. Người dân ở những vùng có nguy cơ sụt lún (vùng có núi đá vôi) cần thận trọng khi thời tiết diễn biến bất thường như mưa nhiều liên tục hoặc nắng hạn dài ngày. Đây là những thời điểm các hố sụt dễ hoạt động nhất.

Theo Đời sống
back to top