Phòng chống thiếu iốt - nâng cao trí tuệ Việt

(khoahocdoisong.vn) - Iốt là một vi chất rất cần thiết cho cơ thể hình thành và phát triển hệ thần kinh trung ương. Thiếu iốt gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, đặc biệt ở phụ nữ mang thai như sẩy thai, thai chết lưu, tử vong chu sinh, thiểu năng giáp, suy giảm trí thông minh, bướu cổ…

Thế giới tích cực phòng chống thiếu Iốt

Cơ thể con người không tự sản xuất ra iốt được mà phải thu nhận từ bên ngoài, chủ yếu qua thức ăn, nước uống. Do vậy, những người sống trong khu vực thiếu iốt bắt buộc phải bổ sung iốt thường xuyên. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lựa chọn bổ sung iốt bằng muối iốt vì giá thành thấp, an toàn, lượng muối mỗi người ăn hàng ngày ít thay đổi và phải ăn hàng ngày nên lượng iốt cơ thể hấp thu sẽ ổn định và thường xuyên.

Trong những năm qua, nhiều nước trên thế giới đã tích cực thực hiện phòng chống rối loạn do thiếu iốt. Theo WHO, năm 1993 có 113 nước bị xếp loại thiếu iốt, tới năm 2013 giảm xuống 54 nước và năm 2017 còn 19 nước.  Theo số liệu của Tổ chức UNICEF, năm 2017 có 167 nước trên thế giới có quy định bắt buộc bổ sung iốt vào muối ăn.

Tại Việt Nam, điều tra toàn quốc đầu tiên về tình trạng thiếu iốt được tiến hành năm 1993. Kết quả cho thấy, 94% dân số Việt Nam có nguy cơ bị thiếu iốt: tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-10 tuổi là 22,4%. Thiếu iốt không chỉ ở miền núi mà còn ở cả khu vực đồng bằng và ven biển. Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 481/QĐ-TTg ngày 8/9/1994 về việc “Tổ chức và vận động toàn dân mua và sử dụng muối iốt”. Năm 1995, Chương trình Mục tiêu Y tế quốc gia Phòng chống rồi loạn thiếu iốt được thành lập. Năm 2005 Việt Nam đã thanh toán tình trạng thiếu iốt với các chỉ số đạt tiêu chuẩn của WHO:  Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh ≥ 90% (Việt Nam đạt 92,8%), tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-12 tuổi <5% (Việt Nam đạt 3,6%) và mức trung vị i ốt niệu ≥ 100 μg/l (Việt Nam đạt 122 μg/l).

Vướng mắc trong các quy định

Sau năm 2005, Chương trình Mục tiêu Y tế quốc gia phòng chống rối loạn thiếu iốt trở thành hoạt động thường xuyên của Bộ Y tế với mục tiêu là duy trì thành quả đạt được năm 2005. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, tình hình thiếu iốt đã trở lại. Kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết Trung ương và UNICEF cho thấy tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh chỉ còn 69,5%; tỷ lệ bước cổ trẻ em 8-12 tuổi là 9,8%. Tổ chức Mạng lưới quốc tế thiếu iốt đã xếp Việt Nam vào danh sách các nước thiếu iốt.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, nhưng trong đó có việc Nghị định 163/2005/NĐ-CP ngày 29/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ về sản xuất và cung ứng muối iốt cho người ăn đã bỏ mục 2 điều 1 của Nghị định 19/1999/NĐ-CP của Chính phủ quy định “Muối ăn và muối sử dụng trong thực phẩm đều phải được trộn iốt theo tiêu chuẩn quy định”. Do vậy, rất khó để yêu cầu các cơ sở sản xuất các gia vị mặn có iốt, cũng như các nhà hàng, cơ sở chế biến thực phẩm sử dụng muối iốt, gia vị mặn có iốt để chế biến thức ăn. Vì trong thực tế, do đời sống kinh tế xã hội ngày càng phát triển, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện và nâng cao nên thói quen sử dụng gia vị của người dân, kể cả khu vực miền núi đã thay đổi rất nhiều. Người dân ít dùng muối hạt, muối thô để chế biến thức ăn như trước mà chuyển sang sử dụng muối tinh cao cấp, bột canh, bột nêm…

Theo quy định của Nghị định 09/2016/NĐ-CP, các cơ sở sản xuất muối bắt buộc phải bổ sung iốt vào muối ăn và các gia vị mặn: Bột canh, bột nêm… Các nhà hàng, quán ăn sử dụng muối iốt, gia vị mặn có iốt để chế biến thực phẩm, món ăn. Điều này rất quan trọng vì thực tế hiện nay, nhiều người ăn 2 bữa sáng và trưa ở bên ngoài, thường chỉ ăn bữa tối cùng gia đình. Có thể nói Nghị định 09/2016/NĐ-CP đã đi vào đời sống và là biện pháp hiệu quả để đạt và duy trì bền vững việc thanh toán tình trạng thiếu iốt tại Việt Nam thay cho việc Chính phủ phải đầu tư hàng chục tỷ đồng mỗi năm để đạt được mục tiêu này.  Theo nghiên cứu của Bệnh viện Nội tiết TW năm 2018, tỷ lệ hộ gia đình chỉ sử dụng muối là 33,1%, còn lại là sử dụng muối cùng hoặc chỉ sử dụng các gia vị mặn khác không phải là muối như bột canh, bột nêm, nước mắm. Vì vậy các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra chất lượng muối và các gia vị mặn có bổ sung iốt nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả phòng bệnh đối với người tiêu dùng cũng như đảm bảo quyền lợi, sự công bằng giữa các doanh nghiệp trong việc thực hiện việc bảo vệ sức khỏe nhân dân.

TS.BS Phan Hướng Dương (Phó GĐ BV Nội tiết T.Ư)

Theo Đời sống
back to top