Phòng chống Covid-19 tại Hà Nội: Chủ quan, thiếu quyết liệt sẽ trả giá đắt!

(khoahocdoisong.vn) - Diễn biến dịch Covid-19 ở Hà Nội hiện khá nghiêm trọng khi đã xuất hiện các trường hợp lây nhiễm thứ phát F1 chuyển thành F0. Có ý kiến lo ngại đợt chống dịch thứ hai tại Hà Nội về phía người dân còn có phần chủ quan, trong khi các cấp chính quyền dường như thiếu quyết liệt so với đợt dịch bệnh thứ nhất. Điều này khiến nguy cơ dịch bùng phát diện rộng khó kiểm soát.
Hà Nội phải quyết liệt thực hiện giãn cách, đặc biệt là ở các hàng quán, nơi công cộng, áp dụng các chế tài xử phạt nghiêm khắc (ảnh chụp tại quán Highland coffee trên phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội lúc 11h15 ngày 18 /8/ 2020) Ảnh: Trần Hải

Hà Nội phải quyết liệt thực hiện giãn cách, đặc biệt là ở các hàng quán, nơi công cộng, áp dụng các chế tài xử phạt nghiêm khắc (ảnh chụp tại quán Highland coffee trên phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội lúc 11h15 ngày 18 /8/ 2020) Ảnh: Trần Hải

Người dân Hà Nội thờ ơ chống dịch

Ngày 17/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội đã có cuộc họp giao ban triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Đại diện Sở Y tế Hà Nội cảnh báo, trong giai đoạn này, dịch bệnh đã xảy ra tản phát tại cộng đồng trên địa bàn Hà Nội và đã có hiện tượng lây nhiễm thứ phát (F1 chuyển thành F0). Trong khi đó, việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của người dân trong đợt này không bằng đợt dịch trước, nhất là tại các nhà hàng, quán ăn và vẫn còn nhiều nơi tụ tập đông người.

Trên địa bàn Hà Nội đã có hiện tượng lây nhiễm thứ phát nhưng người dân vẫn vô tư ngồi uống nước tại các quán.

Trên địa bàn Hà Nội đã có hiện tượng lây nhiễm thứ phát nhưng người dân vẫn vô tư ngồi uống nước tại các quán.

Ông Trương Quang Việt, Phó Giám đốc phụ trách CDC Hà Nội cho rằng, người dân hiện nay chủ quan trong việc thực hiện giữ khoảng cách khi ra ngoài xã hội; việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên kể cả ở công sở cũng không được nghiêm túc. CDC đi kiểm tra cho thấy một số đơn vị chưa có phương án khi Covid-19 lây lan rộng, giám sát đã có phần lỏng lẻo hơn so với giai đoạn trước.

PGS.TS Phạm Thị Khoa, nguyên cán bộ Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư cho hay, bà rất lo ngại khi quan sát thấy ý thức chống dịch của người dân hiện nay quá kém. Nếu như đợt dịch trước ở khu nhà bà (Thanh Xuân, Hà Nội), không đeo khẩu trang thì không được đi vào chợ, thì giờ, kể cả người bán hàng cũng không đeo khẩu trang. Mọi hoạt động buôn bán diễn ra bình thường, hàng quán tấp nập người, rất nhiều người không đeo khẩu trang. Trong khi đó, hiện virus đã lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng. Về nguyên tắc khi virus đã lây nhiễm thứ phát thì khả năng bùng phát dịch là cực kỳ lớn. Nguy hiểm là nhiều trường hợp dương tính trước đó đi rất nhiều nơi, tham dự nhiều cuộc hội họp, gặp gỡ, liên hoan… nên khả năng dịch bùng phát trên diện rộng là rất dễ xảy ra.

Chống dịch yếu kém, hậu quả sẽ khó lường

PGS.TS Đinh Duy Kháng, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, trong khi chưa có văcxin thì việc cách ly, cô lập nguồn lây nhiễm, không cho virus có cơ hội phát tán ra cộng đồng là cách duy nhất để đẩy lùi dịch bệnh. Đáng buồn là hiện nay ý thức chống dịch của người dân rất kém, nhiều nơi thờ ơ, bất chấp khuyến cáo của ngành y tế. Để đẩy lùi dịch bệnh, Hà Nội phải quyết liệt thực hiện giãn cách, đặc biệt là ở các hàng quán, nơi công cộng, áp dụng các chế tài xử phạt nghiêm khắc.

Những người mua hàng rong trên phố Hàng Buồm cũng không đeo khẩu trang.

Những người mua hàng rong trên phố Hàng Buồm cũng không đeo khẩu trang.

“Người dân phải hiểu rằng năng lực của ngành y tế có hạn, tự mình phải bảo vệ sức khỏe của mình trước. Nếu để mất kiểm soát dịch bệnh thì ngay cả những nước có nền y tế phát triển mạnh như Mỹ, Nga… cũng không thể cứu vãn được. Đây là cuộc chiến của toàn dân, không riêng gì của ngành y tế hay của chính quyền. Dịch bệnh đang âm thầm tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, người dân hãy tự bảo vệ sức khỏe của mình. Đặc biệt là những người đã có sẵn bệnh nền phải hết sức cẩn trọng, tất cả các trường hợp tử vong vì Covid-19 đều có sẵn bệnh nền”, PGS.TS Đinh Duy Kháng cho hay.

Ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1A, Ủy ban Kiểm tra T.Ư chia sẻ, ông cảm thấy tinh thần quyết tâm chống dịch lần này ở Hà Nội đang bị lung lay ảnh hưởng bởi công tác cán bộ. Việc ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội bị đình chỉ chức vụ để điều tra dường như khiến công việc chống dịch bị gián đoạn. Chính quyền không có sự quyết liệt làm cho người dân thờ ơ, chủ quan với dịch bệnh. Đây là điều rất nguy hiểm, bởi nếu để dịch bệnh không kiểm soát được thì hậu quả chắc chắn sẽ rất lớn, thiệt hại sẽ không đo đếm được cả về kinh tế lẫn xã hội.

Theo Đời sống
back to top