Phòng bệnh tâm thần mùa nắng nóng

Mùa nắng nóng song hành cùng với việc phát sinh, phát triển các bệnh truyền nhiễm, tiêu hóa, hô hấp… rất đặc trưng, thì các bệnh tâm thần cũng dễ có nguy cơ phát tác hoặc tái nặng nếu không có biện pháp phòng ngừa.

Mùa hè là mùa phát bệnh và tái phát bệnh của nhiều loại bệnh tâm thần nặng như tâm thần phân liệt, trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực và lo âu lan tỏa. Mùa hè cũng là mùa được ghi nhận có tỷ lệ tự sát tăng cao hơn rõ rệt so với các mùa khác.

Người ta nhận thấy, mùa hè chiếm tới 35% tổng số bệnh nhân phát bệnh hoặc tái phát của các bệnh tâm thần nêu trên. Điều này được giải thích là do các yếu tố vật lý không thuận lợi ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của người bệnh. Các yếu tố thường được nhắc đến là nhiệt độ quá cao, độ ẩm không khí lớn, tia tử ngoại trong ánh nắng quá mạnh tác động trực tiếp đến não bộ của người bệnh.

Bên cạnh đó, mùa hè cũng là mùa của các bệnh truyền nhiễm phổ biến như tiêu chảy, sốt rét… các bệnh này gián tiếp gây ra bệnh tâm thần. Vì vậy, chúng ta cần có các biện pháp phòng ngừa bệnh tâm thần có thể phát sinh, phát triển trong mùa nắng nóng, cũng như bệnh nhân tâm thần cần có các biện pháp phòng tránh bệnh có thể “vượng” vào mùa hè.

Người bệnh tâm thần cần tránh ánh nắng rọi trực tiếp vào vùng gáy khi ở ngoài trời nắng.

Phòng bệnh tâm thần phát sinh, phát triển

Tránh những nơi có nhiệt độ quá cao

Tốt nhất là nên tránh những nơi có nền nhiệt độ quá cao như ngoài trời, làm việc trong hầm lò, lò cao, bếp nấu ăn. Ở những nơi này phải có quạt thông gió hoặc các biện pháp vật lý hạ nhiệt độ khác như quạt phun nước, quạt hơi mát…

Các đơn vị bộ đội, học sinh, các buổi thi đấu thể thao nếu có thể thì tổ chức các hoạt động vào sáng sớm hoặc chiều tối, ở những nơi có bóng râm để tránh nắng. Những người làm việc ở các môi trường này phải có biện pháp chống nóng tốt nhất ví dụ như đội mũ, mặc quần áo gọn nhẹ, thoáng và uống đủ nước (khoảng 250ml nước cho mỗi giờ). Nước uống có thể là nước đun sôi để nguội, nước chè, nước gạo rang hoặc oresol.

Tránh làm việc trực tiếp dưới ánh nắng gay gắt

Những người phải làm việc trực tiếp ngoài trời thì phải mang mũ nón đủ dày để đội đầu tránh bị ánh nắng chiếu trực tiếp vào đầu, vào mặt và vào vùng gáy. Ánh nắng mặt trời gay gắt không chỉ làm cho chúng ta thấy hoa mắt, choáng váng, đau đầu mà còn gây ra tăng thân nhiệt, tăng tích nhiệt cho cơ thể. Vì thế, người làm việc trực tiếp dưới ánh nắng cũng phải uống đủ nước như đã nói trên.

Tránh độ ẩm không khí quá cao

Độ ẩm không khí cao khiến chúng ta thấy rất oi ả khó chịu vì khó thoát mồ hôi hơn. Nên tìm cách thông khí nơi làm việc để giảm sự khó chịu cho con người.

Tránh các bệnh truyền nhiễm

Mùa hè nóng nực, có rất nhiều loại côn trùng truyền bệnh như ruồi, muỗi… Hơn nữa, chúng ta hay uống nhiều nước nên có thể dùng phải nước và thực phẩm nhiễm mầm bệnh.

Phải tuân thủ các yêu cầu vệ sinh ăn uống, yêu cầu phòng chống các dịch bệnh của nhân viên y tế và chính quyền địa phương. Hơn nữa, cần phải tích cực diệt ruồi, muỗi bằng các biện pháp đơn giản như khai thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, xử lý rác thải và chất thải để không có chỗ cho ruồi sinh sống.

Để bệnh không nặng lên

Do mùa hè trời nóng, bệnh nhân tâm thần phải uống nhiều nước hơn, vì vậy thuốc tâm thần (thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc chỉnh khí sắc) sẽ bị thải trừ nhanh hơn. Vì thế, nồng độ thuốc trong cơ thể sẽ thấp hơn dù bệnh nhân vẫn uống đầy đủ liều thuốc theo quy định. Nên đưa bệnh nhân đi tái khám kịp thời để bác sĩ điều chỉnh thuốc khi bệnh nhân có ít nhất một trong các dấu hiệu sau:

Mất ngủ liên tục trong 2-3 ngày. Bệnh nhân chỉ ngủ được 2-3 giờ mỗi ngày hoặc ít hơn; lo lắng quá mức trong 2-3 ngày liên tiếp. Bệnh nhân lo lắng, bồn chồn mà không có lý do, họ luôn cảm thấy bất an và lo sợ những điều xấu nhất sẽ xảy ra với mình hoặc gia đình; cáu gắt vô cớ quá mức liên tục trong 2-3 ngày; bỏ ăn hoặc ăn rất ít; mệt mỏi, mất năng lượng đột ngột, không có lý do…

PGS.TS. Bùi Quang Huy (Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103)

Theo Suckhoedoisong.vn

Theo Đời sống
back to top