Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nguồn lực quý giá nhất là con người

(khoahocdoisong.vn) - Phát biểu tại buổi Lễ Tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2019, đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chia sẻ, gửi lời cảm ơn chân thành không chỉ tới 112 gương mặt tiêu biểu hôm nay, mà còn tới hàng trăm, hàng ngàn các trí thức vẫn đang ngày đêm thầm lặng cống hiến.

Ngày 2/11, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) tổ chức Lễ tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ (KH&CN) tiêu biểu năm 2019. 112 trí thức KH&CN tiêu biểu đã được trao biểu trưng và bằng khen của LHH VN.

Các trí thức trong Lễ tôn vinh. Ảnh: Trần Hải

Các trí thức trong Lễ tôn vinh. Ảnh: Trần Hải

Phát biểu tại buổi lễ, GS.TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch LHHVN chia sẻ: “Trong lịch sử nước ta ở bất kỳ thời đại nào thì những người trí thức chân chính cũng luôn đứng về phía đất nước, dân tộc. Trước mắt tôi, đó không phải chỉ là danh sách 112 trí thức, mà là 112 cuộc đời, 112 tấm gương đã cống hiến những năm tháng tốt đẹp của đời mình cho sự nghiệp phát triển GD&ĐT, khoa học công nghệ, sự nghiệp tập hợp và đoàn kết trí thức anh chị em trong cả nước”.

GS.TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch LHH. Ảnh: Trần Hải

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thay mặt Chính phủ, Thủ tướng chính phủ gửi lời chúc mừng tới 112 trí thức và LHHVN cùng các hội thành viên.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, các nhà khoa học trên thế giới đều nói rằng nguồn lực quý nhất của Việt Nam là con người. Bởi con người Việt Nam rất có trí tuệ. Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao để khơi dậy trí tuệ đó, làm sao chuyển điều đó sang các cơ chế chính sách, đó là một câu hỏi trăn trở.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao bằng khen cho các trí thức. Ảnh: Trần Hải.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao bằng khen cho các trí thức. Ảnh: Trần Hải.

Theo Phó Thủ tướng, để tiềm lực khoa học của đất nước tiếp tục phát triển mạnh hơn, thì cần có 4 điều. Thứ nhất, tất cả các cơ chế và trực tiếp nhất là cơ chế kinh tế phải khuyến khích bằng được mọi sự sáng tạo trong xã hội. Đặc biệt, phải khuyến khích bằng được các doanh nghiệp đầu tư đào tạo, nghiên cứu và triển khai nguồn nhân lực.

Điều quan trọng thứ hai, theo ông Đam chính là làm sao phát huy được vai trò của đội ngũ trí thức. “Chúng ta hay dùng từ phản biện, nhưng tôi thích dùng từ tham gia xây dựng chính sách hơn. Trí thức tham gia xây dựng chính sách, tham gia bảo vệ đất nước, và trực tiếp là các chính sách để phát triển khoa học công nghệ”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Để phát huy được vai trò đó, thì cần có sự đổi mới trong quản lý kinh tế của Nhà nước đầu tư cho khoa học công nghệ.

Các trí thức tại buổi lễ vinh danh. Ảnh: Trần Hải

Các trí thức tại buổi lễ vinh danh. Ảnh: Trần Hải

Điều thứ ba, là phải tiếp tục làm sao phải huy động được các nhà trí thức tham gia vào các hoạt động của LHHVN, trở thành hội viên của LHHVN. Và LHHVN trở thành một đội ngũ trí thức cách mạng, có vai trò quyết định đến việc tận dụng thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đem đến.

Và điều cuối cùng, ông Đam nhắn nhủ, những người trí thức không chỉ tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp khoa học mà còn phải là tấm gương sáng của những người trí thức yêu nước.

“Chúng tôi rất mong rằng, từ đội ngũ trí thức Việt Nam, những giá trị tốt đẹp sẽ được lan tỏa trong xã hội. Đẩy lùi những tác động xấu của nền kinh tế thị trường”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội trong buổi gặp mặt 112 trí thức. Ảnh: Trần Hải.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội trong buổi gặp mặt 112 trí thức. Ảnh: Trần Hải.

Cũng trong khuôn khổ của buổi lễ Tôn vinh, Chiều ngày 1/11/2019, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã có buổi gặp mặt 112 trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng thấy đội ngũ trí thức, lực lượng khoa học công nghệ ngày càng phát triển nhanh, to lớn, trưởng thành vững vàng.
Các nhà trí thức, nhà khoa học cần đẩy mạnh nghiên cứu, sáng tạo, bám sát thực tiễn sản xuất, đời sống, nhu cầu kinh tế thị trường để có nhiều hơn nữa những nghiên cứu phù hợp, mang tính ứng dụng cao; đặc biệt là góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm hàng hóa, khẳng định thương hiệu của hàng hóa Việt Nam tại thị trường trong nước cũng như quốc tế; đồng thời tăng cường sự hợp tác, gắn kết giữa nhà sản xuất - nhà khoa học và người tiêu dùng.
 
Theo Đời sống
back to top