Phó thủ tướng: TP.HCM cần một khái niệm 'bình thường mới' khác

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng khái niệm "bình thường mới" tại TP.HCM phải khác với các địa phương còn lại, đặc biệt sau khi đạt miễn dịch cộng đồng.
Pho thu tuong Vu Duc Dam anh 1

"Mở rộng vùng xanh, khoanh chặt nhiều lớp vùng đỏ" là chiến lược được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh nhiều lần với 19 tỉnh, thành phía Nam trong suốt 3 tuần áp dụng Chỉ thị 16.

Dù Thủ tướng và Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 (Ban chỉ đạo) đã có định hướng rõ, thực tế áp dụng ở nhiều địa phương đã làm lộ ra những điểm yếu khiến kết quả chống dịch chưa như kỳ vọng. Thẳng thắn thừa nhận những hạn chế này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ ra nhiều lỗ hổng và cho rằng đây là bài học kinh nghiệm quý báu đối với công tác chống dịch của Việt Nam.

Sau chuyến đi thăm 6 tỉnh phía nam Sông Hậu hôm 7-8/8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, chia sẻ với báo chí về khả năng chia 19 tỉnh, thành phố phía Nam thành 3 nhóm với các chiến lược chống dịch cụ thể.

Vì sao số ca nhiễm vẫn tăng?

- Trong chuyến thăm 6 tỉnh vùng nam Sông Hậu vừa qua, Phó thủ tướng nhắc nhiều về xây dựng một vùng xanh khu vực này. Vì sao chúng ta có cách tiếp cận này?

- Một tháng trước, khi vào TP.HCM trực tiếp khảo sát, chúng tôi đã hình thành ngay chiến lược sơ bộ.

Tình hình TP.HCM rất khó khăn nên buộc phải khoanh lại bằng cách áp dụng Chỉ thị 16. Ngay sau đó, Ban chỉ đạo tính toán phải khoanh vùng rộng hơn xung quanh TP.HCM vì nếu không, cả khu vực sẽ lập tức "đỏ" rất nhanh vì lượng lớn người dân tìm cách từ TP.HCM tỏa ra. Do đó, toàn bộ 19 tỉnh, thành phía Nam buộc phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 dù nhiều địa phương chưa đến mức độ này.

Đúng như dự liệu ban đầu, vừa qua, tất cả địa phương báo cáo nếu không thực hiện Chỉ thị 16 thì tình hình bây giờ rất phức tạp.

Pho thu tuong Vu Duc Dam anh 2

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi về công tác điều trị tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang. Ảnh: VGP/Đình Nam.

Bây giờ, Ban chỉ đạo đã tương đối điều chỉnh được định hướng chống dịch riêng cho vùng TP.HCM và một số địa bàn lân cận. Chiến lược chung là mở rộng thật chắc chắn các vùng xanh, đẩy các vùng đỏ co cụm lại, khoanh thật nhiều lớp, cố gắng để khu vực xanh có thể trở lại cuộc sống bình thường mới.

Cụ thể là thúc đẩy Bình Phước và các tỉnh vùng nam Sông Hậu củng cố vững chắc và hình thành vùng xanh bền vững, lâu dài để làm "vùng hậu cứ". Từ đây, chúng ta tiếp tục mở rộng vùng xanh để bó chặt vùng đỏ TP.HCM lại. Còn trên địa bàn TP.HCM, phải giữ vững, mở rộng từng khu vực xanh.

- Đến nay, 19 tỉnh, thành phía Nam đã bước sang tuần giãn cách thứ 3 theo Chỉ thị 16, nhưng các ca bệnh vẫn tăng, nhiều tỉnh còn tăng nhanh. Nguyên nhân vì sao?

- Lãnh đạo các tỉnh, thành nơi tôi đến làm việc vừa qua đều nhận thấy một điều rằng nếu tất cả địa phương thực hiện Chỉ thị 16 nghiêm ngặt, ở tất cả cấp độ và không để lọt thì đương nhiên dịch bệnh sẽ không lan ra và tăng lên như vậy.

Nguyên nhân chính khiến số ca bệnh chưa giảm, một số nơi còn tăng là các tỉnh, huyện, thậm chí xã dù rất cố gắng, thực tế có chỗ chưa thực sự giãn cách người với người, nhà với nhà.

Ví dụ, lãnh đạo các địa phương đều phàn nàn là tại sao thực hiện Chỉ thị 16 rồi mà vẫn còn hàng chục, hàng trăm người dân tự phát lọt qua các chốt rồi tản về tỉnh, thành khác.

Pho thu tuong Vu Duc Dam anh 3

Hàng nghìn người từ TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam đổ về quê những ngày cuối tháng 7. Ảnh: Minh Quý.

Chúng ta ghi nhận nỗ lực và chia sẻ khó khăn với địa phương. Địa bàn rất rộng, nhiều nơi đường sá đi lại rất khó kiểm soát. Nhưng cũng phải khẳng định đây là trách nhiệm cả tất cả cấp ủy Đảng, chính quyền, cũng như mọi người dân.

Nếu chúng ta làm nghiêm quy định giãn cách thì sau khoảng 2 tuần là thấy kết quả tương đối rõ rệt, thường sau tuần thứ 3 và cùng lắm là tuần thứ 4 sẽ kiểm soát tốt. Làm chặt thì có thể giữ được thời gian giãn cách ngắn, còn làm lỏng thì không còn cách nào khác là kéo dài giãn cách, hệ quả là kinh tế thiệt hại, người dân mệt mỏi.

Nếu tất cả cấp ủy, chính quyền cùng quyết tâm làm thật nghiêm thì những ngày giãn cách còn lại hoàn toàn có thể giúp kiểm soát tốt tình hình. Tôi không nói là sẽ hết sạch ca bệnh, nhưng điểm nóng sẽ được khoanh lại ở những nơi cụ thể, vây bằng nhiều lớp.

Còn cả khu vực sẽ hình thành được vùng xanh để làm hậu cứ, song song với tiếp tục kiểm soát dịch bệnh tại TP.HCM và vùng lân cận.

Giữ thật chắc vùng xanh

- Một vấn đề nổi lên trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16 là dù cùng thực hiện phương châm "4 tại chỗ", dường như không phải tỉnh nào cũng làm được?

- Phương châm "4 tại chỗ" được Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 đặt ra từ hơn một năm trước. Nhưng đến nay, dễ thấy việc mua sắm vật tư thiết bị, chuẩn bị chỗ để cách ly tập trung, thu dung điều trị giữa các địa phương có sự khác nhau.

Dù đã nói phải xây dựng kịch bản để hướng tới tình huống xấu hơn, chỉ sau khi dịch tại TP.HCM bùng phát rất nặng, nhiều địa phương mới bắt đầu xây dựng kịch bản cao hơn. Đây là bài học kinh nghiệm.

Chỉ sau khi dịch tại TP.HCM bùng phát rất nặng, nhiều địa phương mới bắt đầu xây dựng kịch bản cao hơn

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Nếu chỉ có 1-2 địa phương nặng thì còn tập trung dồn sức hỗ trợ được như Bắc Ninh, Bắc Giang trước đây. Không thực hiện tốt "4 tại chỗ" và đặc biệt, nếu không thực hiện nghiêm ngặt giãn cách, để nhiều nơi cùng bị nặng thì sẽ không có lực lượng chi viện, lúc đó, hậu quả rất lớn.

Một thực tế khác là nhiều địa phương tập trung nguồn lực để dập các điểm nóng dịch, trong khi vùng xanh chưa được chú ý, dẫn đến tình trạng vùng xanh ngày càng bị thu hẹp, như tại TP.HCM.

Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, Thủ tướng và Ban chỉ đạo đều nhấn mạnh phải thực hiện quyết liệt cả 2 mũi - truy vết, khoanh vùng ổ dịch và giữ bằng được vùng an toàn. Tuy nhiên, nhiều nơi chưa chú ý lắm đến mũi thứ 2.

Nhiều nơi sau khi Ban chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc và nêu ra vấn đề này, địa phương đã bắt tay vào thực hiện. Nhưng sau một thời gian thấy vùng đỏ nóng quá thì lại nghiêng sức dồn sang các vùng nóng và quên mất một điều là để có thể dập được dịch ở vùng đỏ thì vùng xanh cũng phải thật vững chắc.

Tôi rất mừng vì gần đây, kể cả TP.HCM và các tỉnh phía Nam đã chú ý hơn đến mũi giữ vùng xanh. Điều rất đáng quý là tinh thần giữ vùng xanh không chỉ xuất phát từ chỉ đạo của tỉnh mà một số địa phương đã tự đứng lên, đăng ký và tổ chức để giữ cho cụm, ấp, xã của mình thành vùng xanh.

Pho thu tuong Vu Duc Dam anh 4

Công tác tổ chức xét nghiệm giữa các địa phương rất khác nhau. Ảnh: Phạm Ngôn.

- Tổ chức xét nghiệm giữa các tỉnh, thành phố rất khác nhau. Thực tế có tỉnh dùng nhiều bộ xét nghiệm nhanh mà tình hình dịch vẫn không tốt hơn nơi khác. Hiện tượng này được giải thích thế nào?

- Xét nghiệm là vấn đề thuộc chuyên môn của ngành y tế và ngành y tế đã có hướng dẫn. Nhưng việc xét nghiệm đòi hỏi rất nhiều ở sự nhạy bén của địa phương gồm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), y tế, và lãnh đạo địa phương.

Điều tôi nhận thấy khi làm việc với các địa phương là nơi nào ngành y tế báo cáo và diễn nôm được các vấn đề chuyên môn với lãnh đạo tỉnh để chỉ đạo thật sát thì công tác chống dịch nói chung và việc xét nghiệm nói riêng ở đó hiệu quả hơn.

Điều quan trọng là địa phương phát huy sáng tạo để có biện pháp xét nghiệm hiệu quả

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Mục tiêu lớn nhất của chúng ta là phát hiện được F0, truy vết, xét nghiệm, bóc F0 ra khỏi cộng đồng. Nhưng có cách làm hiệu quả thì tiết kiệm hơn được cả về tiền bạc và nhân lực. Còn nơi nào không chủ động, không căn cứ được vào thực tiễn của địa bàn, không phát huy được sáng tạo sát thực tiễn thì thường dùng rất nhiều xét nghiệm. Đây cũng là một kinh nghiệm.

Tôi đã yêu cầu ngành y tế cập nhật ngay hướng dẫn về xét nghiệm, địa bàn nào sử dụng công nghệ nào, loại xét nghiệm nào tùy vào tình hình diễn biến của dịch, tần suất cụ thể ra sao để hiệu quả và cố gắng tiết kiệm. Chống được dịch rồi nhưng tốn ít tiền hơn thì vẫn tốt hơn.

Tuy nhiên, hướng dẫn của Bộ Y tế là khuôn mẫu chung cho cả nước. Điều quan trọng là địa phương phát huy sáng tạo để có biện pháp xét nghiệm hiệu quả.

Pho thu tuong Vu Duc Dam anh 5

Nhiều địa phương chủ động, sáng tạo trong công tác điều trị nhằm giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng. Ảnh: Việt Linh.

- Về công tác điều trị, theo ông, chúng ta cần rút kinh nghiệm gì?

- Phác đồ điều trị Covid-19 của Bộ Y tế là mô hình 3 tầng điều trị. Nhưng một số địa bàn cụ thể đã có cách vận dụng sáng tạo, phù hợp với tình hình.

Tôi nhận thấy nhiều nơi phân định người nhiễm không có triệu chứng riêng và không coi họ là người bệnh. Những người này được quản lý chặt, không để tiếp xúc, lây ra bên ngoài và được chăm sóc tốt, cung cấp dinh dưỡng, ăn ngủ tốt, có chỗ vận động thì sức khỏe tăng lên, tỷ lệ chuyển sang có triệu chứng giảm đi rất nhiều.

Ví dụ tại Củ Chi (TP.HCM) và một số nơi thì trong 100 người, chỉ 20 người có triệu chứng, còn 80 người sẽ tự khỏi. Nơi làm sáng tạo thì tỷ lệ này xuống dưới 10%, thậm chí có nơi rút xuống 5%. Còn nơi làm không tốt, để F0 có triệu chứng ở chung với người không triệu chứng, điều kiện chật chội, không gian kín, không có chỗ vận động thì tỷ lệ này có thể lên tới 30%.

Kinh nghiệm là cần phát huy sự sáng tạo của bên dưới. Muốn giảm tỷ lệ tử vong ở tầng điều trị trên cùng thì phải giảm ở tầng thấp nhất, sao cho không phải chuyển lên tầng trên. Đây là một trong những kinh nghiệm rất quý rút ra từ thực tiễn chống dịch vừa rồi.

Cố gắng giữa tháng 9 kiểm soát dịch phía Nam

- Làm thế nào để các tỉnh, thành cân bằng giữa việc vừa chống dịch vừa đảm bảo đời sống người dân, duy trì phát triển kinh tế?

- Mục tiêu kép được chúng ta xác định từ khi bắt đầu có dịch nhưng phải luôn luôn cân đối làm sao thực hiện tốt cả hai. Tuy nhiên, hai mục tiêu này nhiều lúc còn mâu thuẫn với nhau nên đây là vấn đề rất đau đầu.

Nếu giãn cách thật rộng, cứ có một ổ dịch là giãn cách ngay cả tỉnh hay toàn quốc thì đương nhiên chống dịch dễ hơn nhưng mục tiêu phát triển kinh tế ảnh hưởng nặng nề hơn. Còn nếu cố gắng giãn cách quy mô thật hẹp thì chống dịch sẽ vất vả hơn nhưng thiệt hại kinh tế nếu chống được dịch sẽ ít hơn.

Nhưng điều đặc biệt quan trọng là dù giãn cách ở quy mô rộng hay hẹp thì phải làm nghiêm thật sự. Nếu giãn cách mà bao vây vòng ngoài, bên trong để nguyên thì dịch sẽ lan bên trong, quy mô giãn cách nhỏ thì dịch lây lan ở khu vực nhỏ, quy mô giãn cách lớn thì dịch lan ở khu vực lớn.

Thủ tướng đã nhiều lần nói trong trường hợp có mâu thuẫn giữa mục tiêu kinh tế và bảo vệ tính mạng, tài sản, sức khỏe của nhân dân thì chống dịch phải nghiêng về phía bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tùy từng địa phương, từng thời điểm cân đối giữa 2 mục tiêu này.

Nếu có mâu thuẫn giữa mục tiêu kinh tế và bảo vệ sức khỏe của nhân dân thì chống dịch phải nghiêng về phía bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Thời điểm hiện nay, tôi cho rằng trên quy mô toàn quốc, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh thì trong thời gian ngắn phải nghiêng về phía chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Chúng ta làm thật nghiêm thì sẽ có ách tắc về sản xuất lưu thông, đời sống của người dân bị ảnh hưởng, sinh hoạt bị xáo trộn. Nhưng làm nghiêm trong một thời gian ngắn còn hơn là làm không chặt, không nghiêm, để dịch tiếp tục lây lan dai dẳng thì sẽ rất khó khăn cho công tác chống dịch.

- Thời gian tới, chiến lược để giảm số lượng tử vong tại các vùng đỏ đậm đặc như TP.HCM là gì?

Trên phạm vi cả nước, chiến lược chung vẫn là làm sao ngăn chặn được dịch, giảm số người nhiễm. Một hệ thống y tế nói chung và hệ thống điều trị của Việt Nam nói riêng nếu quá nhiều người bị nhiễm, chắc chắn quá tải. Ngay lúc không có dịch, rất nhiều bệnh viện tuyến trên đã quá tải.

Thực tế phải thừa nhận ở TP.HCM vừa qua là khi số ca nhiễm tăng, các bệnh viện điều trị Covid-19 quá tải. Bộ Y tế đã chỉ đạo để xây dựng khẩn cấp thêm bệnh viện.

Nhưng một điều quan trọng không kém là phải làm sao tận dụng toàn bộ cơ sở y tế hiện có trên địa bàn, tập trung lực lượng để cứu chữa ngay từ khi người bệnh có triệu chứng nhẹ. Phương châm là "cao hơn một mức, sớm hơn một bước" với mục tiêu giảm tỷ lệ người nhiễm bệnh có triệu chứng và chuyển nặng.

Một số quận tại TP.HCM rất mạnh dạn và sáng tạo, tập trung điều trị ngay từ tuyến dưới (tầng 1). Trung tâm, bệnh viện dã chiến đã tăng cường oxy tập trung, máy thở oxy dòng cao (HFNC) để cứu chữa ngay từ tầng điều trị này. Đây là kinh nghiệm rất quý.

Pho thu tuong Vu Duc Dam anh 6

Phó thủ tướng đặt mục tiêu kiểm soát dịch tại TP.HCM vào giữa tháng 9. Ảnh: Phương Lâm.

- Trước thực tế hiện nay, Chính phủ dự kiến bao giờ dịch ở khu vực phía Nam sẽ được kiểm soát?

- Khu vực 19 tỉnh, thành phía Nam phải chia làm 3 cấp độ.

Nhóm một là các tỉnh ở khu vực nam sông Hậu, phải hạ quyết tâm hết thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh trên quy mô từng tỉnh và cả khu vực. Kiểm soát tốt không có nghĩa là các tỉnh hết sạch ca bệnh mà phải kiểm soát tốt vùng xanh trong từng tỉnh. Những vùng còn các ổ dịch phải dồn lại, quây nhiều vòng, cả khu vực hình thành vành đai xanh vững chắc.

Nhóm thứ 2 là một số tỉnh còn lại (trừ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An), chúng tôi cho rằng phải hạ quyết tâm 20 ngày nữa kiểm soát tốt dịch, tức là vùng xanh phải vững, dồn quy mô vùng phức tạp lại. Các tỉnh này có thể quy mô vùng đỏ sẽ lớn hơn nên phải khoanh lại nhiều lớp. Sau 20 ngày, mở rộng vùng này ra.

Nhóm thứ 3 là TP.HCM và một số khu vực của Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Đồng Nai, Bình Dương và Long An phải đặt quyết tâm cố gắng cơ bản cuối tháng 8 kiểm soát được dịch. Chậm lắm thì phải cùng với TP.HCM để giữa tháng 9 kiểm soát được dịch bệnh trên cả vùng.

Với nhóm này, khái niệm kiểm soát tốt, kiểm soát được hơi khác các vùng khác.

Chúng ta phải đẩy mạnh tiêm vaccine và giữ vững, mở rộng vùng xanh bên trong địa phương và giữ thật chặt. Khôi phục sản xuất và đi lại của bà con một cách có điều kiện. Đừng quên là tiêm vaccine xong thì người được tiêm rồi vẫn có thể nhiễm bệnh và lây cho người khác. Vaccine chỉ có tác dụng giúp giảm tỷ lệ người bị bệnh nặng.

Như vậy, chúng ta phải có khái niệm "bình thường mới" ở khu vực này khác với bình thường mới của khu vực còn lại. Sau đó, khu vực của TP.HCM phải tạo một vành đai. Bên trong thì thực hiện theo bình thường mới giống như một số nước mở cửa dần trở lại sau khi đã bị nhiễm rất nặng và đạt được miễn dịch cộng đồng. Còn bình thường mới ở các khu vực bên ngoài sẽ tương tự như cả Việt Nam.

Ưu tiên vaccine cho TP.HCM để đạt miễn dịch cộng đồng

Dù địa phương nào cũng mong có vaccine sớm, tất cả đồng tình với tinh thần "tất cả hướng về TP.HCM" bởi lẽ TP.HCM và khu vực Đồng Nai, Bình Dương, Long An đang nhiễm rất nặng và sâu. Chính phủ đã thống nhất ưu tiên dồn vaccine cho khu vực này để đạt được miễn dịch cộng đồng sớm nhất.

Bộ Y tế được Chính phủ giao là đầu mối đàm phán nhập khẩu vaccine và đã ký số lượng lớn, đủ để miễn dịch cộng đồng cho toàn bộ nhân dân Việt Nam, mỗi người tiêm đủ 2 mũi. Nhưng vấn đề là vaccine về lúc nào thì chúng ta không chủ động được.

Tôi dự kiến đến cuối năm vaccine không thiếu, sẽ về rất nhiều. Nhưng trong vài tuần tới, theo Bộ Y tế báo cáo thì các lô được cam kết về rất ít.

Tinh thần là vaccine về đến đâu thì Chính phủ, Thủ tướng đã thống nhất ưu tiên tối đa cho TP.HCM. Ngày 9/8, khi vừa nhận lô 590.000 liều vaccine AstraZeneca, Bộ Y tế đã phân ngay cho TP.HCM 530.000 liều.

 
 
Theo zingnews.vn
back to top