Phổ điểm Tiếng Anh bất thường do đề thi hay chênh trình độ?

PGS Đỗ Văn Dũng cho rằng phổ điểm Tiếng Anh có 2 đỉnh do trình độ ngoại ngữ giữa các địa phương chênh lệch lớn. TS Hoàng Ngọc Vinh nêu quan điểm lỗi nằm ở khâu ra đề thi.

Phổ điểm Tiếng Anh nhận được sự chú ý của chuyên gia ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố. Cụ thể, một đỉnh của phổ điểm môn học này nằm ở mức điểm 4 với hơn 29.500 bài thi, chiếm 3,4%. Đỉnh thứ 2 nằm ở mức điểm 9 với 24.471 bài thi, chiếm 2,82% tổng số bài thi.

Phổ điểm thi Tiếng Anh ở các năm trước hoặc môn học khác năm nay đều theo hình chuông (một đỉnh). Các ý kiến tranh luận đều thống nhất phổ điểm Tiếng Anh không phải dạng phân bố chuẩn.

pho diem tieng Anh bat thuong anh 1

Chênh lệch trình độ giữa các địa phương?

Theo PGS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, nguyên nhân dẫn đến phổ điểm môn Tiếng Anh lạ nhất từ trước đến nay là do trình độ ngoại ngữ, cách dạy và học của giáo viên, học sinh giữa các địa phương chênh lệch quá lớn, nhất là khi chuyển sang học online do dịch bệnh.

Trong điều kiện bình thường, học sinh và giáo viên ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa đều cố gắng bám theo vì họ nhận thức Tiếng Anh vẫn là môn quan trọng. Nhưng khi chuyển sang dạy, học online, các em vùng sâu, vùng xa gần như không có Internet và thiết bị di động để học. Học ngoại ngữ online rất khó cho học sinh vùng nông thôn. Từ đó, nhiều em "buông", xác định chỉ cần qua điểm liệt.

"Điều đó thể hiện rõ ở kết quả thi, số học sinh điểm Tiếng Anh dưới trung bình và số điểm cao đều lớn, tạo thành 2 đỉnh trên phổ điểm. Điều này chứng tỏ học sinh ở vùng quê đến câu dễ cũng không làm được còn học sinh thành phố thì đạt kết quả tốt", PGS Dũng nhận định.

Ông cho rằng đây cũng là điều dễ hiểu bởi thực tế phụ huynh, học sinh ở khu vực thành phố đầu tư vào Tiếng Anh rất nhiều. Phần lớn các em được học thêm Tiếng Anh từ bé, cùng giáo viên nước ngoài. Học sinh thành phố cũng có điều kiện học online tốt hơn với đầy đủ mạng, thiết bị học tập. Ngược lại, học sinh ở nông thôn chủ yếu học sách giáo khoa, chưa kể ngoài trình độ giáo viên nhiều nơi còn yếu.

"Đây là sự bất công và bất cập rất lớn mà chúng ta phải giải quyết và hỗ trợ các em học sinh vùng nghèo khó trong những năm tới", ông nói.

Tương tự, TS Vũ Thị Phương Anh, nguyên là trưởng khoa Ngoại ngữ/Tiếng Anh của nhiều trường đại học lớn tại TP.HCM, từng là thành viên tư vấn chiến lược cấp quốc gia của Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020 từ năm 2014, cho rằng phổ điểm năm nay của môn Tiếng Anh rất đáng ngại.

Một đề thi trắc nghiệm tốt phải có phổ điểm đều đặn với đỉnh ở giữa. Phổ điểm này có 2 đỉnh, không theo quy luật phân bố thông thường, thể hiện sự bất bình đẳng trong giáo dục phổ thông. Hai đối tượng khác nhau rõ rệt đang được đánh giá bởi cùng một bài thi, ít nhất ở môn Tiếng Anh.

Thực trạng dạy và học môn Tiếng Anh, thành phố lớn có điều kiện tốt hơn hẳn, vùng quê không có điều kiện và thầy cô yếu hơn. Với việc dạy học ngoại ngữ, điều kiện giáo viên, sự đầu tư có tác động rất lớn nên sự bất bình đẳng lộ rõ qua môn học này. Theo lý giải của TS Vũ Thị Phương Anh, sở dĩ đến năm nay phổ điểm mới phân hóa rất rõ 2 đối tượng này là bởi việc dạy học, ôn thi online trong thời gian qua.

Theo bà, với phổ điểm Tiếng Anh năm nay, chúng ta cần phân tích, kiểm tra dữ liệu và thực hiện ngay một cuộc điều tra xã hội học để xem đối tượng nào đạt mức điểm nào quanh hai đỉnh cao và thấp. Các điều kiện về kinh tế - xã hội của từng đối tượng, đầu tư cho giáo dục của các đối tượng khác nhau.

Từ đó, các nhà làm chính sách có những chiến lược phù hợp để giảm bất bình đẳng ở giữa các đối tượng hoặc các khu vực. Bởi, giáo dục phổ thông là một trong những quyền cơ bản của người dân. Bình đẳng về quyền tiếp cận giáo dục có chất lượng là điều chúng ta cần phải nhắm đến.

pho diem tieng Anh bat thuong anh 2

"Lỗi nằm ở khâu ra đề"

TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Tổ tư vấn Ủy ban đổi mới Giáo dục - Đào tạo, nhận xét phổ điểm thi Tiếng Anh giống hình hình yên ngựa với 2 cực trị được các nhà thống kê gọi là phân bố hai đỉnh (bimodal), xuất hiện trong phân bố thống kê.

Ông cho rằng lỗi nằm ở khâu ra đề thi. Bài kiểm tra chuẩn phải có phổ điểm phân bố hình chuông. Đỉnh phân bố lệch phải thì đề dễ, lệch trái thì đề khó. Nếu cộng 2 phổ điểm chuẩn cũng phải ra một phổ điểm chuẩn. Nhưng năm nay, điểm thi Tiếng Anh lại phân bố bất thường và khác hẳn những năm trước.

"Nếu lý giải phổ điểm năm nay cho thấy sự khác nhau giữa chất lượng dạy ở các địa phương thì tại sao năm nay mới chênh lệch? Tại sao các môn thi khác lại không có hiện tượng tương tự dẫn đến xuất hiện phân bố giống như Tiếng Anh?", TS Vinh đặt câu hỏi.

Mặt khác, ông cho rằng số điểm 10 môn Tiếng Anh năm nay gấp 19 lần năm ngoái cũng cần được phân tích, lý giải. Liệu có bất thường hay không khi chỉ sau một năm mà số điểm 10 lại nhảy vọt như thế?

"Đã là bài thi chuẩn hóa (standardized test) thì phổ điểm sẽ được phân bố chuẩn theo hình chuông có một đỉnh. Mọi phân bố bất thường, khác phân bố chuẩn, thì cần xem lại, hiệu chỉnh đề thi. Một số ý kiến cho rằng phổ điểm bất thường do việc coi thi nghiêm túc và lơ là ở các địa phương khác nhau. Tôi không nghĩ như vậy. Nếu thiếu nghiêm túc trong coi thi thì sẽ xuất hiện phổ điểm kiểu yên ngựa ở các môn thi khác", TS Vinh nhận định.

pho diem tieng Anh bat thuong anh 3

TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT, xem phổ điểm Tiếng Anh năm nay là một vấn đề rất thú vị cần giải mã. Ông và nhiều người làm giáo dục đều muốn tìm hiểu hiện tượng này.

"Tôi cho rằng nên phân tích, bóc tách dữ liệu xem những thí sinh có điểm Tiếng Anh từ 4,5 trở xuống (đỉnh bên trái) rơi vào địa bàn, trường nào. Tương tự, những thí sinh có điểm thi từ 7 trở lên (đỉnh bên phải) nằm ở địa phương nào? Chúng ta phải có phổ điểm môn Tiếng Anh cụ thể ở từng địa phương và từng trường phổ thông. Nếu không có dữ liệu, mọi nguyên nhân đưa ra chỉ là giả thuyết, phỏng đoán", ông gợi ý hướng phân tích.

Theo kinh nghiệm cá nhân, TS Ngọc nghiêng về giả thuyết chênh lệch trình độ giữa các địa phương. Ông cho rằng dù đề khó, dễ thế nào thì phổ điểm cũng phải ở dạng hình chuông với 1 đỉnh. Nhưng phổ điểm Tiếng Anh lại có 2 đỉnh là có vấn đề. Còn vấn đề nằm ở đâu thì phải tiếp tục phân tích, so sánh dữ liệu.

"Tôi dự đoán vấn đề là do cách dạy, cách học tiếng Anh giữa các địa phương có sự chênh lệch. Ở thành phố và các địa phương kinh tế phát triển, phụ huynh, học sinh đầu tư hơn cho việc học Tiếng Anh, chất lượng giáo viên, điều kiện học bổ trợ tốt hơn dẫn đến kết quả thi cử tốt hơn. Ở nông thôn, vùng sâu vùng xa thì ngược lại"

TS Quách Tuấn Ngọc cho rằng đây là một phổ điểm bất thường, có vấn đề. Với chức trách của mình, Cục quản lý chất lượng của Bộ GD&ĐT nên phân tích dữ liệu, làm rõ nguyên nhân để không để xảy ra sai sót cho những năm sau. Nếu vấn đề là do sự chênh lệch trình độ giữa các địa phương, mà sâu xa hơn là do điều kiện dạy và học, Bộ GD&ĐT càng nên tìm hiểu để có sự điều chỉnh.

Phép cộng của 2 phổ điểm chuẩn

Giải đáp vấn đề phổ điểm lạ môn tiếng Anh, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&DT, nói đây dường như là phép cộng của 2 phổ điểm chuẩn. Một phổ điểm ứng với vùng có số điểm thấp, một phổ điểm ứng với vùng có số điểm cao hơn.

Đối với nhóm thí sinh thuộc vùng miền khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… đặc biệt 2 năm qua chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, các em phải học trực tuyến khiến việc học Ngoại ngữ bằng hình thức này có những thiệt thòi nhất định. Kết quả phân tích phổ điểm của nhóm thí sinh thuộc vùng miền này cho thấy điểm trung bình thấp hơn nhưng dạng phổ điểm gần với phân bố chuẩn.

Tương tự, phân tích với nhóm thí sinh ở vùng có điều kiện thuận lợi hơn, kết quả điểm trung bình tốt hơn, có nhiều điểm cao hơn và phổ điểm cũng gần với phân bố chuẩn.

Theo ông Trinh việc phân tích như vậy cho thấy đề thi môn Tiếng Anh năm nay phản ánh khách quan kết quả học tập của thí sinh cũng như điều kiện dạy học của các nhà trường là khác nhau, đặc biệt giữa các nhà trường ở vùng thuận lợi và vùng khó khăn.

 
Theo zingnews.vn
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top