Philippines đào tạo sĩ quan tên lửa, chuẩn bị nhận SPYDER của Israel

(khoahocdoisong.vn) - Trang INQUIRER.net cho biết, không quân Philippines (PAF) bắt đầu đào tạo các sĩ quan điều khiển hệ thống tên lửa phòng không SPYDER (tên lửa PYthon và DERby) (GBADS) sắp được Rafael, Israel chuyển giao.

Khóa đào tạo Sĩ quan điều khiển Hệ thống Tên lửa đầu tiên bắt đầu ngày 1/3 tại Đơn vị Phòng thủ Tên lửa và Phòng không số 960 của PAF, Căn cứ Không quân Basa tại thị trấn Floridablanca, tỉnh Pampanga.

Khóa đào tạo nhằm mục đích cung cấp cho các sĩ quan PAF "kiến thức và kỹ năng cho các sĩ quan điều khiển tên lửa, đảm bảo khả năng chỉ huy thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không". PAF dự kiến sẽ nhận được ba khẩu đội SPYDER GBADS, việc chuyển giao hàng dự kiến bắt đầu trong năm 2021.

Rafael đã cung cấp thiết bị có thể giao ban đầu như một phần thuộc dự án, bao gồm trang thiết bị đào tạo, trang thiết bị hỗ trợ và phụ tùng thay thế

Tháng 12/2018, Không quân Philippines quyết định lựa chọn Hệ thống Phòng không Rafael SPYDER (ADS) để đáp ứng các yêu cầu về hệ thống phòng không mặt đất. Tổ hợp tên lửa này đã đánh bại các đối thủ khác đến từ Đức, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ và một số quốc gia khác.

Chính phủ Philippines đã chi khoảng 6 tỷ peso cho ba khẩu đội, trong đó có radar, bộ khí tài chỉ huy và điều khiển, các tên lửa phòng không Python 5 và I-Derby. Cả hai tên lửa Python 5 và I-Derby đều được sử dụng phóng từ mặt đất và phóng từ trên không, cho phép tích hợp vào máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 của PAF.

Mặc dù quyết định từ tháng 12/2018, nhưng Thông báo về Trúng thầu (NOA) chỉ được cung cấp cho Rafael tháng 6/2019 và hợp đồng được ký giữa Rafael và Bộ Quốc phòng Philippines (DND) quý 3/2019.

Hệ thống Phòng không trên mặt đất Rafael SPYDER có khả năng cơ động cao, có thể vận chuyển bằng máy bay vận tải quân sự (C-130 Hercules).

SPYDER (tên lửa phòng không PYthon and DERby) là hệ thống phòng không di động tầm ngắn và tầm trung của Israel, do tập đoàn Rafael Advanced Defense Systems thiết kế và phát triển, kết hợp với tập đoàn Israel Aerospace Industries (IAI). Trong đó Rafael là nhà thầu chính và IAI là nhà thầu phụ chính cho chương trình SPYDER của quân đội Israel. Hệ thống chỉ huy, điều khiển hỏa lực (CCU) của SPYDER được trang bị Radar trinh sát giám sát mảng pha quét điện tử chủ động 3D (AESA) Elta EL / M-2106.

Hệ thống phòng không này này kết quả gây sự quan tâm đặc biệt năm 2005, trong cuộc thử nghiệm ở Shdema, Israel, tên lửa được phóng đánh trúng đích mục tiêu. Ngoài Israel, hiện hệ thống tên lửa SPYDER có trong biên chế của nhiều quốc gia như Singapore, Cộng hòa Séc, Ethiopia, Georgia, Ấn Độ, Peru, Philippines, Singapore và Việt Nam.

SPYDER là một hệ thống tên lửa đất đối không phản ứng nhanh, có khả năng tấn công các loại máy bay chiến đấu, trực thăng, UAV và các loại vũ khí bay dẫn đường chính xác. SPYDER được sử dụng để phòng không cho các vũ khí trang thiết bị có ý nghĩa chiến dịch, chiến thuật cao, có khả năng phòng không các vị trí, phòng không khu vực cho các lực lượng cơ động trong vùng tác chiến.

Hệ thống được lắp trên thân xe vận tải Tatra, xe tải Mercedes-Benz Actros, xe tải MAN TGS, xe tải Scania P-series, xe tải Dongfeng hoặc TELAR. Hệ thống phóng SPYDER được thiết kế để sử dụng các tên lửa đất đối không Python-5 và Derby, có cấu trúc thiết kế và tính năng kỹ chiến thuật tương tự như với các tên lửa không đối không.

Có hai biến thể hệ thống SPYDER: SPYDER-SR (tầm ngắn) và SPYDER-MR (tầm trung). SPYDER tầm ngắn có độ cao đánh chặn tối đa 9 km và phạm vi đánh chặn tối đa 15 km.

SPYDER-MR có phạm vi chiến thuật đến 35 km và độ cao đạt 16 km do tên lửa được trang bị thêm động cơ đẩy tăng tốc.

Theo TGO
back to top