Phép chữa trị các chứng can hỏa

(khoahocdoisong.vn) - Can hỏa là chứng thường thấy của tạng can khi nó mắc bệnh. Tùy vào các triệu chứng của bệnh mà có các cách trị liệu khác nhau.

Nguyên nhân gây can hỏa (gan nóng) thường là do tình trí không thoải mái, uất lại gây giận dữ làm tổn thương can (thực hỏa, hỏa uất) hoặc thận âm không đủ để nuôi dưỡng can mộc (hư hỏa). Biểu hiện của thực hỏa, hỏa uất không giống với hư hỏa. Tùy theo triệu chứng chính có các cách chữa khác nhau.

Thực hỏa: Người bị thực hỏa thường có gò má đỏ, thao cuồng kinh quyết, lâm bế (đái khó), sang dương (mụn nhọt), háu đói hay khát, nôn, không ngủ, nôn ra máu, đại tiện ra máu, họng đau, sườn đau, mạch huyền hữu lực. Tùy triệu chứng chính, sử dụng các phép chữa sau:

Thanh can hỏa: Nếu can hỏa gây triệu chứng trên (sườn đau, nôn, bụng trên đầy tắc, ợ hơi...) là chính thì dùng phép điều trị “thanh can hỏa”. Phương thuốc “tả kim hoàn” gồm: Hoàng liên 6 lạng, ngô thù 1 lạng, tán mịn làm hoàn nước, uống 2 – 3 g/lần. Có thể làm thuốc thang. Hoàng liên (khổ hàn) để thanh can hỏa; ngô thù du (tân nhiệt) để chế khổ hàn của hoàng liên, có thể vào can để giáng nghịch, hòa vị.

Thanh kim chế mộc: Nếu “thanh can hỏa” không có kết quả dùng phép điều trị “thanh kim chế mộc”. Phương thuốc gồm: Sa sâm, mạch môn, thạch hộc, thiên môn, ngọc trúc, tỳ bà diệp, thanh quyết minh.

Tả can hỏa: Nếu can hỏa thịnh ở trong lên trên dùng phép trị “tả can hỏa” bằng phương thuốc “long đờm tả can thang”, “đương quy long hội hoàn” hoặc “tả thanh hoàn”...

“Long đởm tả can thang” dùng trong trường hợp biểu hiện ở trên đau mắt, đỏ mắt, ù tai, miệng đắng (chú ý có thể dùng cả trong trường hợp thấp nhiệt hạ chú sưng bìu, ngứa bìu, mồ hôi ở bìu, khí hư ở nữ...). Thuốc gồm: Long đờm thảo 2 đồng cân (đ.c = 37,5g), chi tử 3 đ.c, mộc thông 3 đ.c, đương quy 1 đ.c, sài hồ 2 đ.c; hoàng cầm 3 đ.c; trạch tả 4 đ.c, xa tiền tử 3 đ.c, sinh địa 3 đ.c, sinh cam thảo 3 đ.c. Long đờm thảo (đại khổ hàn) để tả thực hỏa của can đởm, tả thấp nhiệt ở hạ tiêu. Hoàng cầm, chi tử (khổ hàn) để tả hỏa. Trạch tả, mộc thông, xa tiền tử để thanh nhiệt lợi thấp đưa ra bằng tiểu tiện. Sinh địa, đương quy để tư dưỡng âm huyết. Sài hồ dẫn thuốc vào can đởm. Cam thảo để điều hòa các vị thuốc.

“Đương quy long hội hoàn” để tà thực hỏa ở can đởm. Thuốc gồm: Đương quy 1 lạng, chi tử hoàng liên 1 lạng, hoàng cầm 1 lạng, địa hoàng 5 đ.c, sạ hương 0,5 đ.c, long đờm thảo 5 đ.c, hoàng bá 1 lạng, lô hội 5 đ.c, mộc hương 1,5 đ.c. Tán mịn, luyện mật làm hoàn như hạt đậu nhỏ hoặc hạt vừng, mỗi lần uống 20 viên (tương đương 2 đ.c). Đương quy để tư dưỡng âm huyết. Long đờm thảo, chi tử, hoàng liên, hoàng bá, hoàng cầm để tả thực hỏa ở can đởm. Lô hội, đại hoàng để thông tiện. Mộc hương để lý khí. Sạ hương để khai khiếu. Như vậy, phương thuốc này dùng trong tả hỏa (khi có táo bón nhiều hoặc ý thức lơ mơ).

Tả thanh hoàn” để tả hỏa ở kinh can. Phương thuốc gồm: Đương quy, long đờm thảo, xuyên khung, chi tử, đại hoàng, khương hoạt, phòng phong lượng đều nhau tán mịn, hoàn mật bằng đầu gà mỗi lần uống ½ đến 1 hoàn với thang bằng trúc diệp (nay có thể hoàn nước, mỗi lần uống 6g bằng nước ấm hoặc nước sắc trúc diệp). Trẻ em dùng ½ liều. Đương quy để tư dưỡng âm huyết. Long đờm thảo, chi tử để tả can hỏa. Đại hoàng để thông tiện. Xuyên khung, khương hoạt, phòng phong để thông kinh lạc.

Chú ý: Nếu dùng phép thanh can hỏa, tả can hỏa mà không kết quả thì phải gia thêm hoàng liên (tả tâm hỏa), cam thảo điều hòa các vị thuốc.

GS Hoàng Bảo Châu (nguyên Viện trưởng Viện Y học cổ truyền T.Ư)

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top