Phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030

(khoahocdoisong.vn) - Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5 - 2% tổng diện tích,  diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 1% tổng diện tích đất trồng trọt. Các cây trồng chủ lực là lúa, rau đậu các loại, cây ăn quả, chè, hồ tiêu, cà phê, điều, dừa...

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030.

Đề án nhằm phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1 - 2% tổng sản phẩm chăn nuôi trong nước. Ưu tiên đầu tư vào các sản phẩm như sữa, mật ong, yến sào, thịt gia súc gia cầm. Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 0,5 - 1,5% tổng diện tích, tập trung cho một số loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế như tôm nước lợ, tôm càng xanh, các loài thủy sản bản địa...

Bên cạnh đó, Đề án hướng tới nâng cao hiệu quả của sản xuất hữu cơ trên một đơn vị diện tích lên gấp 1,3 - 1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ...

Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.

Nhiệm vụ chủ yếu đặt ra để đạt được các mục tiêu trên là phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung và các sản phẩm hữu cơ chủ lực; phát triển đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất sản phẩm hữu cơ; nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp hữu cơ; phát triển các tổ chức chứng nhận, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy trình kỹ thuật; tăng cường chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩn hữu cơ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Đề án. UBND các tỉnh, thành phố xác định sản phẩm lợi thế, lĩnh vực chủ lực để phối hợp với Bộ Nông nghiệp triển khai dự án. UBND các tỉnh, thành phố bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện các dự án.

Theo Đời sống
back to top