Phẫu thuật thành công ca ghép da đồng loại nhi đầu tiên ở bệnh viện Nhi Đồng 2

Ngày 9/3/2018, các bác sĩ khoa bỏng tạo hình bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) đã phối hợp cùng TS.BS Ngô Đức Hiệp (Trưởng Khoa Phỏng – tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM) phẫu thuật thành công ca ghép da đồng loại (từ ba cho con) đầu tiên cho bé trai T.Đ.K (3 tuổi, ngụ Đắk Nông) bị bỏng độ 2-3 do lửa, cháy gần toàn bộ da cơ thể (80% diện tích da).

Người nhà bé K. cho biết, trong lúc ba mẹ đi làm, bé K. ở nhà đã nghịch lửa gây cháy nhà, khiến bé bị bỏng sâu.

Bé được đưa đến bệnh viện Nhi Đồng 2 cách đây 2 tháng. Ngay khi nhập viện, các bác sĩ tiến hành điều trị tích cực cho bé để bé qua cơn nguy kịch do sốc phỏng và nhiễm trùng. Tuy nhiên, do bé bị phỏng độ 2-3, cháy gần toàn bộ da cơ thể ( 80% diện tích da) nên nếu không có phương pháp điều trị thích hợp che phủ vùng da bị tổn thương này, khả năng bé bị tử vong do nhiễm trùng, nhiễm độc và suy kiệt do mất dịch cơ thể là cực kì cao.

Tuy nhiên, do diện tích da còn lại trên cơ thể của bé còn quá ít, không đủ để lấy da tự thân của bé ghép vào vùng da bị bỏng. Việc lựa chọn phương pháp ghép da đồng loại từ người thân (bố hoặc mẹ, anh em ruột) sang cho bé là biện pháp tốt nhất trong thời điểm hiện tại.

Khoa Phỏng – tạo hình, BV Chợ Rẫy (nơi tiên phong trong vấn đề ghép da đồng loại người lớn và đã ghép thành công nhiều ca bỏng nặng) được mời để hội chẩn về tình trạng của bé K. Sau khi đánh giá tình trạng bỏng của bé, Ban Chủ nhiệm khoa của hai bệnh viện đã quyết định ghép da đồng loại càng sớm càng tốt cho bé.

Với sự hỗ trợ rất tích cực của TS.BS Ngô Đức Hiệp và các khoa phòng liên quan, ê-kíp mổ đã lấy da mỏng ở hai bên đùi của ba bé K., tiến hành dát mỏng da và ghép vào vùng đầu, mặt, cổ, ngực, 2 tay và 2 đùi cùa bé.

Hiện sức khỏe của bé K. đã ổn định, thay băng cho thấy da ghép đã dính và sống được ở phần đầu, mặt cổ, một phần ở tay chân da bị bong tróc nhưng vẫn tạo được điều kiện cho mô bên dưới lành tốt.

Bé T.Đ.K tại BV Nhi Đồng 2 sau ghép da – da ghép đã dính và sống được ở phần đầu, mặt cổ của bé K.

Theo TS.BS Ngô Đức Hiệp, ghép da đồng loại là phẫu thuật không quá khó, khả năng thành công cao nhưng đó là ở người lớn. Với ca ghép da đồng loại đầu tiên thực hiện ở trẻ em, ngoài vấn đề chuyên môn phẫu thuật thì vấn đề gây mê cũng rất quan trọng.

Việc thực hiện thành công ca mổ này ngoài vấn đề chuyên môn còn phải kể đến sự hợp tác ăn ý, phối hợp nhịp nhàng giữa các khoa, phòng chức năng của cả hai bệnh viện. Hi vọng thành công từ ca mổ này sẽ là tiền đề tạo điều kiện cho những trường hợp cần ghép da đồng loại khác về sau (nếu có). Đó là điều mong muốn của các bác sĩ hai bệnh viện và các bệnh nhi bị bỏng nặng, sẽ có thêm các cơ hội điều trị nhằm phục hồi sớm hơn.

BS Trương Anh Mậu  (BV Nhi Đồng 2, TPHCM) 

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top