Phẫu thuật nâng mũi nên chọn chất liệu gì?

Mũi là một trong những bộ phận quan trọng góp phần tạo nên đường nét trên khuôn mặt. Chính vì thế mà các phương pháp làm đẹp về nâng mũi luôn là vấn đề được nhiều chị em phụ nữ quan tâm. Dưới đây là một số lưu ý khi nâng mũi.

Lựa chọn chất liệu

Nâng mũi là phẫu thuật ít xâm lấn nên không chống chỉ định tuyệt đối khi mang thai ở giai đoạn sau của thai kỳ (sau 3 tháng). Tuy vậy, không nên can thiệp bất cứ phẫu thuật gì trong thời gian này trừ trường hợp những bệnh tiên lượng có nguy cơ nặng nề cho mẹ. Trong thời kỳ cho con bú, có thể tận dụng thời gian nghỉ dưỡng để cân nhắc phẫu thuật ở lúc gần cuối kỳ nghỉ.

Khi nâng mũi có thể chọn một trong các chất liệu tự nhiên hoặc nhân tạo:

+ Sụn vành tai: Thực tế thì sụn vành tai có số lượng rất nhỏ, chỉ đủ một lớp mỏng bọc ở đầu mũi trong những trường hợp cần làm dài đầu mũi.

+ Sụn sườn: Có nhiều bất lợi khi sử dụng như phải gây mê lấy sụn, để lại sẹo ở ngực nơi lấy sụn, đôi khi xảy ra biến chứng thủng màng phổi khi lấy sụn, có nguy cơ tiêu bớt và làm cong vẹo, thay đổi dáng mũi theo thời gian,...

+ Xương mào chậu: Khi tạo hình để sử dụng thường không được như ý muốn của phẫu thuật viên, đồng thời thêm một vết sẹo nhỏ ở vùng xương chậu.

+ Sụn nhân tạo (silicon) ngày nay rất an toàn, nhiều kiểu dáng, dễ gọt, không thay đổi hình dáng theo thời gian và độ trơ cao, hiếm gây phản ứng thải loại.

Các biến chứng có thể gặp khi nâng mũi

+ Bầm tím và sưng nề, thường hết sau 1 - 2 tuần.

+ Nhiễm trùng. Có thể xuất hiện sớm sau mổ vài ngày hoặc muộn sau vài tuần đến vài tháng, thường biểu hiện bằng sưng đỏ khu trú, bùng nhùng, chảy dịch..., cần xử lý sớm bằng kháng sinh mạnh hoặc tháo chất liệu.

+ Một số biến chứng nữa cũng hay gặp là lệch, cong, quá dài, quá ngắn,... có thể sửa lại, tốt nhất là sửa sau 3 - 6 tháng.

+ Đỏ đầu mũi. Nếu không phải là do đặt sống quá cao, quá dài thì có thể là phản ứng chất liệu (hiếm khi xảy ra), cần xử lý theo nguyên nhân.

+ Thủng đầu mũi, tòi chất liệu ra đầu mũi, biến dạng đầu mũi và vách mũi là những biến chứng khá nặng nề làm thay đổi hình dáng mũi ngay cả khi tháo chất liệu hoặc theo dõi không sát, xử lý biến chứng không kịp thời sau mổ.

Khi phẫu thuật mũi không cần kiêng ăn bất cứ loại thực phẩm gì trừ khi dị ứng hoặc chỉ nên kiêng tôm, cua, hải sản, đồ ăn lạ... nếu có cơ địa dị ứng.

Không nên động chạm vào mũi, đặc biệt là vết mổ, không nên đeo kính trong khoảng 3 tháng đầu sau mổ. Trong 3 tuần đầu mũi thường sưng nề, tụ máu... làm dáng mũi thay đổi không như mong muốn.

Tư thế nằm ngủ hoàn toàn không ảnh hưởng đến vị trí chất liệu, nằm nghiêng không thể làm lệch mũi như nhiều người vẫn tưởng (nếu có lệch là do nguyên nhân khác).

Một phẫu thuật viên dù là giỏi đến mấy cũng không thể khẳng định 100% phẫu thuật không biến chứng. Tuy nhiên, phẫu thuật viên càng được đào tạo bài bản, càng có kinh nghiệm thì càng giảm tối thiểu những rủi ro và nếu có thì cũng là những biến chứng nhẹ, có thể xử trí được.

Theo Đời sống
back to top