Phát triển du lịch 13 tỉnh ĐBSCL: Đã liên kết, càng cần giải pháp tốt

(khoahocdoisong.vn) - Liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hứa hẹn đưa ngành du lịch sôi động trở lại trong điều kiện bình thường mới, là mục tiêu lâu dài của các tỉnh, thành phía Nam.

Liên kết để đa dạng hóa sản phẩm du lịch

Liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và các tỉnh, thành ĐBSCL có vai trò và ý nghĩa trong phát triển du lịch nội địa trở thành đòn bẩy kinh tế - xã hội của các địa phương trong điều kiện bình thường mới. Tăng cường sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy thế mạnh du lịch của từng địa phương, tạo ra thị trường du lịch đặc sắc, hấp dẫn, sôi động trở lại trong 6 tháng cuối năm.

Liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và ĐBSCL là mục tiêu lâu dài.

Liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và ĐBSCL là mục tiêu lâu dài.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2020, ngành du lịch chịu những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Chưa có giai đoạn nào mà du lịch giảm sâu về lượng khách và doanh thu như vậy. Tuy nhiên, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo lợi thế rất lớn để có thể đi trước một bước trong việc phục hồi nền kinh tế, đặc biệt là phục hồi du lịch nội địa. Đặc biệt, các tỉnh thành trong chuỗi Liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và ĐBSCL đã phối hợp hoạt động nhịp nhàng, tổ chức thực hiện các nội dung được ký kết tại thỏa thuận chung của vùng.

Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) điểm đến hấp dẫn du khách.

Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) điểm đến hấp dẫn du khách.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, sau 6 tháng triển khai thực hiện việc liên kết hợp tác phát triển du lịch, bước đầu đã hình thành cơ chế thông tin liên lạc, tổ chức hội nghị trực tuyến, tạo kênh thông tin để giải quyết những công việc thường xuyên của TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL, ra mắt trang web kích cầu du lịch; thực hiện hiệu quả 3 chương trình du lịch: Những nẻo đường phù sa, Sắc màu vùng biển và Non nước hữu tình.

"Trong khoảng 2 tháng không bị ảnh hưởng bởi dịch, đã có trên 50.000 lượt khách mua tour tại 5 doanh nghiệp lữ hành lớn của TPHCM để đi du lịch đến ĐBSCL - tăng gần 14% so với cùng kỳ. Ngoài ra, chúng tôi đã đẩy mạnh các hoạt động kích cầu du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Các tỉnh, thành đều gửi những chương trình giảm giá, những sản phẩm mới hấp dẫn để thực hiện chương trình kích cầu của TPHCM" - ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhấn mạnh.

Còn theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, sản phẩm du lịch ĐBSCL rất khác biệt, với đầy đủ các mảng đa dạng, sinh động. ĐBSCL có cù lao, rừng ngập mặn làm say lòng du khách nên cần nghiên cứu sản phẩm mới. Để liên kết du lịch thành công cần có sản phẩm cụ thể của từng tỉnh, thành. "Trong ẩm thực, hủ tiếu Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) đã hoàn toàn khác với hủ tiếu Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp)" - ông Thọ nêu dẫn chứng về sự đa dạng cần nghiên cứu để có sản phẩm du lịch phù hợp, độc đáo của từng địa phương trong chuỗi liên kết phát triển gồm 13 tỉnh ĐBSCL.

Dẫn chứng về sự cần thiết đa dạng hóa sản phẩm trong chuỗi liên kết phát triển du lịch của 13 tỉnh, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), cho hay đã đi khảo sát thực tế tại nhiều địa phương, tìm kiếm và chọn lọc những điểm đến nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch mới. Qua đó, Saigontourist Group đã xây dựng một số tour mới phục vụ khách nội địa và quốc tế. Chằng hạn như Tour "Sắc màu Khmer" đi tuyến Trà Vinh - Vĩnh Long 2 ngày 1 đêm; tour Bến Tre - Trà Vinh 2 ngày 1 đêm, tour Long An - làng cổ Phước Lộc Thọ - làng nổi Tân Lập 1 ngày, tour Làng hoa Sa Đéc - nhà cổ Huỳnh Thủy Lê 1 ngày…

Sản phẩm du lịch ĐBSCL đa dạng phong phú.

Sản phẩm du lịch ĐBSCL đa dạng phong phú.

Đồng tình với nỗ lực đa dạng hóa, ông Trần Hùng Việt, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM cho rằng, sản phẩm du lịch ở ĐBSCL không hề trùng lắp. Khách du lịch khi đến TPHCM đều đi ĐBSCL vì vùng đất này khác biệt so với những nơi khác trên thế giới, như có nhiều kênh rạch, hàng dừa nước, trái cây, lò gốm…

Khéo không 10% vẫn là mơ mộng

Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, ông Nguyễn Thành Phong Chủ tịch UBND TPHCM cho biết sẽ tập trung xây dựng thương hiệu du lịch TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Phấn đấu đến quý 4/2020 bắt đầu truyền thông nhận diện thương hiệu du lịch vùng, trong đó mỗi địa phương là một đại sứ du lịch. Bên cạnh đó, chuẩn bị lộ trình xúc tiến các thị trường quốc tế. Đối với những quốc gia kiểm soát tốt dịch Covid-19, cần có kế hoạch quảng bá để du khách biết đến TPHCM và ĐBSCL là vùng du lịch an toàn.

“Cần đặt mục tiêu làm cho thị trường du lịch nội địa trong 6 tháng cuối năm 2020 sôi động trở lại, thậm chí sôi động hơn giai đoạn trước. Nếu làm bài toán hoán đổi, 10% dân số TPHCM (tương đương 1 triệu người) đi du lịch ĐBSCL và ngược lại, 10% dân số ĐBSCL đến du lịch TPHCM thì sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp, xóa bỏ dần tâm lý e ngại đi du lịch của người dân” - Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Trong khi đại diện chính quyền đang mơ giấc mơ "giao lưu" du lịch cỡ 10% dân số, thì đại diện lo những vấn đề khác, sát sườn và thực tế hơn nhiều. Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch. “Không thể để trường đại học, doanh nghiệp tự đào tạo nguồn nhân lực du lịch, mà cần có sự phối hợp từ chính quyền", ông Thọ đề xuất.

Cụ thể, theo ông Thọ, chính quyền phải ủng hộ một chi phí nhất định để người dân đi học. Khi học thì 70% là thực hành. "Như vậy các em mới có thái độ, kỹ năng, ngoại ngữ tốt, từ đó lôi kéo được khách du lịch đến đây", ông Thọ phát biểu. Trên cơ sở đó, khách du lịch quốc tế chắc chắn sẽ bùng nổ tại ĐBSCL. "Nếu quyết liệt đi vào sản phẩm, xúc tiến, đặc biệt là nguồn nhân lực, thì ĐBSCL sẽ trở thành trung tâm du lịch lớn nhất Việt Nam, thu hút nhiều nhất lượng khách quốc tế và nội địa”, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam tin tưởng.

Một cách lịch sự, điều ông Thọ dường như tránh nhắc tới trong phát biểu của mình, là việc 13 tỉnh liên kết phát triển du lịch sẽ giúp đa dạng hóa sản phẩm ngành này. Nhưng mọi sự đa dạng ấy, sẽ khó phát huy hiệu quả, nếu thiếu những nền tảng cơ bản nhất, bắt đầu từ chính nhân lực cho ngành đang vừa thiếu vừa yếu. Vậy thì nội dung liên kết 13 tỉnh có phần nào "khẩn cấp" dành cho đào tạo nhân sự ngành du lịch, để mà từ đó gia tăng thêm sự sáng tạo đa dạng hóa sản phẩm du lịch? Để giấc mơ "giao lưu" 10% dân số du lịch lẫn nhau, dẫu là quá nhỏ so với tiềm năng, thì cũng phải bớt đi phần mơ mộng, mà thêm phần thực tế.  

Theo Đời sống
Khách hàng cũng sẽ được thử tay lái với mẫu xe ô tô điện thông minh đầu tiên của Việt Nam – VinFast VF e34.

Vinhomes và VinFast tổ chức sự kiện trải nghiệm bộ đôi “Nhà xanh - Xe điện” tại Hà Nội và TPHCM

Nhằm tri ân cư dân và khách hàng, đồng thời mong muốn lan toả mạnh mẽ xu hướng sống xanh và thông minh, Vinhomes sẽ phối hợp với VinFast tổ chức sự kiện “Nhà xanh xe điện – Mở lối tương lai” tại hai đô thị Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm) và Vinhomes Smart City (Nam Từ Liêm) trong hai ngày 23, 24/7 và Vinhomes Grand Park (TPHCM) trong hai ngày 30, 31/7. Khách hàng tham dự sự kiện sẽ được mục sở thị và lái thử bộ đôi ô tô điện thông minh VinFast VF 8 và VinFast e34.
"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố của J&T Express cho thấy, thói quen mua sắm trực tuyến của người Việt phát triển mạnh mẽ trong dịch và duy trì khá bền vững sau đó. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không chỉ ở các thành phố lớn mà đang "bùng nổ" ở nông thôn.
back to top