Phát hiện u ruột non bằng phương pháp nội soi viên nang

Chảy máu ruột non là bệnh khó chẩn đoán và điều trị vì hầu hết các phương tiện chẩn đoán hình ảnh có giá trị còn hạn chế, đặc biệt là tổn thương chảy máu rỉ rả hay tiềm tàng.

BS thăm khám cho bệnh nhân M

Bằng công nghệ nội soi viên nang cùng tay nghề kỹ thuật và kinh nghiệm trong nhận định hình ảnh nội soi đường tiêu hóa, các bác sĩ Khoa Nội tiêu hóa đã phát hiện được khối u nhỏ gây chảy máu ở ruột non bệnh nhân.

Chảy máu tiêu hóa do u ruột non

BN Nguyễn Văn M. (Nghệ An), bị đi phân đen, mùi khẳm, không nôn ra máu và đau bụng, da xanh, niêm mạc nhợt, tụt hồng cầu.

Khi khám các bác sĩ xác định bị chảy máu tiêu hóa nhưng khi nội soi đường tiêu hóa trên từ dạ dày xuống đoạn đầu ruột non và tá tràng cũng như nội soi toàn bộ đại tràng qua van hồi-manh tràng vào 20cm hồi tràng đều không tìm thấy điểm chảy máu. Vì thế các bác sĩ đã chẩn đoán là bị xuất huyết tiêu hóa nghi chảy máu từ ruột non, chưa xác định được nguyên nhân.

Tuy nhiên, quá trình soi ruột non rất phức tạp do phải rửa ruột,cần gây mê, thời gian soi kéo dài. Chỉ còn hai phương pháp ít xâm phạm, nhẹ nhàng hơn cho người bệnh là chụp CT scanner dựng hình ruột non và sử dụng nội soi viên nang.

Trong khi đó, các bác sĩ rất băn khoăn muốn điều trị dứt điểm cho bệnh nhân, bởi nếu chỉ điều trị nội khoa tích cực bằng thuốc hỗ trợ cầm máu, kháng sinh đường ruột thì được một thời gian ngắn bị tái lại dù đã được tầm soát loại trừ các bệnh lý liên quan có thể dẫn đến chảy máu tiêu hóa.

Vì thế, PGS.TS Hoàng Thanh Tuyền, Trưởng Khoa nội tiêu hóa, Bệnh viện 19.8 (Bộ Công an) đã quyết định nội soi toàn bộ ruột non cho bệnh nhân bằng viên nang nội soi. Bệnh nhân được uống hai viên nang liên tiếp trong hai ngày.

“Phải sử dụng hai viên nang là do ruột non rất dài, hình ảnh do viên nang cung cấp lý tưởng nhất cần nhận được cả hình ảnh xuôi chiều và ngược chiều di chuyển ở vị trí có tổn thương để xác định chính xác nguyên nhân chảy máu.

Kết quả nội soi cho thấy ở mốc thời gian khoảng hơn 2 giờ có hình ảnh lồi vào lòng ruột non tròn nhẵn đường kính khoảng 1cm, đỉnh lõm có cục máu đông bám, thành ruột non ở chân khối có đoạn mạch dưới niêm mạc giãn to ngoằn nghèo. Các vị trí khác trên đường tiêu hóa không phát hiện gì đặc biệt. Vì thế chúng tôi chẩn đoán bệnh nhân bị chảy máu tiêu hóa do u ruột non”, PGS.TS Hoàng Thanh Tuyền cho hay.

Sau đó bệnh nhân được tiến hành mổ cắt khối u và khâu lại theo chiều ngang của ruột bởi các chuyên gia đầu ngành ngoại khoa mà Khoa Nội đã mời từ các bệnh viện lớn đến. Chỉ sau một tuần theo dõi, bệnh nhân đã trở nên khỏe mạnh, không còn dấu hiệu chảy máu tiêu hóa nên được xuất viện với kết quả mô học là một loại u tuyến ruột lành tính.

Kết hợp công nghệ mới cùng kinh nghiệm nội soi

Chảy máu ruột non là tình trạng bệnh hiếm gặp, khó chẩn đoán và điều trị vì hầu hết các phương tiện chẩn đoán hình ảnh có giá trị còn hạn chế, đặc biệt là tổn thương chảy máu rỉ rả hay tiềm màng.

Nguyên nhân gây chảy máu ruột non là do tổn thương từ các mạch máu. Đây là biểu hiện của nhiều bệnh lý từ suy thận, xơ cứng bì, bệnh lý collagen… Đối với chảy máu do khối u ruột non hiếm gặp, chiếm khoảng 5% các khối u từ đường tiêu hóa. Nhưng các khối u này dù lành tính hay ác tình, xuất phát từ niêm mạc hay từ thành ruột đều có thể chảy máu.

PGS.TS Hoàng Thanh Tuyền cho biết, việc áp dụng kỹ thuật nội soi sẽ giúp các bác sĩ phát hiện được nhiều tổn thương trên ruột non như nội soi bằng bóng đơn, bóng kép hay bằng viên nang. Mỗi phương pháp sẽ có những ưu điểm riêng. Như nội soi bằng bóng đơn, bóng kép hai cách này là kỹ thuật khó, gây đau, khó chịu cho người bệnh, phải gây mê hoặc tiền mê trong quá trình làm thủ thuật và có nguy cơ gây thủng ruột non.

Còn nội soi viên nang là một lựa chọn thay thế nhẹ nhàng hơn cho người bệnh và ít nguy cơ tai biến, giúp người thầy thuốc quan sát được toàn bộ ruột non, không xâm phạm, an toàn và giá trị chẩn đoán cao. Nhưng điểm hạn chế của phương pháp này là không có khả năng sinh thiết, hoặc can thiệp tổn thương khi nội soi, khó xác định chính xác vị trí tổn thương ruột non, nguy cơ kẹt viên nang lại trong ruột non…

“Mỗi phương pháp sẽ có ưu điểm và hạn chế, nhưng với ca bệnh trên chúng tôi đã quyết định đúng để giúp bệnh nhân lấy lại sức khỏe. Và để áp dụng được công nghệ nội soi viên nang chúng tôi đã phải xem xét toàn bộ quá trình viên nang di chuyển trong lòng ruột tỉ mỉ, cẩn thận và đặc biệt cần có kinh nghiệm trong nội soi tiêu hóa”, PGS.TS Hoàng Thanh Tuyền nhấn mạnh.

Hà Linh

Theo Đời sống
Xước da bệnh nhân 52 tuổi nguy kịch vì uốn ván nặng kèm thuyên tắc phổi

Cứu bệnh nhân 52 tuổi bị uốn ván nặng kèm thuyên tắc phổi

Người dân không nên chủ quan với bệnh uốn ván, khi gặp các vết thương cần phải chủ động tiêm ngừa. Trong trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cần sớm đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh những diễn biến nguy hiểm.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top