Phát hiện ra một ngoại hành tinh với 1 năm chỉ kéo dài 8 tiếng

Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã phát hiện ra một hành tinh mới, GJ 367b, có nhiệt độ bề mặt lên tới 1.500 độ C và chỉ mất 8 tiếng để quay quanh ngôi sao của nó.
red-dwarf-star-orbited-by-exoplanet-1-777x517.jpg
Hành tinh mới, GJ 367b, có nhiệt độ bề mặt lên tới 1.500 độ C

Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Science, các nhà khoa học đã thông tin về một hành tinh cách Trái Đất 31 năm ánh sáng, và là một trong những hành tinh sáng nhất trong gần 5.000 ngoại hành tinh (các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời) được biết đến cho tới nay. Với trọng lượng chỉ bằng một nửa Trái Đất, hành tinh này có đường kính chỉ hơn 9.000km – chỉ lớn hơn Sao Hỏa một chút.
Tác giả chính TS. Kristine Lam cho biết, từ các số liệu về bán kính và khối lượng chính xác, GJ 367b được xếp vào nhóm hành tinh đá. Điều này đã làm cho hành tinh này trở thành một trong những hành tinh cạn (terrestrial planet) có kích thước nhỏ hơn Trái Đất và đưa nghiên cứu tiến gần hơn mục tiêu tìm kiếm “Trái Đất thứ hai”.
GJ 367 b thuộc về nhóm các ngoại hành tinh “chu kỳ cực ngắn” (USP) bao gồm những hành tinh quay quanh ngôi sao của chúng trong vòng ít hơn 24 giờ. Chúng ta vốn đã biết đến một số hành tinh trong nhóm này, những nguồn gốc của chúng hiện vẫn còn là bí ẩn.
Với sự kết hợp của nhiều phương pháp đánh giá khác nhau, bán kính và khối lượng của hành tinh đã được xác định: bán kính của nó bằng 72% bán kính Trái Đất, và khối lượng thì bằng 55%.
Bằng việc xác định bán kính và khối lượng ở độ chính xác lần lượt là 7 và 14%, các nhà nghiên cứu đã có thể đi tới kết luận về cấu trúc bên trong của ngoại hành tinh này. Đây là một hành tinh đá khối lượng nhỏ, nhưng lại có cấu trúc đặc hơn Trái Đất. Độ đặc cao cho biết rằng đây là một hành tinh có lõi sắt.
Các đặc tính của nó tương tự với Sao Thủy, hành tinh có lõi hình thành bởi một lượng không cân xứng hai nguyên tố sắt và niken. Điều này làm cho Sao Thủy tách biệt hoàn toàn so với các hành tinh cạn khác trong hệ Mặt Trời.

sub-earth-planet-gj-367b-777x518.jpg
GJ 367 b thuộc về nhóm các ngoại hành tinh “chu kỳ cực ngắn”.

Tuy nhiên, khoảng cách gần giữa hành tinh này và ngôi sao của nó đồng nghĩa với một bức xạ cực cao, mạnh hơn gấp 500 lần so với lượng bức xạ trên Trái Đất. Nhiệt độ bề mặt có thể lên tới 1500 độ C – nhiệt độ mà tại đó mọi đá và kim loại đều tan chảy.
Ngôi sao mẹ của ngoại hành tinh này, một ngôi sao lùn đỏ có tên gọi là GJ367, có kích thước chỉ bằng một nửa Mặt Trời. Không chỉ nhỏ hơn về kích thước, thường những ngôi sao lùn đỏ còn lạnh hơn Mặt Trời. Điều này giúp các nhà nghiên cứu định hình và phát hiện các hành tinh quanh nó dễ dàng hơn.

Các ngôi sao lùn đỏ là một trong những vật thể sao phổ biến nhất trong khu vực vũ trụ lân cận của ta và vì thế, nó trở thành các mục tiêu phù hợp cho những nghiên cứu về ngoại hành tinh.

Theo Scitechdaily
back to top