Phát hiện quấy rối nơi công cộng

(khoahocdoisong.vn) - Tích hợp trí tuệ nhân tạo vào các camera công cộng có thể phát hiện ngay hành vi quấy rối. Đây là sản phẩm nghiên cứu thành công của nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội.

Tích hợp trí tuệ nhân tạo vào các camera công cộng có thể phát hiện ngay hành vi quấy rối. Đây là sản phẩm nghiên cứu thành công của nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội.

Nhận diện hành vi quấy rối

Là 1 trong 8 đội lọt vào vòng chung kết Cuộc thi lập trình ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo 2019, nhóm Antimatlab của ĐH Bách khoa Hà Nội là một trong những đội xuất sắc. Tuy không giành ngôi vị quán quân, nhưng sản phẩm của đội Antimatlab mang tính thời sự và có triển vọng ứng dụng rộng rãi, đem lại hiệu quả cao cho cộng đồng. Phạm Hoàng Hải, trưởng nhóm Antimatlab cho biết, ứng dụng là một phần mềm có thể cài đặt vào hạ tầng camera sẵn có của tòa nhà, hoặc sử dụng bộ kít riêng để giám sát, theo dõi các hành vi quấy rối nên không tốn nhiều chi phí. Đây là phần mềm tích hợp vào hệ thống camera an ninh, phát ra cảnh báo khi có hành vi quấy rối. Mục đích nhằm bảo vệ trẻ em, phụ nữ, những người yếu thế, trước những hành vi quấy rối nơi công cộng.

“Từ những vụ quấy rối tình dục được phát hiện, mà nạn nhân là các em bé gái còn rất nhỏ, chúng tôi bèn nghĩ cách phải có cách gì để kiểm soát, cảnh báo, ngăn chặn hành vi khi nó chưa diễn ra. Để bảo vệ các cháu nhỏ, đồng thời có bằng chứng rõ ràng để vạch mặt kẻ biến thái, chúng tôi đặt câu hỏi, tại sao không biến chính những chiếc camera nơi công cộng thành những con “mắt thần” giám sát, phát hiện, cảnh báo, bảo vệ trẻ. Trợ lý ảo phát hiện và can thiệp hành vi quấy rối nơi công cộng được xây dựng dựa trên mô hình deeplearning, để dạy cho máy học và phân biệt hành vi quấy rối so với các hành vi khác”, anh Phạm Hoàng Hải cho biết.

Khó khăn nhất trong việc xây dựng mô hình các hành vi quấy rối là làm thế nào để phân biệt với các hành vi khác. Nhờ trí tuệ nhân tạo (AI), các thuật toán được xây dựng nhằm phân biệt giữa những hành vi thân thiết thông thường với quấy rối. Ở phần mềm thử nghiệm của Antimatlab cho kết quả nhận dạng và phân loại dựa trên biểu hiện của con người đúng tới 86,5%. Dữ liệu được nhóm khai thác từ các video trên youtube, video tự quay... tổng hợp tất cả các hành động quấy rối để dán nhãn phân biệt với các hành vi khác.

Mở thang máy, rú còi... khi phát hiện

Anh Phạm Hoàng Hải cho biết, phần mềm được xây dựng có thể cài đặt tại các máy tính trung tâm (tòa nhà, khu chung cư, các điểm công cộng...) cho phép phát hiện và can thiệp hành vi quấy rối ở những khu vực như thang máy, hành lang, ngõ hẻm... Tốc độ xử lý và truyền thông tin đến bộ phận an ninh chỉ trong 0,17 giây. Dựa trên hình ảnh chuyển về, hệ thống đưa ra cảnh báo ở 3 cấp độ gồm mở sớm thang máy, rú còi, giải cứu. Với tốc độ xử lý này, có thể ngay lập tức phát hiện, ngăn chặn hành vi sàm sỡ, xâm hại từ khi có nguy cơ xảy ra để ngăn chặn.

Hiện trên thế giới có rất nhiều ứng dụng để bảo vệ khỏi những kẻ quấy rối như đeo phụ kiện có các nút báo động khẩn khi gặp tình huống nguy cấp. Trên thế giới đã xuất hiện khá nhiều phần mềm giúp các nạn nhân có thể tố cáo ẩn danh hoặc công khai các đối tượng quấy rối, hay cung cấp thông tin về các địa điểm thường xảy ra hành vi quấy rối. Chẳng hạn, Watchoverme là ứng dụng miễn phí cho các máy dùng hệ điều hành Android và iOS, cho phép người dùng đặt “khoảng thời gian nguy hiểm” khi họ sắp gặp rủi ro. Trong thời hạn đó, chỉ cần người dùng rung lắc điện thoại (nếu không kịp bấm cuộc gọi), điện thoại sẽ lập tức kích hoạt chế độ báo động, bật video ghi lại tình huống và gửi báo động tới các số máy đã cài đặt trước... Tuy nhiên, để ngăn ngừa hành vi này thì việc kiểm soát ở các camera công cộng là cần thiết.

Thời gian tới nhóm sẽ hoàn thiện dự án để xây dựng thuật toán có khả năng nhận biết nhiều hành vi hơn (như đột quỵ, trộm cướp...), sớm đưa vào ứng dụng nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng, bảo vệ người dân trước những hành vi quấy rối, nguy hiểm. Hiện, gần như ở đâu cũng có các camera giám sát an ninh, xe nào cũng có các camera hành trình, nên việc ứng dụng để cảnh báo những hành vi bất chợt như trộm cướp, bắt cóc, đột quỵ... là rất khả thi. Hiện nhóm đang tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện thêm các ứng dụng này.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top