Phát hiện người lớn mắc ho gà

(khoahocdoisong.vn) - Bệnh viện Bạch Mai vừa phát hiện một người đàn ông 35 tuổi mắc ho gà. Bệnh dễ biến chứng nặng và tử vong, người dân cần chú ý.

Ho tím tái, liệt cơ mở thanh quản

Ngày 26/2/2019, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân (BN) Ong Văn T, 43 tuổi (Hà Nội), được chuyển đến từ Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương vì ho từng cơn và khó thở có tiếng rít, bệnh nhân được chẩn đoán: theo dõi Hen phế quản.

Khai thác bệnh sử cho thấy, trước khi đi viện khoảng 1 tuần, anh Ong Văn T có biểu hiện: đau họng, không sốt, đi khám tại Bệnh viện Thanh Nhàn và được chẩn đoán: Viêm Amidan mủ. Anh T. dùng thuốc theo đơn nhưng sau đó thấy xuất hiện những cơn ho, khó thở nên gia đình đã đưa anh trở lại nhập viện. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân T. xuất hiện nhiều cơn ho, kèm khó thở, trong cơn có tiếng thở rít, sau cơn ho, khó thở, bệnh nhân khạc đờm trắng, dính. Mỗi cơn kéo dài 5-10 phút, không có triệu chứng báo trước.

Bệnh nhân ho khó thở nhiều cơn trong ngày, nhiều nhất lên đến 8 cơn/1 ngày, có cơn ho, khó thở nặng, tím tái, phải chuyển khoa hồi sức tích cực khám, và nội soi tai mũi họng, kết quả chẩn đoán là liệt cơ mở thanh quản nên được chuyển đến Bệnh viện Tai Mũi họng Trung ương (TMH TW). Sau đó, tại Bệnh viện TMH TW, bệnh nhân được được chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán theo dõi Hen phế quản vì nội soi tai mũi họng không phát hiện bệnh lý của chuyên khoa Tai mũi họng.

Thăm khám cho BN ho gà tại Bệnh viện Bạch Mai

Thăm khám cho BN ho gà tại Bệnh viện Bạch Mai

35 năm làm nghề lần đầu phát hiện người lớn mắc ho gà 

PGS.TS Nguyễn Hải Anh, người trực tiếp thăm khám điều trị cho biết, với kinh nghiệm lâm sàng 35 năm khám và điều trị bệnh về hô hấp, nhưng đây là lần đầu tiên ông gặp một bệnh cảnh đặc biệt như bệnh nhân T.: ho cơn và khó thở, sau cơn ho khó thở là cơn khạc đờm trắng, trong, dính, không sốt trong suốt quá trình bị bệnh, khám phổi không thấy ran rít, ngáy như trong bệnh hen phế quản, hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

PGS.TS Nguyễn Hải Anh đã cho bệnh nhân làm một số xét nghiệm chuyên sâu, tìm nguyên nhân của cơn ho và khó thở như: chụp CT ngực, đo chức năng hô hấp, xét nghiệm máu, xét nghiệm đờm  để tìm chẩn đoán xác định nguyên nhân.

Kết quả tại Khoa vi sinh, Bệnh viện Bạch Mai cho thấy: Vi khuẩn định danh PCR Ho gà - dương tính. Để khẳng định chắc chắn chẩn đoán, mẫu đờm được gửi sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và kết quả Vi khuẩn định danh PCR Ho gà cũng là dương tính.

Sau 7 ngày điều trị tại Trung tâm Hô hấp, bệnh nhân Ong Văn T đáp ứng tốt, tỉnh táo, giảm triệu chứng ho và khó thở. Bệnh nhân được xuất viện vào ngày 8/3. Qua trường hợp trên, PGS.TS. Nguyễn Hải Anh khuyến cáo, dù bệnh ho gà về cơ bản đã được kiểm soát và thường chỉ xảy ra ở trẻ em nhưng cũng không vì thế mà chủ quan, không nghĩ đến ho gà trên người lớn. Việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân mới giúp cho điều trị hiệu quả. 

“Người dân, cũng như các thầy thuốc cần ý thức được rằng, người lớn cũng có thể mắc bệnh ho gà, mặc dù rất ít gặp. Để phòng bệnh, cần phải đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ"   - PGS.TS Nguyễn Hải Anh

Lây truyền cao, nhiều biến chứng tử vong

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng cảnh báo, ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Bệnh có tính lây truyền rất cao nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học…

Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn. Bệnh thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản-phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng.

Biện pháp phòng chống bệnh ho gà:

1. Đưa trẻ đi tiêm chủng văcxin phòng bệnh ho gà (văcxin phối hợp phòng bệnh Bạch hầu, ho gà, uốn ván – DTP hoặc văcxin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do Hib cho trẻ dưới 1 tuổi - ComBE Five) đầy đủ, đúng lịch. Lịch tiêm chủng ComBE Five: Mũi 1 lúc 2 tháng tuổi; Mũi 2 lúc 3 tháng tuổi. Mũi 3 lúc 4 tháng tuổi.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày.

3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà phải nghỉ học, nghỉ làm cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top