Phan Kính – một tấm lòng “ưu dân ái quốc”

Phan Kính – một tấm lòng “ưu dân ái quốc”, danh

Sắc của vua Lê phong cho Phan Kính.

7 tuổi đã nổi tiếng thần đồng

Đình nguyên Thám hoa Phan Kính sinh ngày 6 tháng 12 năm Ất Mùi (1715) tại tổng Lai Thạch, huyện La Sơn (nay là xã Song Lộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) trong một gia đình Nho học.

Ông nội Phan Kính là một nhà Nho vừa là thầy thuốc danh tiếng trong vùng. Bố Phan Kính đậu Tam trường, được ban hàm Thiếu doãn, mẹ là con gái cụ đồ Nho Nguyễn Huy thuộc đất Trường Lưu văn vật.

Khi lên 6 tuổi, Phan Kính thông minh đã học thuộc và chép lại được cả cuốn sách chữ Hán Thiên Gia Thi không có sai sót.

Lên 7 tuổi, được cậu ruột là giám sinh Quốc Tử Giám dạy dỗ, chẳng bao lâu đã nổi tiếng thần đồng khắp vùng và lúc lên 8 tuổi đã đỗ kỳ thi sát hạch ở tổng.

Trong thời gian này, ông nội Phan Kính đã qua đời, bố mẹ nghèo phải cày ruộng rẽ để kiếm ăn, nên Phan Kính đã trở thành người lao động chính trong nhà, ban đêm chuyên cần đọc sách dưới ánh đèn dệt vải cùng mẹ, tập viết chữ trên những tàu lá chuối, ban ngày lại cùng bố mẹ lo việc cày bừa trồng ngô lúa.

Một trong Ngũ tuyệt

Tới năm 14 tuổi, Phan Kính được bố mẹ cho ra Vinh theo học với Thám hoa họ Ngô lúc này đang giữ chức Tham chính ở Nghệ An.

Biết Phan Kính thông minh, hiếu học, Ngô Tham chính viết thư giới thiệu ra Thăng Long học với Bảng nhãn Hà Tông Huân, lúc này đang giữ chức Hữu thị lang Công bộ. Sức học của Phan Kính ngày càng tiến bộ, bạn bè đều khen ngợi là người học rộng mà tinh.

Sĩ tử ghi tên trình văn ở Quốc Tử Giám đông hàng ngàn người mà cả hai kỳ chấm văn Thu- Đông năm Canh Tuất (1730) bài của Phan Kính đều được xếp vào hạng ưu vì thế ông được suy tôn là một trong Ngũ tuyệt (5 người văn chương tuyệt tác của xứ Nghệ).

Cũng tại Thăng Long, Phan Kính làm quen và đàm đạo văn chương với các môn sinh đương thời và sau này trở thành các danh nhân có tiếng như Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, Lê Quý Đôn…

Sau 5 năm theo học ở Kinh kỳ, năm Ất Mão (1735), Phan Kính trở về Nghệ An dự thi Hương và đỗ đầu Cử nhân. Mùa hè năm Đinh Tỵ (1737), Phan Kính trở lại Thăng Long theo học với Liêu đình hầu Lê Hữu Kiều- nhân sĩ nổi tiếng ở đây và là anh ruột của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Tuy học vấn uyên bác, nhưng dự thi đại khoa, Phan Kính đều lận đận. Năm Quý Hợi (1743), lúc 28 tuổi ông đi thi Hội. Trong số 289 sĩ tử dự thi khoa này, bài của Phan Kính đứng thứ nhất.

Sau khi thi Đình, quyển thi của ông được vua Lê Hiển Tông dùng bút son tự phê “Quý Hợi khoa (1743), tứ đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ tam danh Phan Kính, La Sơn huyện, Lai Thạch xã, Lam sinh (học trò nghèo).

Khoa này, vua Lê không lấy Trạng nguyên, Bảng nhãn trong hàng tam khôi, chỉ có Phan Kính đỗ Thám hoa là học vị cao nhất trong khoa thi Đình năm ấy.

Hiện ở Văn Miếu có bia tiến sĩ của khoa thi này. Kết quả xướng danh vua Cảnh Hưng (niên hiệu của vua Hiển Tông) ban cho Thám hoa họ Phan áo mũ Khôi nguyên, bốn con ngựa, tiền bạc và cho phép vinh quy bái tổ. Nhân dân khắp ba tổng huyện La Sơn trọng tài vị học trò nghèo làm nên sự nghiệp, mang lọng, cờ đi đón rước.

(còn nữa)

Tất Đạt

Theo Đời sống
back to top