Phân biệt đào rừng, đào nhà

(khoahocdoisong.vn) - Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo bắt đầu cấm chặt đào rừng mang về nhà chơi Tết. Phân biệt thế nào là đào rừng, thế nào là đào nhà, vẫn đang gây ra những tranh cãi.

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo cấm chặt đào rừng mang về nhà chơi Tết. Phân biệt thế nào là đào rừng, thế nào là đào nhà, vẫn đang gây ra những tranh cãi.

PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hoa, cây cảnh cho biết, đào rừng là những cây đào có tuổi thọ lâu đời, mọc ở tự nhiên ở trong rừng. Cũng có khi đào rừng do con người trồng để làm rừng phòng hộ. Còn đào nhà là do con người trồng trên đất nông nghiệp, đất vườn. Nghĩa là tùy mục đích trồng khác nhau, địa điểm trồng khác nhau mà phân biệt đó là đào rừng hay đào nhà.

Đào rừng là một nguồn tài nguyên rất quý trong lâm nghiệp. Để một cây đào phát triển, cho những cành to, đẹp, phải mất đến 30 - 40 năm. Việc chặt những cành đào rừng này sẽ phá nát tài nguyên, cảnh quan của rừng, ảnh hưởng tới hệ thực vật tự nhiên trong rừng. Do đó, việc cấm chặt đào rừng là rất cần thiết.

Theo ông Đông, để phân biệt, đào rừng thường có cành cao đến 5 - 6m do phải vươn lên lấy ánh sáng, thân cành xù xì, mốc, nhiều tầm gửi bám, rất ít hoa nhưng bông rất khỏe. Còn đào nhà do được cắt tỉa, trồng trong đất nông nghiệp nên cành thấp, nhiều hoa. 

Để rạch ròi đâu là đào rừng, đâu là đào nhà, theo PGS.TS Đặng Văn Đông, các địa phương có người trồng đào phải tiến hành xác minh và cấp giấy chứng nhận cho người dân, giống như chỉ dẫn nguồn gốc sản phẩm. Những cành đào người dân trồng đem đi bán, phải được gắn mác hoặc có chứng nhận là đào trồng chứ không phải đào rừng. Đây là động thái cần thiết để quản lý thị trường hoa đào Tết, tránh tình trạng khai thác bừa bãi như hiện nay. Tất cả các cây, cành đào không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ có thê bị xử phạt.

Ông Lương Ngọc Hoan, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Sơn La cho biết, theo chỉ đạo, sẽ cấm tuyệt đối chặt đào trồng trong rừng. Còn đào được người dân trồng trong nhà sẽ thực hiện theo Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản. Tức người dân muốn chặt bán phải có xác nhận của chính quyền xã với nội dung như: Ai trồng, bao nhiêu cây, thôn bản nào… thì mới được bán. Chi cục Kiểm lâm Sơn La cũng đang nghiên cứu các phương án khác để tham mưu cho UBND tỉnh. 

Theo Đời sống
back to top