Phải biết vượt qua nỗi buồn

Phải biết vượt qua nỗi buồn, đó là chia sẻ của bà Vũ Thị Ngoan (66 tuổi, ở Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội).

Bà Vũ Thị Ngoan.

Hoạt động để không buồn

Bà Ngoan trước đây công tác tại Công ty Kim khí Thăng Long. Khi có chế độ 17/6, bà xin nghỉ về làm kinh tế gia đình. Lúc mới nghỉ cũng buồn, vì đang đi làm, sáng nào đến cũng gặp gỡ mọi người, uống chén nước rồi trò chuyện…giờ ở nhà quanh ra quanh vào bốn bức tường, nhớ bạn bè đồng nghiệp lắm. Nhưng nhờ gia đình có nghề làm cửa hoa cửa sắt, nên bận rộn, cũng quen và lại tìm được những niềm vui mới.

Làm vài chục năm, đến khi có tuổi thì ông bà nghỉ kinh doanh. Lúc mới nghỉ lại cũng buồn, nên bà tham gia CLB thơ, tập dưỡng sinh…rồi sau có cháu thì vui với cháu.

Nhưng nỗi buồn lớn nhất của bà là mất đi người chồng. Năm 2017, ông phát hiện bị ung thư gan khi đã di căn, điều trị trong bệnh viện một thời gian thì được cho về, chăm sóc tại gia đình hơn 7 tháng thì ông mất. Những ngày chăm sóc chồng, chứng kiến nỗi đau của ông khi ung thư di căn vào xương, với bà Ngoan là thời gian kinh khủng nhất.

Rồi khi ông mất đi là khoảng trống không gì bù đắp được. Thời gian đầu, cứ ở trong nhà, dù ngồi hay đứng, làm bất cứ việc gì bà đều nghĩ đến chồng, thấy ông như vẫn đang hiện hữu trong từng công việc gia đình.

Đến dịp Tết 2018, suốt mấy ngày không đi đâu, sau các con rủ ra ngoài cho khuây khỏa, sang Hồ Gươm, ra vườn hoa Con Cóc, nhìn thấy những đôi vợ chồng già dắt tay nhau đi chơi, nhớ đến chồng, nghĩ mình sau này già không được như họ, đầy cảm xúc bà làm một bài thơ chỉ trong có 10 phút. Sau đó đưa lên FB, rất nhiều người chia sẻ. Có người còn gọi điện đến và khóc.

Chính sự chia sẻ của mọi người khiến bà dần thoát ra khỏi nỗi buồn. Ra ngoài, trò chuyện với bạn bè, tham gia các tổ lễ, lên chùa đọc kinh… cũng giúp bà khuây khỏa. Hơn nữa, bà nghĩ, chỉ thương ông không được sống cùng vợ con, không được nhìn thấy các cháu lớn khôn. Còn mình phải cố gắng sống vui, sống khỏe để là chỗ dựa cho con cho cháu.

Con nào cũng thương

Hai cậu con trai đều đã lập gia đình, một người sống tận bên Đức. Bà Ngoan không bao giờ phân biệt con dâu hay con đẻ, con nào bà cũng thương. Bà kể về cô con dâu bên Đức với lòng đầy thương xót khi không có mẹ ở bên lúc sinh đẻ. Sinh con bé chưa đầy tháng đã phải cho con vào xe đẩy, rét buốt như thế mà phải ra đường, lên xe buýt để đưa con lớn đến lớp mẫu giáo. Nếu ở nhà thì bà đã bắt kiêng cho đến ngoài tháng chưa phải ra gió, chưa phải sờ đến nước. Nhưng ở nước ngoài, lấy ai mà kiêng, mà giữ gìn cho, nên bà thương lắm.

Còn với cô con dâu út, thấy con sinh cháu mà vẫn phải đi làm vất vả tối ngày, lương chỉ có 4-5 triệu đồng, bà bàn với con xin nghỉ ở nhà trông con. Kinh tế thì bà hỗ trợ, vì dù không có lương hưu, bà vẫn có căn nhà cho thuê, nên cũng tạm ổn. Nhiều người bảo bà chiều con dâu. Còn bà thì nghĩ, nó đồng ý nghỉ là may, là ngoan. Không gì bằng mẹ trông con. Còn bà chỉ hỗ trợ thôi, chứ cả ngày phải trông cháu, cho ăn, cho ngủ, không đi đâu được, thì cũng mệt.

Thời gian của bà bây giờ là chăm lo cho sức khỏe, làm những gì mình thấy vui. Bởi đã từng chứng kiến cảnh chồng ốm đau, bà hiểu rằng sức khỏe vô cùng quan trọng. Đợi đến khi ốm mới lo thì đã muộn, mà phải chăm lo ngay từ khi còn khỏe. Trước tiên là phải quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm, thức ăn phải tươi, sạch. Phải chú ý ăn những gì tốt cho sức khỏe chứ không dám ăn theo sở thích nữa.

Với người cao tuổi, vui cũng là cách giữ gìn sức khỏe. Ngoài các CLB, bà còn thường đi du lịch, đi chùa, đi chơi cùng với các nhóm bạn. Lúc thì với hội người cao tuổi ở địa phương, khi thì đi với hội của bạn, cứ vui là đi.

Bảo Anh

Theo Đời sống
"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố của J&T Express cho thấy, thói quen mua sắm trực tuyến của người Việt phát triển mạnh mẽ trong dịch và duy trì khá bền vững sau đó. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không chỉ ở các thành phố lớn mà đang "bùng nổ" ở nông thôn.
back to top